Thậm chí chỉ trong vòng hai tuần qua Eximbank đã có 5 đợt giảm lãi suất. Tại thời điểm ngày 25/8, lãi suất huy động các kỳ hạn dưới 6 tháng của ngân hàng này giảm từ 4,75% xuống còn 4,25%; kỳ hạn 6 - 12 tháng giảm từ 5,8% xuống còn 5,6 - 5,7%. Lãi suất huy động cao nhất của Eximbank hiện ở mức 5,8%.
Ngày 24/8 là ngày đánh dấu mức giảm mạnh lãi suất huy động của nhiều NHTMCP. Đơn cử, BaoVietBank cũng giảm 0,25 - 0,5% tại kỳ hạn 6 tháng trở lên, đưa lãi suất cao nhất tại ngân hàng này chỉ còn 6,95%/năm, dành cho khoản tiền gửi 12 tháng theo hình thức online, lĩnh lãi cuối kỳ.
Tuần qua ABBank là ngân hàng giảm lãi suất huy động mạnh nhất, tới 1% các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên. Tuy nhiên, riêng với khách hàng gửi tiết kiệm online, ABBANK vẫn áp dụng chính sách cộng thêm lãi suất, thậm chí có kỳ hạn khách hàng được cộng đến 1,2% nếu gửi tiết kiệm trên AB Ditizen. MSB cũng mới công bố biểu lãi suất huy động mới với việc điều chỉnh giảm 0,7% ở các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên. Hiện mức lãi suất cao nhất mà ngân hàng này áp dụng cho các khoản tiền gửi thông thường là 5,8%, dành cho các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên theo hình thức gửi tiền online, nhận lãi cuối kỳ.
Trước đó, ngày 23/8 các NHTMCP Nhà nước là BIDV, VietinBank, Vietcombank và Agribank đồng loạt giảm lãi suất huy động với mức giảm lên tới 0,5%, đưa lãi suất huy động cao nhất ở các ngân hàng này về 5,8%/năm.
Một số NHTM áp dụng mức “lãi suất đặc biệt” cho khách hàng gửi kỳ hạn từ 6 tháng trở lên và có số dư lớn, như tại MSB, để được lĩnh lãi 6,3%/năm cho kỳ hạn 12, 15 và 24 tháng, khách hàng phải đáp ứng điều kiện là chưa gửi tiết kiệm tại MSB hoặc chưa mua chứng chỉ tiền gửi của ngân hàng; đồng thời phải có số tiền gửi tối đa là 5 tỷ đồng. Tại VPBank khách hàng có thể hưởng lãi suất cao nhất của ngân hàng này (dưới 6%/năm) khi có số dư tiền gửi bằng hoặc trên 50 tỷ đồng.
Cùng với việc giảm lãi suất huy động, các NHTM cũng đồng loạt triển khai nhiều chương trình cho vay ưu đãi, hay các gói tín dụng lớn dành cho những đối tượng khách hàng nhất định. Đặc biệt trung tuần tháng 8/2023 sau khi NHNN có văn bản yêu cầu các TCTD tiếp tục thực hiện các giải pháp giảm mặt bằng lãi suất thêm tối thiểu từ 1,5 - 2%/năm nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh thì mặt bằng lãi suất cho vay tiếp tục giảm nhanh.
BIDV triển khai gói tín dụng ưu đãi dành riêng cho khách hàng cá nhân vay phục vụ mục đích sản xuất kinh doanh với lãi suất vay chỉ từ 6,8%/năm đối với các khoản vay có kỳ hạn dưới 06 tháng; và từ 7,8%/năm đối với các khoản vay từ 06 tháng đến 12 tháng. Với khách hàng vay để phục vụ các nhu cầu chi tiêu, mua sắm lãi suất cho vay từ 8,5%/năm. Sacombank đang cho khách hàng doanh nghiệp vay với lãi suất từ 7,2%/năm. Nhìn chung, hiện lãi suất cho vay, kể cả các lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro cũng chỉ dao động từ 7,5 - 11,8%/năm.
Phát biểu tại hội thảo “Tăng cường khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn của khu vực doanh nghiệp: Khó khăn, thách thức và quyết tâm” hôm 23/8, Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú khẳng định, tuy đang phải đối mặt với nhiều khó khăn trong điều hành nhưng trong thời gian tới, mục tiêu tăng trưởng tín dụng vẫn sẽ phải đặt ra, thông qua một số biện pháp cụ thể. Các NHTM cần chủ động giảm mặt bằng lãi suất, giảm các loại phí, thể hiện nhiều hơn trách nhiệm với cộng đồng nhưng cũng phải đảm bảo an toàn, không để rơi vào tình trạng yếu kém về tài chính; đồng thời, tiếp tục cắt giảm thủ tục tiếp cận tín dụng, khuyến khích các doanh nghiệp vay vốn... tiếp tục triển khai chính sách cơ cấu, giãn, hoãn lại nợ theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN.
Tuy nhiên, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cũng lưu ý: Nếu các TCTD nới lỏng điều kiện tín dụng thì nợ xấu tăng lên, khiến “cục máu đông” nợ xấu vừa mới tạm thời được xử lý quay trở lại. Khi đó chúng ta sẽ rơi vào vòng luẩn quẩn là ách tắc vốn cho nền kinh tế.../.