Với các dòng chảy trên, có câu hỏi đặt ra: liệu có hình thành sóng ngầm trong sự ổn định tương đối hiện nay của Việt Nam, gắn với việc điều hành chính sách tiền tệ?
Một là, sau khi mua ròng lượng lớn ngoại tệ trong năm 2017 và liên tiếp đầu 2018, lượng tiền đồng đưa ra quy mô rất lớn có dồn đẩy áp lực lên lạm phát?
Hai là, sau các đợt tăng trong 2017, dự kiến FED tiếp tục tăng thêm lãi suất trong năm nay, có ám ảnh đến tình huống vốn ngoại đảo chiều hay không, và liên quan là tỷ giá?
"Vĩ mô tốt"
Trao đổi với VnEconomy trước những câu hỏi này, ông Trương Văn Phước, Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng nói: "Đến giờ phút này, tôi chưa thấy có vấn đề gì đáng ngại về lãi suất và tỷ giá cả".
Trước khả năng FED tiếp tục có các lần tăng lãi suất trong năm nay, ông Phước nhìn nhận chính Mỹ cũng đang thận trọng.
Theo chuyên gia này, biên bản các cuộc họp, hoặc các thông tin FED đưa ra là việc công bố trước lộ trình định hướng chính sách để minh bạch với thị trường. Còn nhìn lại cơ bản, kể từ khi trở thành Tổng thống Mỹ, quan điểm của ông Donald Trump không muốn đồng USD mạnh lên, cũng như không muốn cán cân thương mại quốc gia thâm hụt.
Và tới đây, thị trường cũng đang chờ đợi và xem xét vị Chủ tịch mới của FED có động thái gì mới hay không.
Trong trường hợp FED tiếp tục tăng lãi suất, ông Trương Văn Phước dự tính cũng sẽ không tạo nên đột biến lớn.
"Việt Nam mình vĩ mô tốt, vốn ngoại vào tốt. Lãi suất VND chênh lệch lớn so với lãi suất USD. Lạm phát năm nay Việt Nam đặt mục tiêu tiếp tục kiểm soát dưới mức 4%, lãi suất VND có giảm nhưng sẽ vẫn có chênh lệch tương đối tốt. Vậy nên tôi thấy chưa có vấn đề gì lớn đối với tỷ giá hay tình huống vốn ngoại đảo chiều", ông Phước nói.
Chuyên gia này lưu ý thêm, như năm 2017, mặc dù FED liên tiếp tăng lãi suất nhưng thực tế chỉ số USD Index vẫn giảm mạnh, cũng như vẫn thể hiện xu hướng này đầu năm 2018.
Còn với tỷ giá USD/VND, Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia dự báo sẽ tiếp tục ổn định trong năm 2018, ổn định nhưng không phải cố định và cần có những bước đi uyển chuyển.
"Đã có kinh nghiệm"
Năm 2017 và đầu 2018, ước tính Ngân hàng Nhà nước đã mua ròng khoảng 16 - 17 tỷ USD để liên tiếp tạo kỷ lục mới cho dự trữ ngoại hối quốc gia. Tương ứng, lượng tiền đồng đưa ra mua ngoại tệ rất lớn, dù trong đó có một cấu phần ngoại tệ được mua bằng kỳ hạn.
Việc trung hòa lượng tiền đồng đó và áp lực đối với lạm phát là một vấn đề đáng chú ý.
Tuy nhiên, chuyên gia Trương Văn Phước cho rằng, Ngân hàng Nhà nước có các chính sách và công cụ để cân đối. Và ông lưu ý, lượng tiền đó và sự cân đối đó tương thích với chỉ tiêu tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán và tăng trưởng tín dụng hàng năm, như năm nay cùng vào khoảng 17%.
Trong khi đó, với lạm phát Việt Nam năm nay, ông Phước dự tính tác động từ giá xăng dầu, giá lượng thực sẽ không nhiều; trong khi đó áp lực tập trung hơn ở việc điều chỉnh giá các dịch vụ công.
"Nhưng với giá các dịch vụ công, thời gian qua và năm nay Chính phủ kiểm soát chặt chẽ và đã có kinh nghiệm trong điều chỉnh và điều hành", chuyên gia này nhìn nhận.
Như trên, cùng với việc tương thích với tăng tổng phương tiện thanh toán và tín dụng, thời gian qua, song song với việc mua vào ngoại tệ, Ngân hàng Nhà nước liên tục sử dụng công cụ tín phiếu cùng quy mô duy trì khá lớn để hút bớt tiền về, dù đây vẫn là công cụ ngắn hạn nhưng linh hoạt.
Trước đây, ứng xử với áp lực tiền tệ đối với lạm phát, công cụ dự trữ bắt buộc và cả tín phiếu bắt buộc kỳ hạn dài từng được Ngân hàng Nhà nước dùng đến. Nhưng nhiều năm qua và cho đến nay, như cách nói của chuyên gia Trương Văn Phước, việc điều hành cung tiền đã tốt và uyển chuyển hơn trong cân đối với các vấn đề.
Và như trên, chuyên gia này nhìn nhận hiện chưa có gì đáng ngại về lãi suất và tỷ giá cả.