Hiện tại Bộ Xây dựng đang chuẩn bị đề xuất chính sách sửa đổi các luật trong lĩnh vực xây dựng, gồm Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Quy hoạch đô thị. Trong đó có nhiều nội dung liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp. Bộ cũng đang soạn Dự thảo Nghị định nhằm cắt bỏ các ngành nghề kinh doanh có điều kiện cùng nhiều điều kiện kinh doanh (ĐKKD) trong lĩnh vực Bộ quản lý.
“Muốn lên 1 tầng phải nộp 25.000 USD”
Tại hội thảo lấy ý kiến doanh nghiệp hoàn thiện pháp luật về đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực xây dựng do Bộ Xây dựng và VCCI tổ chức, bà Tống Thị Hạnh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Xây dựng) thay mặt Ban soạn thảo trình bày những thay đổi căn bản về nội dung Dự án Luật và Nghị định trên.
Theo bà Hạnh, Luật Xây dựng năm 2014, Luật Nhà ở năm 2014, Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014, Luật Quy hoạch đô thị năm 2009 là các đạo luật quan trọng điều chỉnh các hoạt động đầu tư xây dựng; quy hoạch xây dựng; phát triển đô thị, nhà ở, kinh doanh bất động sản… góp phần tạo lập môi trường đầu tư bình đẳng, thông thoáng, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện 4 luật trên và các luật về đầu tư, kinh doanh cũng bộc lộ một số bất cập, không phù hợp với thực tiễn như: thời gian thực hiện thủ tục giấy phép còn dài, điều kiện cấp giấy phép xây dựng đối với một số đối tượng công trình còn chưa phù hợp…
Bên cạnh đó, thời gian qua, các Nghị quyết của Chính phủ đều nhấn mạnh việc rà soát, đề xuất đơn giản hóa thủ tục hành chính, bãi bỏ các ĐKKD không cần thiết, không phù hợp; rà soát, chủ động sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền hoặc kiến nghị sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh.
Một số luật mới ban hành (Luật Quy hoạch, Luật số 03/2016/QH14…) đặt ra yêu cầu phải tiếp tục hoàn thiện, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.
Vì vậy, “việc sửa đổi, bổ sung 4 luật là hết sức cần thiết trong giai đoạn hiện nay”, đại diện Bộ Xây dựng cho biết.
Cũng tại hội thảo, TS. Phạm Sỹ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho biết, nước Mỹ thường sử dụng dịch vụ thanh tra xây dựng chứ không có lực lượng thanh tra của chính quyền. Theo đó, khi cấp giấy phép xây dựng, chính quyền sẽ thu một khoản phí, phí đấy sẽ dùng để thuê dịch vụ thanh tra. Khi cần kiểm tra một công trình, chính quyền chỉ cần gọi cho một đơn vị đến kiểm tra xem chủ đầu tư có làm đúng giấy phép không. Cho nên họ không cần biên chế. Ở Mỹ có cả trăm nghìn người làm dịch vụ thanh tra xây dựng.
Đề cập về việc cấp giấy phép xây dựng, ông Liêm cho biết hiện nay chỉ có quy định cấp giấy phép mà không có quy định kiểm tra việc thực hiện giấy phép nên việc vi phạm giấy phép rất phổ biến.
“Chỉ khi nào báo chí, người dân phát hiện thì cơ quan chức năng mới vào cuộc còn bình thường cơ quan chức năng không phát hiện ra. Nhất là khi đã "bôi trơn" thì muốn lên mấy tầng thì lên. Tôi nghe ở thành phố nọ, anh muốn lên 1 tầng thì xin mời anh thêm 25.000 USD. Tôi còn nghe có doanh nghiệp vi phạm pháp luật, nhưng tiền bị phạt còn rẻ hơn tiền đi bôi trơn. Pháp luật phải ngăn chặn chuyện như vậy”, ông Liêm nhấn mạnh.
Một trong những điểm đáng chú ý của Dự thảo “Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Quy hoạch đô thị”, là việc sửa đổi Khoản 2, Điều 89 Luật Xây dựng theo hướng: Bổ sung đối tượng được miễn giấy phép xây dựng bao gồm các công trình thuộc dự án đã có quy hoạch chi tiết 1/500 được phê duyệt, đã được cơ quan chuyên môn thẩm định thiết kế xây dựng hoặc được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định đầu tư; một số công trình quy mô nhỏ khác.
Đánh giá về quy định sửa đổi này, ông Liêm cho rằng trên thực tế các sự cố xây dựng lại thường hay xảy ra ở nhà thấp tầng, rẻ tiền chứ không phải ở các công trình quy mô mấy chục tầng. Lấy ví dụ về công trình tại một số trường học vừa qua bị sập lan can, khiến hàng chục học sinh phải nhập viện, ông Liêm cho rằng, công trình 2 tầng có cả công trình dùng làm trường học có thể gây nguy hiểm nếu không được kiểm soát chất lượng. Do vậy, việc miễn giấy phép cho các công trình này là chưa hợp lý.
Theo ông Liêm, "vấn đề chỉ là quy định giấy phép do ai cấp để cho đơn giản và nhanh chóng, chứ giấy phép xây dựng đối với các công trình đó không phải là vô dụng để chúng ta có thể bỏ đi dễ dàng”.
Lại chuyện “quả trứng có trước hay con gà có trước”
Cùng bàn về vấn đề cấp giấy phép xây dựng, ông Trần Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo cho hay: "Mỗi hồ sơ quảng cáo, tính cả giấy phép của Bộ Xây dựng và Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch thì lên tới 20 giấy phép
Quảng cáo ngoài trời rất bế tắc do Luật Đất đai, Xây dựng và quy hoạch quảng cáo. Nếu xét ra thì tất cả các công trình quảng cáo ngoài trời đều vi phạm pháp luật. Nhưng người ta phải làm, làm "chui", kể cả bị xử phạt, thậm chí là tháo dỡ nhưng vẫn phải làm. Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng… không có quy hoạch quảng cáo nhưng cứ bắt doanh nghiệp dừng quảng cáo.
Chưa hết, muốn quảng cáo, ngành xây dựng nói phải có giấy phép của ngành văn hóa, ngành văn hóa thì bảo phải có giấy phép ngành xây dựng. Tắc nghẽn! Quả trứng có trước hay con gà có trước? Nhiều địa phương còn yêu cầu quảng cáo phải có xác nhận phòng cháy chữa cháy, có cầu thang thoát hiểm nữa. Như thế thì doanh nghiệp phải làm thế nào?”, ông Hùng bức xúc.
Chính vì thế, ông Hùng đề nghị phải đơn giản hóa các thủ tục không cần thiết đồng thời chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương những quy định mới.
Trước ý kiến đóng góp của các đại biểu, bà Tống Thị Hạnh - Vụ trưởng Vụ pháp chế, Bộ Xây dựng, đánh giá cao các ý kiến đóng góp và cho biết cơ quan này sẽ tiếp thu để chỉnh sửa luật theo hướng có lợi nhất và đơn giản hóa thủ tục hành chính.