Aa

"Lách luật" kiểu... Đất Xanh?

Thứ Tư, 30/08/2017 - 03:02

Thay vì hoàn thiện dự án đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng, nhiều chủ đầu tư sẵn sàng “bới móc” kẽ hở của luật pháp, "lách luật" để đưa khách hàng của mình vào tròng.

Chiêu trò “xác lập thỏa thuận giữ chỗ”

Luật Kinh doanh BĐS quy định, dự án BĐS hình thành trong tương lai muốn bán phải đáp ứng các điều kiện về pháp lý như giấy tờ về quyền sử dụng đất, giấy phép xây dựng, nghiệm thu việc hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật tương ứng theo tiến độ dự án.

Với chung cư, dự án chỉ được bán khi có biên bản nghiệm thu xây xong phần móng. Trước khi bán, cho thuê mua, chủ đầu tư phải có văn bản thông báo cho cơ quan quản lý cấp tỉnh về việc đủ điều kiện được bán, cho thuê mua.

Quy định là vậy nhưng không ít chủ đầu tư cố tình "ngó lơ" để huy động vốn, sau đó bắt khách hàng chờ. Như tường hợp dự án Opal Skyview, do Tập đoàn Đất Xanh (ĐX) làm chủ đầu tư.

Dự án có vị trí khá đẹp ngay mặt tiền đường Phạm Văn Đồng, P. Hiệp Bình Chánh, Quận Thủ Đức, TP.HCM. Cách đây hơn 1 năm, khi ĐX quảng bá sản phẩm dự án ra thị trường, đã thu hút sự chú ý của nhiều nhà đầu tư. Mãi gần đây, ĐX bắt đầu tung sản phẩm ra thị trường, phát tờ rơi và tiến hành giao dịch.

Dự án Opan Skyview của tập đoàn Đất Xanh làm chủ đầu tư.
Dự án Opan Skyview của tập đoàn Đất Xanh làm chủ đầu tư.

Dự án Opal Skyview do Tập đoàn Đất Xanh làm chủ đầu tư.

Theo quảng cáo, khách hàng sẽ đóng tiền thành 2 giai đoạn trước và sau khi ký hợp đồng mua bán. Đầu tiên, chỉ việc đóng vào 50 triệu đồng để “xác lập thỏa thuận giữ chỗ”, sau đó 15 ngày đóng tiếp 150 triệu đồng để thỏa thuận đảm bảo quyền ưu tiên mua sản phẩm. Tiếp đó mới ký hợp đồng mua bán và chia làm 8 đợt thanh toán. Ngay sau khi ký hợp đồng mua bán sẽ thanh toán 20%, sau đó chia đều cho các đợt còn lại.

Chuyện đóng tiền sẽ không có gì đáng bàn, nếu chủ đầu tư chịu thực hiện… dự án. Mặc dù kế hoạch đóng tiền rất cụ thể nhưng dự án vẫn chỉ là khu đất trống, vơi cỏ mọc hoang và đọng khá nhiều vũng nước tù bốc mùi.

Quảng cáo của Đất Xanh.

Quảng cáo của Tập đoàn Đất Xanh trên mạng. 

Theo quảng cáo của ĐX trên mạng, hiện dự án này đã có hơn 200 khách hàng tiến hành thỏa thuận giữ chỗ. Nếu tính trên con số này, với mỗi khách đóng 200 triệu đồng thì chủ đầu tư đã có được vài chục tỷ đồng. Một số vốn lớn mà không trả lãi. Số tiền thu về không nhỏ, nhưng tiếc là trong tất cả những mẩu quảng cáo được ĐX đưa lên mạng, không ghi cụ thể thời gian bàn giao nhà.

Với những dự án kiểu này, không hiểu những khách hàng đã đặt chỗ bao giờ mới nhận nhà?

Móng chưa xong mà vẫn rao bán là sai luật, nhưng cơ quan quản lý không biết nên chủ đầu tư cứ làm, khi có vướng mắc, dân khiếu nại mới tính đến chuyện giải quyết?

Sự đầu tư may rủi

Vì cũng trót đặt tiền giữ chỗ, thậm chí là tiền cọc hay có trường hợp thanh toán đến trên 50% giá trị tài sản, nhiều khách hàng "dở khóc dở cười" trước sự bội tín của các chủ đầu tư. May mắn thì đòi lại được khoản tiền cọc như trường hợp chị V., một khách hàng của công ty BĐS Vạn An Phát bị lừa mua đất tận Long Thành. Hay anh T., trót đặt cọc mua sản phẩm tại dự án The Viva city của chủ đầu tư là công ty LDG, khi phát hiện gian dối đã kịp thời đòi lại khoản tiền đặt cọc của mình.

 dự án The Viva city của chủ đầu tư là công ty LDG, khi phát hiện gian dối đã kịp thời đòi lại khoản tiền đặt cọc của mình.

Tại dự án The Viva city, khi phát hiện gian dối, khách hàng đã kịp thời đòi lại khoản tiền đặt cọc của mình.

Không may mắn như chị V., anh T., nhiều khách hàng mua nhà tại dự án Saigon One Tower, tòa nhà cao thứ 3 của TP.HCM, phần lớn đã đóng trên 70% tổng giá trị hợp đồng. Với số tiền mỗi người góp lên đến trên chục tỷ đồng, nên họ đang như ngồi trên đống lửa khi tòa cao ốc này bị VAMC thu giữ để xử lý các khoản nợ 7.000 tỷ của chủ đầu tư.

Với những dự án đã tiến hành xây dựng, đặt cọc và thanh toán đến tận 70% mà còn xảy ra những rủi ro như One Tower thì liệu những dự án còn "trong trứng nước" sẽ mang lại hệ quả như thế nào cho khách hàng khi xảy ra sự cố?

Mặc dù luật đã quy định nhưng những thiệt hại của nhà đầu tư vẫn tiếp diễn do chủ đầu tư cố ý làm sai mà vẫn không có một cơ quan nào đứng ra giải quyết. Thiết nghĩ, cơ quan quản lý Nhà nước cũng nên sớm có các biện pháp mạnh tay hơn, quyết liệt hơn để bảo vệ người tiêu dùng trước các "chiêu thức" ngày càng biến tướng của chủ đầu tư./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top