Aa

Lãi suất sẽ ổn định, thậm chí giảm nhẹ

Thứ Năm, 20/02/2020 - 05:16

Việc giảm lãi suất (nếu có) sẽ mang tính cục bộ tại một số lĩnh vực và đối tượng bị ảnh hưởng nặng nhất bởi dịch bệnh chứ khó có khả năng áp dụng đại trà cho toàn bộ nền kinh tế.

Lãi suất huy động “rục rịch” giảm

Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, một số ngân hàng đang “rục rịch” giảm lãi suất. Chẳng hạn, so với tháng 1, Techcombank giảm lãi suất từ 0,05 - 0,2 điểm phần trăm ở hầu hết các kỳ hạn. Cụ thể, lãi suất kỳ hạn từ 1 - 5 tháng tại ngân hàng này đang dao động trong khoảng 4,25 - 4,75%/năm, kỳ hạn sáu tháng từ 6,2 - 6,7%/năm, kỳ hạn một năm từ 6,3 - 6,8%/năm. 

Tương tự, ACB cũng điều chỉnh lãi suất tiết kiệm ở các kỳ hạn dưới 6 tháng, 9 tháng và 12 tháng, hiện niêm yết lần lượt ở mức 6,3 - 6,6%, 6,4 - 6,7% và 6,8 - 7,1%/năm, giảm 0,2 điểm phần trăm so với biểu lãi suất mà ngân hàng này niêm yết trong tháng 1. Eximbank cũng cùng chung xu hướng khi niêm yết biểu lãi suất mới kể từ ngày 30/1, trong đó thực hiện điều chỉnh giảm 0,4 điểm phần trăm lãi suất huy động kỳ hạn 36 tháng (hiện ở mức 8%/năm); ở các kỳ hạn 12 và 18 tháng lần lượt điều chỉnh giảm 0,2 và 0,1 điểm phần trăm so với biểu lãi suất được áp dụng trước đó. VPBank cũng điều chỉnh giảm tới 0,1 - 0,3 điểm phần trăm lãi suất ở các kỳ hạn từ sáu tháng trở lên.

Về mặt bằng lãi suất tổng thể trên thị trường hiện nay, đối với kỳ hạn 1 - 5 tháng, do chịu quy định về trần lãi suất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nên lãi suất kỳ hạn dưới sáu tháng gần như không có sự chênh lệch quá lớn giữa các ngân hàng. Lãi suất kỳ hạn 1 - 5 tháng chủ yếu dao động trong khoảng từ 4,3 - 5%/năm. 

Những ngân hàng niêm yết lãi suất chạm trần ở mức 5%/năm bao gồm NCB, SCB, VIB, ABBank... Nhóm các ngân hàng gốc quốc doanh niêm yết lãi suất thấp nhất ở kỳ hạn này, lần lượt ở mức 4,3%/năm và 4,8%/năm cho các khoản tiền gửi kỳ hạn 1 - 2 tháng và 3 - 5 tháng.

Ảnh minh họa.

Đối với kỳ hạn sáu tháng, do không vướng trần lãi suất nên có sự chênh lệch đáng kể giữa các ngân hàng, mức chênh lệch cao nhất lên tới hơn 2 điểm phần trăm/năm. Nhóm “bốn ông lớn” vẫn tiếp tục là những ngân hàng có lãi suất “kém hấp dẫn” nhất, chỉ với 5,3%/năm cho các khoản tiền gửi kỳ hạn 6 tháng. Trong khi đó, lãi suất của nhóm các ngân hàng tư nhân dao động trong khoảng 6,2 - 7,9%/năm.

Đối với kỳ hạn từ 1 năm trở lên, lãi suất dao động trong khoảng từ 6,8 - 7,95%/năm. Nhóm ngân hàng áp dụng lãi suất cao có thể kể đến như ABBank, Baovietbank, VietCapitalBank lần lượt chi trả lãi suất ở mức 7,9 - 7,95%/năm và 8,1% cho các khoản tiền gửi 13 tháng; Bac A Bank áp dụng lãi suất 8%/năm cho toàn bộ các kỳ hạn dài này.

