Aa

Lãi vay cao, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng nguy cơ ế

Thứ Tư, 23/08/2023 - 10:49

Đến nay, sau thời gian dài công bố gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp và người dân vay để xây dựng dự án, mua nhà ở xã hội nhưng với lãi suất quá cao không ai dám vay.

Theo báo cáo từ Bộ Xây dựng, tính đến đầu tháng 8/2023, có 24 dự án từ 11 địa phương báo cáo đủ điều kiện vay trong gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, với tổng nhu cầu vay vốn là 12.442 tỷ đồng.

Bộ Xây dựng đã 3 lần công bố danh mục các dự án đủ điều kiện được vay trên cổng thông tin điện tử của bộ và gửi Ngân hàng Nhà nước với số lượng 24 dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cải tạo chung cư cũ đủ điều kiện, với quy mô 20.188 căn hộ.

Cũng theo Bộ Xây dựng, tới đầu tháng 8/2023, trên cả nước có khoảng 108 dự án nhà ở xã hội đã được cấp phép, đang triển khai đầu tư xây dựng. Chỉ tính riêng trong 7 tháng đầu năm 2023, số lượng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp đã được khởi công là 10 dự án với tổng số căn hộ vào khoảng 19.853 căn. Trong đó, nhà ở xã hội có 7 dự án, quy mô 8.815 căn; nhà ở cho công nhân 3 dự án, quy mô 11.038 căn.

Người lao động không dám vay tiền từ gói 120.000 tỉ đồng để mua nhà ở xã hội (Ảnh: Đình Sơn)

Dù vậy, theo Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, hiện nay, lãi suất chủ đầu tư và người có nhu cầu mua nhà ở xã hội phải vay với lãi suất cao, với chủ đầu tư là 8,7%/năm và người mua là 8,2%/năm. Trong khi thời gian cho vay ưu đãi chỉ kéo dài 5 năm. Điều đó khiến chủ đầu tư và người mua gặp khó khăn trong việc chuẩn bị nguồn tiền. Chính vì vậy, hiệp hội kiến nghị chủ đầu tư nhà ở xã hội được vay với lãi suất dưới mức 6%/năm và người mua nhà dưới 4,5%/năm như gói 30.000 tỷ đồng đang triển khai.

Một nghiên cứu của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cho biết, thu nhập của công nhân, người lao động rất thấp và với mức lãi suất cho vay như hiện nay đối với nhà ở xã hội 8,2%/năm thì đa số không có khả năng mua nhà ở xã hội, dù đúng đối tượng. Bởi, với người có thu nhập ổn định 12 triệu đồng/tháng phải mất tới 37 năm mới trả hết lãi vay ngân hàng. Trong trường hợp không phải vay với lãi suất 8,2%/năm mà được vay mức 4,5%/năm, họ sẽ trả hết nợ sau khoảng 19 năm.

Theo tính toán của ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, để vay được gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, muốn mua căn hộ nhà ở xã hội có giá 1 tỷ đồng, người mua thanh toán trước 20%, tức 200 triệu đồng và được vay 80%, tức 800 triệu đồng. Với lãi suất 8,2%/năm, năm đầu tiên người vay phải trả bình quân lãi suất 5,46 triệu đồng/tháng, chưa tính phần nợ gốc. Với lãi suất trên, khoản vay là gánh nặng.

Không chỉ vậy, theo ông Lê Hoàng Châu, thời gian ưu đãi 5 năm quá ngắn, không phù hợp với bản chất của chính sách tín dụng cho nhà ở xã hội. Do đó, sau thời gian ưu đãi, người dân phải thỏa thuận mức lãi suất sẽ dẫn đến rủi ro cho bên vay. Nếu phải trả lãi theo lãi suất thương mại bình thường, đây thực sự là gánh nặng đối với bên vay khi đều là người có thu nhập thấp./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top