Cụ thể, lãi suất VND bình quân liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm chỉ còn 4,29%/năm, giảm 0,32 điểm % so với ngày 9/9 và giảm hơn 2% so với mức đỉnh trong tuần trước.
Bên cạnh đó, lãi suất kỳ hạn 1 tuần còn 4,47%/năm; lãi suất kỳ hạn 2 tuần xuống mức 4,48%/năm; lãi suất kỳ hạn 1 tháng là 4,87%/năm; lãi suất kỳ hạn 3 tháng còn 6,15%/năm; lãi suất kỳ hạn 6 tháng là 7,60%/năm; và 9 tháng là 8,20%/năm.
Tại tuần trước, lãi suất liên ngân hàng liên tục tăng mạnh. Vào ngày 7/9, lãi suất tiền đồng trên thị trường liên ngân hàng tăng mạnh, lãi suất bình quân liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm tăng tới 1,17 % so với phiên liền trước, lên mức 6,88%/năm.
Theo các chuyên gia kinh tế, nguyên nhân khiến lãi suất liên ngân hàng giảm là do Ngân hàng Nhà nước đã có các hoạt động điều tiết mở rộng và trọng yếu. Ngân hàng Nhà nước tiếp tục không phát hành tín phiếu hút tiền về như trước mà thay vào đó là việc bơm ròng lượng tiền lớn qua thị trường mở (OMO) để tiếp sức thanh khoản ngắn hạn cho hệ thống. Ngoài ra, lượng tiền bị hút bớt về trước đó qua tín phiếu để tạo thêm nguồn cung cho hệ thống.
Trong tuần trước đó, chỉ trong 3 ngày giao dịch từ 29-31/8, nhà điều hành tiền tệ đã bơm ra khoảng gần 20 nghìn tỷ đồng thông qua kênh OMO. Ngay phiên đầu tiên thị trường mở cửa trở lại sau dịp nghỉ lễ 2/9, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục bơm gần 15.000 tỷ đồng qua OMO trong ngày 5/9.
Cùng với đó, ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước cấp hạn mức tín dụng cho các ngân hàng thương mại, lãi suất vay lẫn nhau giữa các ngân hàng thương mại đã giảm dần cho thấy thanh khoản trên thị trường đã phần nào bớt căng thẳng.
Các chuyên gia kinh tế cũng dự báo, lãi suất liên ngân hàng sẽ không còn tăng quá mạnh trong thời gian tới. Theo nhận định của Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS), mặt bằng lãi suất liên ngân hàng trung bình năm nay có thể cao hơn 1,2-1,5 điểm % so với trung bình năm 2021./.