Lãi suất đang tụt dốc
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), lãi suất cho vay VND bình quân liên ngân hàng liên tục giảm. Cụ thể, trong phiên giao dịch ngày 27/3, lãi suất chào bình quân liên ngân hàng tiếp tục giảm 0,04 - 0,34% ở tất cả các kỳ hạn từ 1 tháng trở xuống so với phiên cuối tuần trước. Theo đó, lãi suất cho vay qua đêm chỉ còn 1,16%/năm, kỳ hạn 1 tuần chỉ còn 1,84%/năm và 2 tuần là 2,56%/năm.
Tính đến sáng ngày 28/3, trên thị trường chỉ còn vài ngân hàng duy trì lãi suất huy động 9 - 9,1%/năm. Đa số các ngân hàng đã đưa lãi suất huy động kỳ hạn cao nhất về dưới 9%.
Đơn cử như Vietbank giảm 0,4 điểm phần trăm tiền gửi kỳ hạn từ 6 tháng so với biểu lãi suất khác. Hiện, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 6 tháng còn 8,6%/năm, kỳ hạn 9 tháng còn 8,7%/năm, kỳ hạn 12 tháng còn 8,8%/năm và trên 12 tháng là 8,9%/năm.
PVcomBank tăng giảm 0,3 điểm phần trăm lãi suất kỳ hạn trên 12 tháng về 8,3%/năm.
Tính đến ngày 27/03/2023, mức lãi suất tiền gửi tiết kiệm 1 - 3 tháng được các ngân hàng duy trì trong khoảng 4,9 - 6%/năm, kỳ hạn 6 - 9 tháng nằm trong khoảng 5,8 - 9%/năm, kỳ hạn 12 tháng trong khoảng 7,1 - 9%/năm.
Sacombank cũng giảm từ 0,1 - 0,4 điểm phần trăm lãi suất tiền gửi và áp dụng cho tất cả kỳ hạn từ ngày 23/3. Cụ thể, ngân hàng này giảm 0,1 điểm phần trăm lãi suất kỳ hạn từ 1 - 6 tháng, kỳ hạn trên 6 - 12 tháng giảm 0,2 điểm phần trăm và trên 12 tháng giảm 0,4 điểm phần trăm. Đợt điều chỉnh này đưa lãi suất tiền gửi 3 tháng của Sacombank xuống còn 5,6%/năm, kỳ hạn 6 tháng còn 7,4%/năm và 12 tháng còn 7,7%/năm.
Đánh giá về xu hướng giảm lãi suất tiền gửi của các ngân hàng, ngoài câu chuyện dư thừa thanh khoản, thì có lẽ sau khi nhận được hạn mức tăng trưởng tín dụng lần 1 năm 2023 của NHNN, với hầu hết chỉ tiêu được giao chỉ ở mức trung bình, cao nhất cũng chỉ ở 13,5%, thấp hơn mục tiêu chung toàn ngành cho năm nay dự báo ở 14 - 15%, các ngân hàng thấy rằng nhu cầu huy động vốn để phục vụ tăng trưởng tín dụng trước mắt là không lớn, vì vậy tiếp tục giảm lãi suất huy động là chính sách cần thiết để tối ưu hóa nguồn vốn trong tình hình hiện nay.
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, việc chỉ giảm 3 trong số 5 loại lãi suất điều hành, trong khi vẫn giữ nguyên trần lãi suất tiền gửi có kỳ hạn dưới 6 tháng ở mức 6% và lãi suất tái cấp vốn 7% - hai loại lãi suất có mức độ lan tỏa cao hơn và tác động rộng hơn đến chi phí vốn đầu vào của các ngân hàng, cho thấy nhà điều hành vẫn giữ mức độ thận trọng và dường như đang “ném đá dò đường”.
Khi lãi suất hạ, ngành nào hưởng lợi?
Hiện có không ít kỳ vọng cho rằng NHNN sẽ giảm thêm lãi suất điều hành trong thời gian tới, từ đó các ngành nghề, doanh nghiệp và người dân sẽ có thêm cơ hội về dòng vốn.
