Aa

Kỳ vọng sự “trỗi dậy” của nhà ở xã hội

Thứ Tư, 11/10/2023 - 07:55

Đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội đang có những bước đầu đáng khích lệ, một số dự án đang được triển khai. Nhiều dự báo cho rằng, phân khúc này sẽ sẽ “trỗi dậy" mạnh mẽ trong thời gian tới.

Những tín hiệu tích cực

Số liệu mới đây của Bộ Xây dựng cho biết, trong giai đoạn 2021 - 2025, tính đến 30/6/2023 cả nước đã hoàn thành 41 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị, quy mô xây dựng khoảng 19.516 căn. Chỉ riêng trong 6 tháng 2023, có 9 dự án với tổng 18.768 căn nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp đã được khởi công. Về gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội, hiện có 11 địa phương công bố danh mục 24 dự án đủ điều kiện vay ưu đãi với nhu cầu vay vốn khoảng 12.400 tỷ đồng.

Nguồn cung phân khúc nhà ở xã hội sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới khi những hỗ trợ về chính sách của Chính phủ đối với loại hình này. Ảnh VNExpress

Trên khắp cả nước, các địa phương đã “kích hoạt” để thực hiện hiệu quả Đề án của Chính phủ về đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2030 cho người lao động. Tại Hà Nội, đang triển khai thực hiện 40 dự án nhà ở xã hội và đặt mục tiêu giai đoạn 2021 - 2025 hoàn thành 18 dự án. Gần đây nhất, UBND thành phố Hà Nội đã có quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án nhà ở xã hội cao tầng Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai. Trước đó, hồi tháng 5, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại và Xây dựng Thân Hà đã khởi công xây dựng nhà ở xã hội thuộc dự án Khu nhà ở đô thị Kim Hoa tại huyện Mê Linh….

Ở các địa phương có nhiều khu công nghiệp như Bắc Giang cũng đặt mục tiêu thu hút đầu tư xây dựng hoàn thành 14 dự án nhà ở xã hội và nhà ở dành cho công nhân trong giai đoạn 2021 – 2025. Đến 2026-2030, dự kiến triển khai thêm 22 dự án.

Không chỉ ngoài Bắc, trong Nam, hồi tháng 7 vừa qua, Kim Oanh Group công bố phát triển nhà ở xã hội và nhà ở thu nhập thấp, gồm hai giai đoạn từ nay đến năm 2028, với mục tiêu sẽ phát triển 26 dự án và tổng mức đầu tư khoảng 31.000 tỷ đồng…

Để cung – cầu “gặp nhau”

Trên thực tế, nhu cầu nhà ở xã hội rất lớn. Anh Đỗ Hồng Sơn (Thanh Hóa) cho biết, anh và vợ đã mất 1 năm nay đi tìm mua nhà chung cư thương mại nhưng do tài chính không đủ phải cân nhắc rất nhiều thứ nên mãi không mua được. Hiện anh và gia đình đang thuê nhà trọ ở gần nơi làm việc thuộc quận Đống Đa.

Anh cũng cho biết thêm, rất nhiều bạn bè cũng đang có nhu cầu tìm mua nhà và bày tỏ mong muốn chính sách hỗ trợ để làm sao tiếp cận được mua nhà ở xã hội. Anh Sơn cho rằng: "Để cơ hội tiếp cận nhà ở xã hội của người dân lao động được tốt hơn, tôi hi vọng Nhà nước nên xây thêm các dự án nhà ở xã hội phân loại theo các mức dành riêng cho người thu nhập trung bình, thu nhập khá, thậm chí là cả nhà ở xã hội cho thuê".

Bất động sản nhu cầu thực sẽ là xu hướng tất yếu của thị trường bất động sản trong bối cảnh hiện nay. Ảnh Diễn đàn doanh nghiệp

Cũng trong tình cảnh như anh Sơn, chị Thu Quỳnh (Nghệ An) cho biết, chị vẫn giữ quan điểm và mong muốn mua nhà ở Hà Nội bởi tại đây hai vợ chồng chị đang làm việc, bên cạnh đó, đây còn là môi trường lý tưởng để chăm sóc giáo dục sức khỏe cho con cái.

Các chuyên gia bất động sản nhận định rằng, nguồn cung phân khúc nhà ở xã hội sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới khi những hỗ trợ về chính sách của Chính phủ đối với loại hình này. Chia sẻ từ dữ liệu khảo sát, ông Nguyễn Quốc Anh - Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn thông tin, từ khóa “nhà ở xã hội” trong hành vi tìm kiếm bất động sản của người dùng tăng mạnh đã phản ánh mối quan tâm và nhu cầu thực sự của người dân với loại hình này.

Ông Nguyễn Quốc Anh phân tích, bất động sản nhu cầu thực sẽ là xu hướng tất yếu của thị trường bất động sản trong bối cảnh hiện nay. Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng thời gian tới các động lực thúc đẩy và những ưu tiên của Chính phủ về phân khúc nhà ở xã hội và nhà ở công nhân thì các doanh nghiệp tham gia phát triển sẽ tốt hơn, đưa nguồn cung nhà ở xã hội có những thay đổi theo hướng tích cực.

Ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng, nguồn cung nhà ở xã hội sẽ có sự tăng trưởng do những ưu ái từ phía các chính sách điều hành vĩ mô nhưng không phải trong năm nay. Do các chính sách vẫn cần thời gian và chờ đợi độ “ngấm” để tác động dần dần vào thị trường. Khi đó thanh khoản của loại hình này sẽ tăng mạnh do lực cầu hiện đang rất lớn.

Mới đây, tại cuộc họp báo Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh thông tin, thời gian tới, quỹ đất để đầu tư nhà ở xã hội sẽ đầy đủ hơn và theo hướng dễ tiếp cận hơn. Để thu hút doanh nghiệp tham gia đầu tư nhà ở xã hội, Thứ trưởng Sinh cho rằng, tới đây, Chính phủ sẽ trình Quốc hội Luật Nhà ở (sửa đổi), có hỗ trợ tích cực hơn như miễn tiền sử dụng đất, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế VAT, dành 20% diện tích đất để chủ đầu tư đầu tư các khu thương mại, dịch vụ,…Với những điều kiện như vậy, vị Thứ trưởng cho rằng, phân khúc nhà ở xã hội sẽ phát triển tốt và đáp ứng được nhu cầu.

TS Lê Xuân Nghĩa – chuyên gia tài chính. Ảnh Báo Đầu tư

TS Lê Xuân Nghĩa – chuyên gia tài chính cho rằng, cần phải giải phóng doanh nghiệp bất động sản để thu hút đầu tư vào nhà ở xã hội. Cụ thể  giảm khỏi các ràng buộc của các chính sách khuyến khích, miễn thuế quyền sử dụng đất hay như hạn mức tín dụng đầy đủ với lãi suất hợp lý. Về các chính sách hỗ trợ phải hướng trực tiếp đến người mua nhà. Có như vậy, phân khúc nhà ở xã hội mới tăng nhanh và khủng hoảng cơ cấu phân khúc sẽ sớm được khắc phục trong thời gian tới.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top