Aa

Lãi vay khó giảm sâu

Thứ Bảy, 02/05/2020 - 13:58

Theo VNDIRECT, lãi suất huy động khó giảm sâu, nên lãi suất cho vay được kỳ vọng cũng không giảm mạnh.

Để hỗ trợ nền kinh tế, vào ngày 16/03/2020 NHNN đã hạ lãi suất điều hành từ 50 đến 100 điểm cơ bản và giảm trần lãi suất huy động từ 25 tới 30 điểm cơ bản đối với các khoản tiền gửi dưới 6 tháng. Do đó, lãi suất huy động của các ngân hàng đã giảm 30 - 40 điểm cơ bản cho tiền gửi dưới 6 tháng và giảm 20 - 30 điểm cơ bản đối với tiền gửi trên 6 tháng. Tuy nhiên, theo VNDIRECT, lãi suất huy động khó giảm sâu do ngân hàng cần duy trì nguồn vốn huy động dài hạn để đảm bảo tỷ lệ vốn ngắn hạn sử dụng cho vay trung - dài hạn ở mức 40% đến 30/9/2020. Do đó, lãi vay cũng khó giảm mạnh trong những tháng còn lại của năm 2020.

Về mặt bằng lãi suất cho vay, Chính phủ ra chỉ thị yêu cầu ngân hàng giảm 50 điểm cơ bản lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên. Ngoài ra, ngân hàng cũng được khuyến khích giảm thêm lãi suất để hỗ trợ khách hàng, dựa trên đánh giá của ngân hàng về hoạt động của khách hàng.

Ảnh minh họa.

Cho đến nay, một số ngân hàng đã giảm lãi suất tới 2%. Tuy nhiên, lãi suất ưu đãi thường được áp dụng cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh và mức độ giảm lãi suất khác nhau giữa mỗi khách hàng. 

"Lãi suất cho vay sẽ giảm trung bình 1% cho các khách hàng bị ảnh hưởng, nhưng lãi suất sẽ dần tăng trở lại sau khi dịch bệnh qua đi. Dịch bệnh được dự báo sẽ kết thúc vào giữa năm 2020, do đó lãi suất cho vay bình quân được kỳ vọng chỉ giảm khoảng 50 điểm cơ bản trong năm 2020", VNDIRECT nhận định.

Theo VNDIRECT, do mức độ điều chỉnh giảm lãi suất cho vay lớn hơn lãi suất huy động, nên tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM) được dự báo sẽ đi xuống trong năm 2020. Bên cạnh đó, việc miễn giảm lãi vay sẽ tạo thêm áp lực cho NIM. Việc thoái thu thu nhập lãi có thể sẽ tiếp diễn trong năm 2021 do hiện nay ngân hàng được phép giãn nợ tới tối đa 12 tháng, vì thế sẽ có độ trễ trong việc hình thành nợ xấu.

Sau khi dịch bệnh kết thúc, xu hướng của NIM sẽ khác nhau giữa các ngân hàng. Thứ nhất là những ngân hàng có tỷ lệ thâm nhập thấp trong phân khúc bán lẻ. Việc tiếp tục mở rộng mảng cho vay cá nhân với lãi suất cao hơn sẽ giúp cải thiện lợi suất tài sản, nhờ đó giảm áp lực lên NIM gây ra bởi dịch bệnh.

Thứ hai là các ngân hàng có tỷ lệ cho vay/huy động thấp. Những ngân hàng này có thanh khoản tốt hơn và đây là yếu tố quan trọng trong thời kỳ khó khăn. Các ngân hàng này cũng chịu ít áp lực hơn trong việc huy động thêm nguồn vốn mới để đảm bảo thanh khoản khi khách hàng không trả được nợ đúng hạn.

Thứ ba là ngân hàng có khẩu vị rủi ro thấp. Những ngân hàng này sẽ có nợ xấu tăng chậm hơn, do đó giảm nguy cơ phải thoái thu thu nhập lãi. 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top