Tại Hội thảo “La bàn giữa vùng biến động” mới đây, ông Nguyễn Xuân Thành, Giảng viên cao cấp Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, Đại học Fulbright Việt Nam cho hay ,vào ngày 22/3 vừa qua, Fed đã điều chỉnh lãi suất tăng lên 0,25 điểm phần trăm sau việc đổ vỡ của một số ngân hàng tại Mỹ và Châu Âu, NHNN Việt Nam chưa thể mạnh tay nới lỏng chính sách tiền tệ. Tuy nhiên, việc nới lỏng chính sách tiền tệ vẫn sẽ là “cánh cửa hẹp” có thể được mở ra vào tháng 6 năm nay khi mà áp lực chênh lệch lãi suất giữa Việt Nam và thế giới thu hẹp.
Dự báo của chuyên gia này, từ giờ đến cuối năm 2023 lãi suất sẽ tiếp tục giảm nhưng không quay về mặt bằng lãi suất như trong thời gian Covid-19. Lãi suất tiền gửi thời kỳ Covid-19 khoảng 7,5%, tăng vọt lên 10,5% thậm chí 11%; hiện giờ hạ được khoảng 1% xuống còn 9,5%.
“Mặt bằng lãi suất tiền gửi năm nay có thể hạ xuống tối đa thêm 1%, nhưng chắc chắn khó có thể trở lại mức 7,5% kể cả trong những năm tới. Thời kỳ tiền rẻ đã qua và chúng ta buộc phải sống trong mặt bằng lãi suất cao hơn. Đừng mong đợi lãi suất sẽ quay lại mức thấp như thời kỳ 2020 - 2021”, ông Thành nhấn mạnh.
Ở góc nhìn khác, ông Matthew Smith, Giám đốc Phân tích công ty chứng khoán Yuanta cho rằng, khi lãi suất giảm, các ngành như ngân hàng, bất động sản, năng lượng, hàng hóa tiêu dùng và các doanh nghiệp sử dụng nhiều nợ vay sẽ được hưởng lợi.
Với ngành ngân hàng, khi lãi suất giảm, chi phí huy động của các nhà băng sẽ được giảm xuống. Lãi suất đầu ra cho vay vì thế cũng hạ nhiệt, từ đó khả năng hoàn trả nợ vay của các khách hàng được cải thiện. Đây là một tín hiệu tích cực cho ngành.
Trong bối cảnh lãi suất giảm, nhóm bất động sản cũng được hưởng lợi. Tuy nhiên, các doanh nghiệp địa ốc chưa thể phục hồi ngay trong ngắn hạn, sẽ phải mất một khoảng thời gian để nhóm này tái cơ cấu, củng cố tình hình tài chính.
“Cơ hội đối với ngành bất động sản có thể xuất hiện vào cuối năm nay hoặc đầu năm 2024. Tuy nhiên, ở thời điểm này tôi chưa đủ tự tin để đưa ra khuyến nghị đầu tư vào cổ phiếu của các doanh nghiệp bất động sản lớn”, ông Matthew Smith nhận định.
Ông nói thêm, khi lãi suất giảm, chứng khoán sẽ tăng giá. Trong điều kiện thị trường chứng khoán tích cực, nhóm cổ phiếu của các định chế tài chính này cũng sẽ có nhiều tiềm năng. Dự báo từ tháng 6/2023 trở đi, thị trường cổ phiếu sẽ tích cực hơn và nhóm chứng khoán có thể sẽ có những cơ hội được thể hiện. Tuy nhiên, danh mục các cổ phiếu và trái phiếu có rủi ro cao mà các doanh nghiệp này đang nắm giữ cũng là một điều cần đặc biệt quan tâm khi quyết định đầu tư.
Ngoài ra, các doanh nghiệp phải sử dụng nhiều nợ vay như nhóm năng lượng sẽ được hưởng lợi khi lãi suất tăng. Các công ty sản xuất hàng hóa tiêu dùng cũng sẽ nhận được những tác động tích cực.
Chuyên gia đánh giá năm 2023 sẽ là thời điểm rất tốt để đầu tư. Tuy nhiên, các nhà đầu tư, đặc biệt là nhóm mới gia nhập thị trường, nên đa dạng hóa danh mục, sử dụng đòn bẩy tài chính có kiểm soát. Ngoài ra, kinh nghiệm từ các nhà đầu tư thành công cũng cho thấy, việc đầu tư nên được diễn ra dàn trải theo kỳ tháng, theo quý và đều đặn, không nên dồn tất cả vốn vào một thời điểm./.