Theo đó, Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LPBank) vừa giảm lãi suất huy động nhiều kỳ hạn thêm 0,1 - 0,2%/năm so với đầu tuần trước, đưa lãi suất cao nhất xuống còn 6,8%/năm. Đây là mức lãi suất áp dụng cho hình thức gửi tiền trực tuyến, kỳ hạn từ 18 tháng trở lên. Lãi suất huy động các kỳ hạn 6 và 12 tháng tại LPBank giảm còn lần lượt 6,3%/năm và 6,4%/năm.
Tương tự, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương (Saigonbank) cũng giảm 0,2%/năm lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 6 tháng xuống còn 6,4%/năm; giảm 0,3%/năm lãi suất kỳ hạn 12 tháng xuống còn 6,6%/năm. Đối với kỳ hạn 13 tháng, Saigonbank cũng giảm lãi suất 0,4%/năm xuống còn 7,1%/năm.
Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) giảm đồng loạt 0,5%/năm lãi suất huy động, đưa lãi suất các kỳ hạn về mức 6,35%/năm. Riêng các kỳ hạn 12 và 13 tháng, lãi suất huy động là 6,45%/năm, đây cũng là mức huy động cao nhất tại SCB.
Cũng giảm mạnh lãi suất 0,5%/năm, Ngân hàng TM TNHH MTV Dầu Khí Toàn Cầu (GPBank) đã điều chỉnh lãi suất huy động cao nhất xuống mức 6,45%/năm, áp dụng cho tiền gửi kỳ hạn từ 13 tháng trở lên. Lãi suất huy động các kỳ hạn 6 và 12 tháng tại ngân hàng này hiện là 6,15%/năm và 6,35%/năm.
Trong tuần trước, nhiều ngân hàng như Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), Ngân hàng TMCP Bắc Á (Bac A Bank), Ngân hàng TMCP Nam Á (NamABank), Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB)... đã công bố giảm lãi suất huy động từ 0,1 - 0,5%/năm tùy từng kỳ hạn.
Đối với nhóm 4 ngân hàng lớn "big 4" gồm Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank), Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), lãi suất cao nhất vẫn được niêm yết ở mức 6,3%/năm, áp dụng cho các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên.
Theo khảo sát của phóng viên TTXVN tính đến sáng 21/8, lãi suất huy động cao nhất hệ thống ngân hàng vẫn ở mức 8,3%/năm, áp dụng tại Ngân hàng TMCP Đông Á (DongABank) khi khách hàng gửi tiền từ 1 tỷ đồng trở lên, kỳ hạn 13 tháng. Đây cũng là ngân hàng duy nhất còn niêm yết lãi suất trên 8%/năm tại thời điểm này.
Lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng cao nhất hiện ghi nhận tại DongABank với 7,9%/năm; Ngân hàng TMCP Bảo Việt (Bao Viet Bank) 7,2%/năm; NamABank, NCB và Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam (PVCombank) cùng niêm yết mức 7,1%/năm; VietABank và Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HDBank) cùng mức 7%/năm...
Lãi suất huy động kỳ hạn 6 tháng cao nhất hiện có DongABank với 7,55%/năm, PVCombank và Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) cùng 7%/năm; NCB 6,9%/năm; HDBank 6,8%/năm...
Sau các đợt điều chỉnh liên tiếp vừa qua, nhóm "big 4" không còn là những ngân hàng có lãi suất huy động thấp nhất hệ thống thay vào đó là Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB), Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) hay Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB).
Đáng chú ý, lãi suất cao nhất tại Eximbank chỉ còn 5,9%/năm; ACB còn 6,2%/năm. Lãi suất kỳ hạn 12 tháng tại VIB, MB chỉ từ 6 - 6,1%/năm.
Như vậy, so với mức đỉnh từ 9 - 10%/năm hồi đầu năm, lãi suất huy động tại các ngân hàng đã giảm sâu sau 4 đợt điều chỉnh lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước. Bộ phận Nghiên cứu toàn cầu của Ngân hàng HSBC kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước sẽ có thêm một đợt cắt giảm lãi suất 0,5% trong quý III, trước khi duy trì mức lãi suất chính sách này cho cả năm 2024.
Dù lãi suất huy động liên tục giảm kể từ cuối quý I/2023, nhưng báo cáo tài chính các ngân hàng cho thấy tổng tiền gửi tại các ngân hàng tăng gần 739 nghìn tỷ đồng, lên hơn 10,69 triệu tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm. So với thời điểm cuối năm 2022, tổng tiền gửi tăng hơn 7,42%.
Cũng trong nửa đầu năm, chi phí trả lãi của các ngân hàng tăng mạnh gần 80% so với cùng kỳ năm trước, lên mức 311.816 tỷ đồng. Đây là điều đã được dự báo trước khi một lượng tiền gửi lãi suất cao hồi cuối năm 2022 đáo hạn. Bởi lãi suất huy động trong quý cuối của năm 2022 từng có thời điểm tăng mạnh, chủ yếu với tiền gửi kỳ hạn từ 6 - 12 tháng, hút lượng tiền lớn đổ vào hệ thống ngân hàng.
Giới chuyên gia dự báo xu hướng giảm lãi suất huy động tại các ngân hàng sẽ còn tiếp diễn trong thời gian tới nhằm tiết kiệm chi phí vốn đầu vào, tạo dư địa hạ lãi suất cho vay thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước.
Mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay đối với đối với các khoản vay đang còn dư nợ hiện hữu và các khoản cho vay mới, phấn đấu mức giảm lãi suất tối thiểu từ 1,5 - 2%/năm nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.
Đồng thời, yêu cầu các tổ chức tín dụng báo cáo cam kết giảm lãi suất cho vay trong năm 2023 đối với các khoản cho vay đang còn dư nợ hiện hữu và các khoản vay mới trước ngày 25/8 và báo cáo kết quả thực hiện cam kết trước ngày 8/1/2024./.