Giá trị của vàng đang được đẩy lên cao hơn khi ngân hàng trung ương các nước liên tục cắt giảm lãi suất kết hợp các chương trình nới lỏng định lượng trên toàn thế giới.
Giá vàng từ đầu tuần đã tăng trở lại, với giá của kim loại quý giao ngay trên sàn LBMA (London) tăng 0,7% lên 1.743,25 đô la/ounce và vàng kỳ hạn tháng 6/2020 trên sàn New York tăng 0,6% lên 1.745,6 đô la/ounce trong sáng 20/5.
Trong khi đó, giá vàng SJC tại Việt Nam trong sáng nay mua vào ở mức 48,60 triệu đồng/lượng, bán ra là 49,05 triệu đồng/lượng, tăng 20.000 đồng/lượng ở cả 2 chiều mua vào và bán ra so với đóng cửa phiên giao dịch ngày 19/5.
Theo đánh giá của Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), giá vàng đang được hỗ trợ từ hoạt động cắt giảm lãi suất của các ngân hàng trung ương toàn cầu nhằm hạn chế tác động kinh tế của đại dịch. Một đợt cắt giảm lãi suất kết hợp với hàng ngàn tỷ đô la trong cả các biện pháp nới lỏng định lượng và hỗ trợ tài chính, đã giúp nâng giá trị của vàng trong thời gian gần đây sau đợt giảm giá ban đầu vào tháng 3.
Trong quý 1 đầu năm, WGC ghi nhận tổng nhu cầu vàng đã tăng nhẹ 1% so với cùng kỳ năm 2019, nhích lên 1.083,8 tấn.
Theo báo cáo của WGC, đại dịch Covid-19 toàn cầu được cho là chất xúc tác thúc đẩy nhu cầu đầu tư vào tài sản trú ẩn an toàn là vàng. Khi quy mô của đại dịch - và các tác động tiềm tàng lên nền kinh tế - bắt đầu xuất hiện, các nhà đầu tư đã tìm kiếm các tài sản trú ẩn an toàn.
Tổng đầu tư vào vàng trong quý 1 như vậy đã tăng 80% so với cùng kỳ lên mức cao nhất 4 năm là 539,6 tấn.
Trong đó tổng đầu tư vào vàng thỏi và tiền xu bằng kim loại quý này giảm xuống còn 241,6 tấn (giảm 6% so với cùng kỳ). Cụ thể, nhu cầu vàng thỏi giảm 19% (xuống 150,4 tấn) trong khi nhu cầu đối với tiền xu bằng vàng tăng 36% lên 76,9 tấn, do nhu cầu của các nhà đầu tư cá nhân tại các nước phương Tây chọn vàng là nơi trú ẩn an toàn.
Ngược lại, các quỹ ETF vàng (quỹ hoán đổi danh mục hàng hóa sử dụng để phòng ngừa rủi ro khi đầu tư vào vàng hoặc kiếm lời dựa trên biến động của giá vàng) đã thu hút được dòng vốn khổng lồ đổ vào vàng với khối lượng lên tới 298 tấn, đẩy tỷ lệ nắm giữ vàng toàn cầu qua các quỹ ETF lên mức cao kỷ lục mới là 3.185 tấn tại thời điểm cuối quý 1.
Trong khi đó, các ngân hàng trung ương các nước cũng tiếp tục mua vàng với số lượng đáng kể, mặc dù ở mức thấp hơn so với quý 1 năm 2019: mua ròng lên tới 145 tấn (giảm 8% so với cùng kỳ năm 2019). Covid-19 cũng đã gây ra sự gián đoạn đối với nguồn cung vàng khi sản lượng khai thác giảm xuống mức thấp nhất trong 5 năm là 795,8 tấn, giảm 3% so với quý 1 năm 2019.
Biến động bất thường trên thị trường tài chính toàn cầu có tác động hai chiều lên vàng. Một mặt, vàng được hưởng lợi từ xu hướng các nhà đầu tư lựa chọn như một nơi trú ẩn an toàn trong bối cảnh diễn biến của dịch bệnh với các diễn biến không lường trước được, cùng các tác động kinh tế ngắn hạn đi kèm một môi trường lãi suất thấp hoặc âm.
Mặt khác, kim loại quý này đã được bán trong bối cảnh thanh lý tài sản trên diện rộng. Vàng đã bị các nhà đầu tư bán ra để duy trì thanh khoản khi phải đáp ứng các hoạt động ký quỹ đối với các tài sản rủi ro khi họ bán ra các loại tài sản này.
Trong tháng 3, vàng mất giá khoảng 7%, chấm dứt chuỗi ngày tăng giá từ đầu năm trước khi phục hồi tại thời điểm cuối tháng.
Trong khi giá vàng bằng đồng đô la Mỹ vẫn ở dưới mức đỉnh năm 2011, giá vàng bằng động nội tệ của nhiều quốc gia khác tiếp tục lập đỉnh mới trong quý 1. Theo WGC, điều này báo hiệu sự tiếp tục của xu hướng tăng trưởng của các quỹ ETF vàng bên ngoài nước Mỹ trong những năm gần đây. Trong đó, các quỹ ETF tại Châu Âu chứng kiến dòng vốn lớn nhất trong quý 1 còn tại Châu Á và các khu vực ghi nhận mức tăng trưởng phần trăm lớn nhất vốn đầu tư vào các quỹ ETF.
Vài tuần đầu tiên của tháng 4 đã chứng kiến dòng vốn đầu tư mạnh mẽ tiếp tục đổ vào các quỹ ETF vàng, lập mức cao kỷ lục mới.