Aa

Kỳ vọng gì từ Luật Đầu tư công sửa đổi?

Chủ Nhật, 08/03/2020 - 10:47

Có hiệu lực từ tháng 2/2020, Luật Đầu tư công sửa đổi được kỳ vọng sẽ tạo thuận lợi hơn cho quá trình chuẩn bị dự án đầu tư công, đơn giản hóa thủ tục hành chính.

Luật Đầu tư công 2019 thay thế Luật Đầu tư công 2014, có hiệu lực từ ngày 01/01/2020, với nhiều điểm mới được hy vọng sẽ tạo thuận lợi hơn cho quá trình chuẩn bị dự án đầu tư công, đơn giản hóa thủ tục hành chính, nâng cao tính công khai/minh bạch trong quản lý đầu tư công cũng như đảm bảo sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư công.

Nhiều thay đổi tích cực

Một số điểm mới nổi bật trong Luật Đầu tư công 2019 có thể kể tới như sau:

Thứ nhất, thống nhất định nghĩa về nguồn vốn đầu tư công. Cụ thể, Luật Đầu tư công 2014 được ban hành trước thời điểm Luật Ngân sách nhà nước 2015 có hiệu lực, do vậy định nghĩa về nguồn vốn đầu tư công đã có sự khác biệt giữa 2 văn bản luật này. Luật Đầu tư công 2014 quy định tách riêng một số nhóm vốn (bao gồm: vốn trái phiếu chính phủ, vốn công trái quốc gia, vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài) ra khỏi vốn ngân sách nhà nước.

Hệ quả là các quy trình dự án và kế hoạch đầu tư đối với từng nhóm vốn này có những sự khác biệt nhất định, gây phức tạp đối với trình tự lập/thẩm định/quyết định chủ trương đầu tư/quyết định dự án đầu tư...

Luật Đầu tư công 2019 đã giải quyết vướng mắc trên bằng cách quy định thống nhất về nguồn vốn đầu tư công bao gồm: vốn ngân sách nhà nước và vốn từ nguồn thu hợp pháp của các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập dành để đầu tư theo quy định của pháp luật.

Thứ hai, các quy định mới của Luật Đầu tư công 2019 đã đẩy mạnh sự phân cấp trong việc xem xét quyết định chủ trương đầu tư, đặc biệt là phân cấp thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn.

Ảnh minh họa.

Luật Đầu tư công 2019 đã tập trung phân cấp triệt để quy trình thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn, đưa vấn đề này trở thành một nội dung của thẩm định báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, và do các bộ, cơ quan trung ương và địa phương thẩm định (trừ chương trình, dự án thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ) trên cơ sở tổng số vốn kế hoạch trung hạn của đơn vị mình được cấp có thẩm quyền phân bổ.

Ngoài ra, Luật Đầu tư công 2019 đã tăng cường phân cấp cho các địa phương trong việc quyết định các dự án đầu tư công, trong đó bao gồm cả các dự án nhóm A.

Cụ thể, đối với những dự án nhóm A do địa phương quản lý, thay vì thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ như quy định tại Luật Đầu tư công 2014, Luật Đầu tư công 2019 đã trao quyền quyết định chủ trương đầu tư cho Hội đồng nhân dân cấp tỉnh.

Bên cạnh đó, Luật Đầu tư công 2019 cũng bổ sung quy định về phân cấp thẩm quyền quyết định điều chỉnh kế hoạch đầu tư công cho người đứng đầu các Bộ, cơ quan trung ương, Hội đồng nhân dân các cấp, Ủy ban nhân dân các cấp điều chỉnh kế hoạch giữa các dự án trong danh mục kế hoạch hằng năm trong phạm vi tổng mức vốn đã được cấp có thẩm quyền giao kế hoạch.

Thứ ba, Luật Đầu tư công 2019 đã đưa ra phương pháp khắc phục được vướng mắc lớn nhất về đầu tư công trước đây, đó là vấn đề “có vốn trước hay có dự án trước”. Theo Luật Đầu tư công 2014, muốn quyết định chủ trương đầu tư một dự án đầu tư công, điều kiện tiên quyết là phải xác định được nguồn vốn và khả năng cân đối vốn.

Tuy nhiên, muốn xác định được nguồn vốn và khả năng cân đối vốn phải căn cứ vào dự án. Thực tế trên đã tạo ra câu chuyện “con gà và quả trứng”, dẫn tới sự bế tắc trong việc tìm kiếm các giải pháp để quyết định chủ trương đầu tư.

Để giải quyết vấn đề trên, Luật Đầu tư công 2019 đã đưa ra phương án mang tên là “Dự kiến kế hoạch bố trí vốn và tiến độ thực hiện chương trình”. Dựa trên nội dung dự kiến này, cơ quan có thẩm quyền sẽ có căn cứ pháp lý về nguồn vốn để triển khai các thủ tục phê duyệt chủ trương đầu tư dự án.

Không còn tình trạng con gà quả trứng

Việc thống nhất định nghĩa về nguồn vốn đầu tư công sẽ khắc phục được một trong những vấn đề lớn của Luật Đầu tư công 2014 đó là sự lúng túng khi xác định tính chất/bản chất giữa các nguồn vốn đầu tư công dẫn đến nhiều khó khăn trong hoạt động điều chuyển những nguồn vốn này.

