PV: Nhìn lại chính sách lãi suất của cơ quan quản lý trong 6 tháng đầu năm 2020, ông dự báo về những tháng cuối năm sẽ được điều hành như thế nào?
Ông Ngô Đăng Khoa: Sau cú sốc sụt giảm kinh tế trong nửa đầu năm do ảnh hưởng từ dịch bệnh, các nền kinh tế thế giới đang dần khởi động lại với tốc độ khác nhau và Việt Nam cũng không là ngoại lệ.
Tuy nhiên, nhờ khả năng kiểm soát dịch bệnh vượt trội, Việt Nam đang cho thấy đà phục hồi mạnh hơn cùng triển vọng dẫn đầu về khôi phục kinh tế trong khu vực và cả châu Á.
Thực tế, mặc dù chỉ số GDP quý II/2020 chỉ đạt mức tăng 0,4% - thấp nhất trong lịch sử, đến từ sự sụt giảm về tăng trưởng của hàng loạt trụ cột như bán lẻ, du lịch, công nghiệp và xuất khẩu, nhưng dấu hiệu hồi phục của kinh tế Việt Nam đang ngày một rõ nét bởi sự phục hồi số liệu bán lẻ.
Bên cạnh đó, ngành du lịch cũng được kỳ vọng sẽ hồi phục mạnh mẽ khi Việt Nam mở cửa trở lại các biên giới.
Trong bối cảnh kinh tế tăng trưởng thấp do ảnh hưởng của dịch bệnh trong những tháng đầu năm, chính sách tiền tệ đã đóng vai trò chính trong việc hỗ trợ hồi phục kinh tế trong nước.
Sau lần giảm một loạt lãi suất điều hành và trần lãi suất huy động VND vào tháng 3, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục hạ nhiều loại lãi suất điều hành từ ngày 13/5/2020.
Như vậy, NHNN đã hạ lãi suất điều hành 2 lần chỉ trong 3 tháng. Diễn biến này là phù hợp khi nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới thực thi các biện pháp nới lỏng định lượng, cắt giảm mạnh lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế vượt qua suy thoái.
Đối với thị trường trong nước, việc duy trì lãi suất ở mức thấp giúp giảm mặt bằng lãi suất cho vay và hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn.
Hiện nay, với bối cảnh thị trường tiền tệ và ngoại hối ổn định, lạm phát có khả năng được kiểm soát theo mục tiêu, mặt bằng lãi suất được kỳ vọng tiếp tục duy trì ổn định, chính sách tiền tệ được điều hành linh hoạt để tiếp tục hỗ trợ đà hồi phục của kinh tế trong nước.
PV: Như trên, ông đã nhận định mặt bằng lãi suất được kỳ vọng tiếp tục duy trì ổn định trong những tháng cuối năm, câu chuyện ở đây là tín dụng được kỳ vọng sẽ khởi sắc trong giai đoạn sắp tới. Vậy thanh khoản có giữ được sự dồi dào như 6 tháng đầu năm 2020?
Ông Ngô Đăng Khoa: Hiện tại, thanh khoản trên thị trường liên ngân hàng vẫn rất dồi dào, lãi suất gần như đi ngang ở vùng thấp kỷ lục trong 4 năm trở lại đây.
Thanh khoản được hỗ trợ mạnh mẽ từ 100.000 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn trước đó, NHNN hạ một loạt lãi suất điều hành đưa mặt bằng lãi suất giảm sâu, cùng với việc tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm ở mức rất thấp so với cùng kỳ năm ngoái do ảnh hưởng của Covid-19.
Nhìn về 6 tháng cuối năm, thanh khoản thị trường được dự báo sẽ tiếp tục ổn định để hỗ trợ đà hồi phục của nền kinh tế, cùng với kịch bản cơ sở về việc tăng trưởng tín dụng khó bật tăng nhanh trở lại trong thời gian ngắn, nhất là khi nợ xấu có xu hướng tăng so với cùng kỳ năm ngoái.
Bên cạnh đó, tỷ giá USD/VND có xu hướng giảm mạnh về gần mức giá mua vào của NHNN và lạm phát được kỳ vọng trong tầm kiểm soát cũng góp phần ổn định thanh khoản trong hệ thống nói chung.
PV: Về thị trường ngoại hối, xu hướng tỷ giá được dự đoán sẽ tiếp tục duy trì sự ổn định 2 quý cuối năm 2020, nhưng cũng không loại trừ kịch bản tiêu cực hơn. Quan điểm của ông về vấn đề này?
Ông Ngô Đăng Khoa: Tỷ giá trên thị trường liên ngân hàng sau khi đạt đỉnh ở mức tiệm cận 23.650 đồng/USD vào giai đoạn tháng 3 - thời điểm Việt Nam áp dụng giãn cách xã hội, hiện đã giảm khá mạnh về mốc 23.180 đồng/USD, sát với mức giá mua vào của NHNN (23.175 đồng/USD).
Xu hướng giảm giá của tỷ giá xuất phát từ cả yếu tố bên ngoài lẫn nội tại. Trên thế giới, nhân dân tệ ổn định và sự suy yếu của USD đã hỗ trợ cho tiền đồng. Còn trong nước, một số yếu tố chính tác động đến xu hướng tỷ giá thời gian qua có thể kể tới như:
Thứ nhất, đà tăng lạm phát xuất phát từ cuối năm 2019 có xu hướng chậm lại trong những tháng gần đây, đưa mục tiêu lạm phát dưới 4% trong năm nay của Chính phủ nhiều khả năng trong tầm kiểm soát, từ đó giảm bớt áp lực mất giá của VND.
Thứ hai, kỳ vọng về nguồn vốn ngoại vẫn tích cực với vị thế của Việt Nam, với khả năng kiểm soát dịch bệnh tốt và tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt trong bối cảnh các quốc gia giảm dần sự phụ thuộc vào Trung Quốc, nguồn vốn FDI được kỳ vọng sẽ hồi phục mạnh mẽ.
Thứ ba, chính sách điều hành tỷ giá linh hoạt, thể hiện qua việc NHNN hạ giá bán vào cuối tháng 3 cùng cam kết sẵn sàng hỗ trợ khi tỷ giá có dấu hiệu tăng nóng ngay lập tức phát huy tác dụng, góp phần đáp ứng kỳ vọng thị trường.
Tiền đồng sau giai đoạn biến động trong quý I khi có những thời điểm ghi nhận mất giá tới 1% đã dần lấy lại sự ổn định từ đầu quý II tới nay. Những yếu tố tác động nêu trên được kỳ vọng sẽ tiếp tục là nhân tố chính dẫn dắt xu hướng tỷ giá trong những tháng cuối năm. Từ đó, có thể dự đoán xu hướng tỷ giá sẽ tiếp tục duy trì sự ổn định.
Tuy nhiên, không loại trừ kịch bản tỷ giá vẫn có thể chịu tác động tiêu cực khi đứng trước một số yếu tố như nhu cầu toàn cầu suy yếu ảnh hưởng đến lĩnh vực xuất khẩu, đặc biệt với các mặt hàng như dệt may và xuất khẩu điện thoại của Việt Nam, bên cạnh đó là dòng vốn FDI vào ngành sản xuất ít hơn, hoặc nguồn thu từ kiều hối sụt giảm mạnh.
Song, nhìn chung, với dự trữ ngoại hối tăng cao kỷ lục - đạt xấp xỉ 81 tỷ USD, cơ quan điều hành có đủ công cụ và sự linh hoạt để ổn định thị trường tiền tệ.