Hỗ trợ doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh

Việc thanh khoản hệ thống ngân hàng ở trạng thái dồi dào sau Tết Nguyên đán đang tạo điều kiện thuận lợi để các ngân hàng giảm lãi suất huy động. Dù chưa nhiều nhưng động thái tiên phong giảm lãi suất tại một số ngân hàng sẽ giúp giảm chi phí đầu vào, qua đó giúp giảm lãi suất cho vay đối với các doanh nghiệp. Mục tiêu này càng trở nên có ý nghĩa trong bối cảnh hiện nay, khi dịch bệnh nCoV đã và đang khiến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp gặp khó khăn, nhất là lĩnh vực nông nghiệp và dịch vụ.

Ngay cả nhà điều hành cũng đã sớm vào cuộc, thể hiện qua việc Thống đốc NHNN ban hành văn bản số 541/NHNN-TD ngày 4/2/2020 chỉ đạo toàn hệ thống có biện pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng của dịch. Ngay sau đó, vào sáng ngày 6/2/2020, NHNN cũng đã họp với các ngân hàng thương mại để triển khai các giải pháp cụ thể như phối hợp tính toán thiệt hại để có phương án tín dụng phù hợp, đặc biệt là những ngành nghề bị ảnh hưởng trực tiếp. 

Đồng thời, Phó thống đốc thường trực NHNN đã có yêu cầu Vụ Chính sách tiền tệ, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế nghiên cứu, chỉ đạo các ngân hàng thương mại tái cơ cấu nợ, chuyển nợ, giãn nợ... nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị thiệt hại do dịch nCoV gây ra để trong thời gian sớm nhất (không quá hai tuần) hoàn thành dự thảo cơ chế hỗ trợ cho các đối tượng vay vốn ngân hàng bị tác động bởi dịch bệnh này.

Thậm chí, NHNN cho biết sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng thương mại trong trường hợp bị ảnh hưởng do dịch bệnh. Vì thế các ngân hàng thương mại không được tăng lãi suất, kể cả lãi suất huy động. Trong trường hợp cần thiết, NHNN sẽ có điều chỉnh để gián tiếp hỗ trợ các ngân hàng thương mại giảm lãi suất, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân. Từ đó, chúng ta có cơ sở để kỳ vọng rằng mặt bằng lãi suất trong quý I/2020 sẽ ổn định, thậm chí có thể giảm nhẹ, ít nhất tại các ngân hàng gốc quốc doanh nhằm hỗ trợ cho một số lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng bởi dịch bệnh.

Mặc dù vậy, một yếu tố có thể cản trở xu hướng giảm lãi suất là diễn biến lạm phát. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) vào cuối tháng 1/2020 đã tăng vọt lên 6,43% so với cùng kỳ, buộc NHNN phải hết sức thận trọng với lượng tiền đã cung ứng ra thị trường thông qua hoạt động mua ngoại tệ trong năm 2019 (ước tính khoảng 20 tỷ đô la Mỹ, tương đương 450.000 tỷ đồng). Lượng tiền này đang được NHNN hút ròng về thông qua hoạt động phát hành tín phiếu. 

Trong 10 phiên trước và sau Tết Nguyên đán, lượng vốn NHNN hút ròng về đã lên đến 60.000 tỷ đồng. Sự thận trọng trong điều hành cung tiền khi lạm phát có dấu hiệu tăng cao trở lại là rất cần thiết. Do vậy, việc giảm lãi suất (nếu có) sẽ mang tính cục bộ tại một số lĩnh vực và đối tượng bị ảnh hưởng nặng nhất bởi dịch bệnh chứ khó có khả năng áp dụng “đại trà” cho toàn bộ nền kinh tế.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top