Ngoài ra, việc sửa đổi khái niệm nguồn vốn đầu tư công như Luật Đầu tư công 2019 sẽ tác động tích cực đến hoạt động phân loại các dự án và phân loại kế hoạch đầu tư, đơn giản hóa được các trình tự thủ tục liên quan, tạo ra sự phân biệt rõ ràng về trình tự thủ tục giữa các nguồn vốn, tránh sự chồng chéo và không thống nhất trong cách hiểu về “nguồn vốn đầu tư công”, cũng như tác động tích cực đến tỷ lệ giải ngân trong năm của các đơn vị. Bên cạnh đó, với việc quy định thống nhất nguồn vốn đầu tư công về 2 nhóm cơ bản.

Luật Đầu tư công 2019 đã tạo điều kiện để xây dựng một quy trình thống nhất, cụ thể dành riêng cho các dự án đầu tư sử dụng vốn từ nguồn thu hợp pháp của các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập. Điều này sẽ hỗ trợ tích cực cho việc phân cấp triệt để trong quá trình quyết định dự án đầu tư, thay vì phân cấp dàn trải dự án như quy định tại Luật Đầu tư công 2014.

Việc đẩy mạnh phân cấp cho cơ quan địa phương dự kiến có những tác động tích cực đến việc giải quyết sự chồng chéo, phức tạp của thủ tục đầu tư công, gỡ bỏ những thủ tục mang tính hình thức - một trong những rào cản dẫn đến tình trạng “tiền có nhưng khó tiêu” do dự án chưa được giao kế hoạch vì chưa đủ thủ tục.

Cụ thể, trong trình tự, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư chương trình/dự án đầu tư công, rất nhiều các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương có ý kiến về việc xem xét, điều chỉnh lại quy trình thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn đối với các dự án sử dụng vốn ngân sách trung ương, vốn trái phiếu chính phủ, vốn ODA và vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, vốn từ nguồn thu để lại cho đầu tư nhưng chưa đưa vào cân đối ngân sách nhà nước.

Theo đó, quy trình thẩm định tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính mang nặng tính hình thức, gây mất nhiều thời gian và kinh phí để thực hiện.

Trong rất nhiều trường hợp, số vốn cân đối đã rõ ràng hoặc đã được cấp có thẩm quyền xác định nhưng vẫn phải thực hiện thủ tục thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn.

Với quy định mới của Luật Đầu tư công 2019, khi thực hiện những nội dung về phân cấp quyết định chủ trương đầu tư, hay điều chỉnh kế hoạch giữa các dự án trong năm, các cơ quan sẽ tránh được việc phải thực hiện thủ tục báo cáo lên các cấp có thẩm quyền (Ủy ban thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, hoặc Bộ Kế hoạch và Đầu tư) khi điều chỉnh kế hoạch đầu tư công theo Luật Đầu tư công 2014; từ đó tiết kiệm được rất nhiều thời gian, chi phí tuân thủ.

Đồng thời, sự phân cấp trong Luật Đầu tư công 2019 cũng góp phần tăng sự chủ động, tự chịu trách nhiệm cho các cơ quan địa phương, giảm gánh nặng cho Trung ương trong lĩnh vực đầu tư công.

Việc giải quyết được câu hỏi lớn về vấn đề “có vốn trước hay có dự án trước” của Luật Đầu tư công 2019 là một bước tiến đáng kể trong nỗ lực đưa các quy định pháp lý đến gần hơn với thực tiễn cuộc sống.

Xét một cách tổng quát, đã có nhiều nhận định cho rằng một số quy định trong Luật Đầu tư công 2014 quá cứng nhắc, hoặc chưa đầy đủ nên dẫn tới tình trạng các quy định đã không đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn, tạo ra những “vòng luẩn quẩn” trong công tác thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư, thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn, bố trí vốn,….

Giải pháp mà Luật Đầu tư công 2019 đưa ra như đã liệt kê ở mục trên sẽ giúp giảm thiểu những bất cập tồn tại trong hoạt động điều chỉnh dự án/điều chỉnh kế hoạch, tình trạng giao vốn nhiều lần và kéo dài thời gian giao vốn hay những vướng mắc liên quan đến việc khó theo dõi/đánh giá/kiểm tra các kế hoạch, chương trình, dự án.

Với những quy định mới, Luât Đầu tư công 2019 sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện triển khai và giải ngân vốn đầu tư công đối với các dự án có vốn nhà nước.

Các doanh nghiệp nhà nước, các đơn vị sự nghiệp công lập hoặc các chủ thể khác thực hiện các dự án đầu tư công cần nắm rõ những điểm mới về trình tự, thủ tục triển khai dự án, đặc biệt là các quy định về phân cấp điều chỉnh dự án đầu tư công để đảm bảo tuân thủ pháp luật.

Việc nắm chắc những điểm mới về pháp luật đầu tư công sẽ giúp nhà thầu bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của mình, tránh những rủi ro về mặt pháp lý không đáng có khi thực hiện các dự án đầu tư công.

Luật sư Lê Gia Khánh, Văn phòng Luật sư NHQuang và Cộng sự

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top