Aa

Lãi suất giảm mạnh, sức vay vẫn yếu

Thứ Ba, 26/05/2020 - 06:00

Chính sách tiền tệ đã được nới lỏng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi nhanh hơn.

Từ ngày 13/5/2020, Ngân hàng Nhà nước hạ trần lãi suất tiền gửi kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng từ 5,25%/năm xuống còn 4,75%/năm. Đây là lần thứ 2 trong năm 2020 và lần thứ 3 trong vòng 1 năm qua Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất điều hành. 

Trước động thái này, các ngân hàng thương mại cũng đồng loạt điều chỉnh giảm lãi suất huy động các kỳ hạn dưới 6 tháng với mức giảm lớn nhất là 0,5% so với biểu lãi suất niêm yết trước đó. Thậm chí, một số ngân hàng còn hạ lãi suất thấp hơn mức trần.

Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh có nhiều chính sách giải cứu doanh nghiệp, thúc đẩy kinh tế trước ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh. Khi giảm lãi suất điều hành sẽ gián tiếp tác động hạ được lãi suất cho vay trên thị trường 1. Ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc toàn quốc Khối kinh doanh tiền tệ và thị trường vốn HSBC Việt Nam, nhận định, quyết định hạ lãi suất điều hành lần này sẽ tạo môi trường chính sách tiền tệ nới lỏng hơn giúp các tổ chức tín dụng có cơ sở để hỗ trợ những doanh nghiệp và cá nhân chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh tiếp cận nguồn vốn rẻ.

Đà lạm phát có xu hướng hạ nhiệt gần đây do giá dầu thế giới sụt giảm mạnh, cộng với việc ngân hàng trung ương nhiều nước duy trì mức lãi suất điều hành thấp, đã tạo nhiều điều kiện để Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất lần thứ 2 trong năm. Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, cho rằng việc hạ lãi suất điều hành lần này có tác động tích cực hơn đối với hệ thống ngân hàng so với đợt giảm lãi suất điều hành vào tháng 3.

Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tại TP.HCM. Ảnh: Quý Hòa

Hiện nay, thanh khoản hệ thống ngân hàng vẫn ở mức dồi dào, thể hiện qua lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm duy trì ở mức thấp (trung bình khoảng 2%) kể từ đầu năm nay và lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm chỉ ở khoảng 3%, thấp hơn rất nhiều so với lợi suất của các nước cận biên. Do đó, thanh khoản hệ thống ngân hàng càng dồi dào hơn sau động thái giảm lãi suất điều hành.

Với lãi suất huy động kỳ hạn dài, các ngân hàng đang cho vay trung và dài hạn từ 8,5%/năm trở lên. Tuy nhiên, chỉ những ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước mới có lãi suất cho vay thấp. Hơn nữa, nếu nhu cầu đầu tư sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp còn yếu thì dù lãi suất có thấp, doanh nghiệp cũng không vay và các ngân hàng cũng sẽ rất cẩn trọng trong việc giải ngân vì lo ngại nợ xấu. Vì thế, ông Minh nhận định, tăng trưởng tín dụng cả năm 2020 khó đạt mục tiêu 14% mà Ngân hàng Nhà nước đặt ra. “Ước tính tăng trưởng tín dụng năm nay vào khoảng 9 - 10% nếu thực hiện tốt hoạt động đầu tư công”, ông Minh dự báo.

Trong khi đó, Công ty Chứng khoán KBSV nhận định xu hướng hạ mặt bằng lãi suất cho vay nhiều khả năng sẽ rõ hơn trong thời gian tới, khi nhu cầu tín dụng của doanh nghiệp còn ở mức yếu, kết hợp với các nỗ lực của Ngân hàng Nhà nước nhằm hạ lãi suất cho vay. 

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước, cho biết dư nợ tín dụng những ngày đầu tháng 5 có xu hướng giảm, còn khoảng 1,2%, trong khi hết tháng 4 tăng lên 1,42%; trong khi dư nợ nhiều ngành như thương mại - dịch vụ - du lịch, tiêu dùng... đều giảm mạnh. Doanh số cho vay hiện nay lớn nhưng doanh nghiệp có xu hướng trả nợ nhiều hơn vay.

“Hấp thụ vốn của nền kinh tế hiện ở mức thấp. Mặc dù dịch bệnh trong nước đã được kiểm soát tốt nhưng các nước trên thế giới đang phải chống dịch, việc xuất khẩu hàng hóa, nhập khẩu nguồn nguyên liệu sản xuất của doanh nghiệp trong nước cũng còn nhiều khó khăn”, ông Hùng nhận định.

Vì vậy, bài toán của các ngân hàng là giảm sâu lãi suất hơn nữa và đẩy nhanh tái cơ cấu các khoản nợ, để doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, qua đó giúp tăng trưởng tín dụng đạt mục tiêu đặt ra. Theo tính toán, để giữ được tốc độ tăng trưởng GDP 5% trong năm nay thì tăng trưởng tín dụng phải ở mức 10% trở lên.

Theo ông Nguyễn Anh Đức, Giám đốc Khối Phát triển khách hàng tổ chức Công ty Chứng khoán SSI, quyết định của Ngân hàng Nhà nước là cần thiết để hỗ trợ các ngân hàng thương mại giảm chi phí vốn, giúp họ duy trì việc hạ lãi suất cho vay để hỗ trợ nền kinh tế. Tuy nhiên, mức giảm này vẫn còn nhỏ và hy vọng sẽ tiếp tục hạ thêm.

Lãi suất huy động trung hạn trong thời gian tới được dự báo sẽ tiếp tục giảm, qua đó các ngân hàng sẽ giảm lãi suất cho vay trong bối cảnh tăng cường cắt giảm chi phí huy động để có thể bù đắp cho sự sụt giảm tỉ lệ thu nhập lãi thuần (NIM) do tác động của các gói tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp, bên cạnh việc thực hiện cắt giảm chi phí hoạt động khác. 

Các chuyên gia kinh tế cho rằng từ nay đến cuối năm, lạm phát khó vượt qua mức 3%. Với mức lạm phát thấp, không nên duy trì lãi suất huy động quá cao. Do đó, cần giảm lãi suất huy động xuống thấp hơn với kỳ hạn dài. Đây là thời điểm tốt để đưa mặt bằng lãi suất cho vay giảm xuống vì chỉ có giảm sâu lãi suất cho vay mới giúp kinh tế phục hồi.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top