Aa

Hàng loạt ông lớn BĐS ở TP.HCM dính sai phạm về đất đai

Thứ Tư, 23/08/2017 - 12:55

Tất cả các dự án Bộ Tài Nguyên Môi trường thanh tra việc chấp hành các quy định pháp luật về tài nguyên môi trường ở TP.HCM đều có vi phạm.

Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa có Kết luận thanh tra (số 1661/KLTTr-BTNMT) việc chấp hành các quy định của pháp luật về tài nguyên và môi trường tại TP.HCM. Trong 27 dự án thanh tra thì cả 27 dự án đều có sai phạm.

Nhiều dự án không nộp tiền sử dụng đất

Trong kết luận thanh tra, Công ty Cổ phần phát triển BĐS Phát Đạt bị chỉ tên chưa đóng tiền sử dụng đất đối với dự án River City. Dự án này còn nhiều vi phạm khác như: tiến độ thực hiện dự án chậm, không có biên bản bàn giao đất tai thực địa.

Dự án River City của Phát Đạt chưa nộp tiền sử dụng đất. Ảnh: Lê Quân

Dự án River City của Phát Đạt chưa nộp tiền sử dụng đất. Ảnh: Lê Quân

Khu dân cư phường Thạnh Mỹ Lợi, quận 2 do Công ty TNHH một thành viên Dịch vụ Công ích làm chủ đầu tư bị nêu tên vì tiến độ thực hiện dự án chậm, một số công trình chưa xây dựng theo quy hoạch.

Công ty cũng chậm xin điều chỉnh quy hoạch khu chung cư và khu cây xanh, khu xử lý nước thải tập trung; chưa có biên bản bàn giao đất xây dựng công trình công cộng cho Nhà nước quản lý.

Tại phường Thạnh Mỹ Lợi còn có dự án của Công ty cổ phần Tiếp vận Đông Sài Gòn (ESL) bị kết luận tiến độ thực hiện chậm. Ngoài ra, công viên cây xanh trong dự án chưa xây dựng, dự án chưa quyết toán nghĩa vụ tài chính về tiền sử dụng đất theo quy định…

Quỹ Phát triển nhà ở cũng có tên trong danh sách vi phạm

Dự án Khu dân cư Bình Trưng Đông - Cát Lái (quận 2) do Công ty cổ phần Eden làm chủ đầu tư có những sai phạm như giao đất cho các hộ nhận chuyển nhượng không có biên bản bàn giao; chưa cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chưa có biên bản bàn giao đất xây dựng công trình công cộng cho Nhà nước quản lý...

Công ty cổ phần Đầu tư địa ốc Tiến Phát cũng có tên trong kết luận sai phạm với dự án khu căn hộ tại phường Thảo Điền, quận 2. Dự án này tiến độ thực hiện chậm đến 33 tháng.

Chậm tiến độ đến 5 năm là dự án khu nhà ở của Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn tại quận Gò Vấp. Dự án này đến nay mới thi công phần thô nhà chung cư lô số 3 và một con đường. Phần còn lại gồm 4 lô chung cư và đất công viên cây xanh, cơ sở hạ tầng bỏ trống.

Cũng chậm tiến độ xây dựng nhiều năm là dự án xây dựng khu nhà ở tại phường Long Bình, quận 9 của Công ty TNHH Ngân Thạnh. Được giao đất năm 2011, nhưng đến nay chủ đầu tư mới san lấp mặt bằng. Toàn bộ các công trình theo quy hoạch chưa được xây dựng; không có biên bản bàn giao đất tại thực địa.

Quỹ Phát triển nhà ở TP.HCM cũng bị nêu tên chậm tiến độ tại dự án nhà ở cho người thu nhập thấp phường Hiệp Thành, quận 12. Dự án này được giao đất từ năm 2006, nhưng đến nay mới chỉ xây dựng hạ tầng.

Trong số các ông lớn bất động sản sai phạm còn có Công ty cổ phần Đức Khải. Doanh nghiệp này sai phạm tại dự án khu tái định cư phường Phú Mỹ, quận 7, do chưa bàn giao công viên cây xanh và các công trình công cộng cho ngành chức năng quản lý theo quy định, không có biên bản bàn giao đất tại thực địa.

Công ty TNHH Bất động sản Trần Thái cũng thực hiện dự án khu nhà ở Phước Kiên tại xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè chậm 9 tháng; chưa nghiệm thu cơ sở hạ tầng, chưa làm thủ tục cấp sổ đỏ cho các hộ đã nhận nhà và đến ở (30 hộ).

Ngoài ra, còn những doanh nghiệp khác như Công ty cổ phần Đầu tư Việt Liên Á - Phú Hưng Gia sai phạm ở dự án khu phức hợp Saigon Airport Plaza phường 2, quận Tân Bình. Công ty Cổ phần Vạn Phát Hưng sai phạm tại dự án khu dân cư phường Phú Thuận, quận 7. Tại đây, khối nhà chung cư 1A và 1B (352 căn hộ) đã chuyển nhượng, bàn giao nhà cho người mua sử dụng nhưng chưa được nghiệm thu hạ tầng và chưa cấp sổ đỏ cho các hộ dân...

Doanh nghiệp không chấp hành xử phạt

Với kết luận thanh tra của Bộ Tài nguyên và Môi trường, các doanh nghiệp phải đóng tiền phạt ở những sai phạm này. Tuy nhiên, thông tin từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, đến nay dù đã qua 3 tháng ra quyết định xử phạt, mới chỉ có vài chủ đầu tư chấp hành, chủ yếu là những doanh nghiệp bị phạt với số tiền vài chục triệu đồng.

Đặc biệt, với những chủ đầu tư phát triển dự án, đã mở bán nhưng chưa đóng tiền sử dụng đất theo quy định, hiện chưa doanh nghiệp nào thực hiện nghĩa vụ đóng tiền sử dụng đất bổ sung.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top