Aa

Làm ăn đối mặt khó khăn nhưng đừng hy vọng giảm lãi vay

Thứ Hai, 14/02/2022 - 06:21

Tìm được nguồn vốn chi phí rẻ rất quan trọng đối với các doanh nghiệp trong hoàn cảnh hiện nay. Tuy nhiên, ngay sau tết Nhâm Dần nhiều ngân hàng lại đồng loạt đẩy lãi suất huy động tăng.

Đồng loạt tăng lãi suất

Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành Chỉ thị số 01/CT-TTg về việc đôn đốc, thực hiện hiệu quả nhiệm vụ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm dần 2022. Đối với ngành ngân hàng, Thủ tướng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước, cần khuyến khích các ngân hàng tiết giảm chi phí, để phấn đấu giảm lãi suất cho vay, tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho doanh nghiệp, người dân; hướng tín dụng vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên...

Trước đó, vào những ngày cuối năm Tân Sửu, đến chúc Tết và giao nhiệm vụ cho ngành ngân hàng, người đứng đầu Chính phủ cũng nhấn mạnh việc các ngân hàng cần giảm thêm lãi suất cho vay, giảm lãi suất phải thực chất để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh sau dịch.

Nhiều ngân hàng đồng loạt tăng lãi suất huy động ngay sau Tết Nhâm dần.

Trong khi đó, theo Báo cáo của Tổng cục Thống kê, tháng 1/2022, cả nước có 38.409 doanh nghiệp rút khỏi thị trường, cao gấp hơn 3 lần so với bình quân tháng của năm 2021. Điều này cho thấy nhiều doanh nghiệp vẫn tiếp tục gặp khó khăn, tình hình kinh doanh không sáng sủa.

Cũng theo Tổng cục Thống kê, những khó khăn lớn mà doanh nghiệp đang phải đối mặt đó là: Nhu cầu thị trường trong nước thấp, tài chính hạn chế và chi phí lãi vay cao.

Tìm được nguồn vốn với chi phí rẻ là rất quan trọng đối với các doanh nghiệp trong hoàn cảnh hiện nay. Tuy nhiên, ngay sau Tết Nhâm dần nhiều ngân hàng lại đồng loạt đẩy lãi suất huy động tăng.

Ngân hàng Việt Nam Thịnh vượng (VPBank) đã tăng lãi suất huy động ở nhiều kỳ hạn cho khách hàng cá nhân. Đặc biệt, lãi suất huy động tăng mạnh ở các khoản tiền gửi lớn từ 3 tỷ đồng đến dưới 10 tỷ đồng, tăng từ 0,1 - 0,6%/năm so với tháng trước; từ 10 tỷ đồng trở lên, lãi suất huy động tăng 0,3 - 0,9%/năm. Khách hàng gửi tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng với sản phẩm Prime Savings, sẽ được hưởng lãi suất tháng đầu tiên lên đến 12,2 - 12,4%/năm, các tháng sau đó là 6,1 - 6,2%/năm.

Tương tự, Ngân hàng Sài Gòn Thương tín (Sacombank) cũng tăng lãi suất huy động từ 0,1 - 0,2%/năm ở một số kỳ hạn. Ngân hàng Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) cũng tăng lãi suất từ 0,4 - 0,5%/năm với hầu hết kỳ hạn từ ngày 7/2/2022. Ngân hàng Hàng hải Việt Nam (MSB) tăng lãi suất gửi tiết kiệm online cao hơn 0,8%/năm so với gửi tại quầy. Ngân hàng Bắc Á (BacA Bank), tăng lãi suất tiết kiệm cho các kỳ hạn 1 - 3 tháng thêm 0,1%/năm so với trước, kỳ hạn 12 tháng tăng 0,2%/năm.

Còn Ngân hàng Đông Á (DongA Bank) cũng điều chỉnh tăng lãi suất 0,1 - 0,2%/năm tại hầu hết kỳ hạn. Xu hướng tăng lãi suất còn xuất hiện tại nhiều ngân hàng khác như Ngân hàng Nam Á (NamABank), Ngân hàng Đại dương (OceanBank), Ngân hàng Thương mại Sài Gòn (SCB)… Theo ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Ngân hàng Phương đông (OCB), mặt bằng lãi suất thời gian qua đã giảm xuống mức thấp, nên khó tránh việc tăng trở lại trong năm nay.

Tìm đâu vốn rẻ?

Mặt bằng lãi suất huy động có chiều hướng gia tăng, sẽ tác động lên chi phí của ngân hàng và tác động tới lãi suất cho vay. Mong muốn giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ các doanh nghiệp càng khó trở thành hiện thực. Các ngân hàng cũng cho rằng, dư địa giảm lãi suất không còn. Hiện chỉ có hai giải pháp để các ngân hàng có thể giảm thêm lãi suất, đó là tiết giảm chi phí hoạt động và nâng chất lượng danh mục tài sản để giảm chi phí trích lập dự phòng rủi ro.

Tuy nhiên, chi phí hoạt động của các ngân hàng đã ở mức tối thiểu sau nhiều lần cắt giảm trong hai năm qua, trong khi đang phải đối mặt với rủi ro nợ xấu gia tăng. Dự địa càng hẹp hơn khi lạm phát đang có xu hướng tăng.

Không những thế, theo nhận định của Công ty Chứng khoán Bảo Việt, mặt bằng lãi suất cho vay năm 2022 khó giảm thêm so với cuối năm 2021 và nhiều khả năng sẽ tăng nhẹ trở lại từ 0,25% - 0,5%/năm. Sức ép lạm phát cùng nhu cầu tín dụng tăng, sẽ đẩy lãi suất cho vay tăng. Nếu lãi suất cho vay tăng trở lại, sẽ cản trở doanh nghiệp trong bối cảnh môi trường kinh doanh còn nhiều bất định.

Doanh nghiệp khó khăn nhưng không tìm đâu ra vốn rẻ.

Với lãi suất huy động giảm thấp như thời gian vừa qua, mà lãi vay vẫn giữ ở mức cao thì việc điều chỉnh tăng lãi suất huy động hiện nay, sẽ khó hy vọng lãi vay giữ nguyên, chứ không nói đến chuyện sẽ được giảm. Vấn đề là ngân hàng luôn muốn duy trì tỷ lệ lợi nhuận cao thì khó có chuyện giảm lãi suất thực chất. Năm 2021, hàng trăm nghìn doanh nghiệp gặp khó khăn, nhưng các ngân hàng chỉ giảm lãi suất nhỏ giọt, ông Nguyễn Mai Hoàng, giám đốc Công ty thương mại và đầu tư Hoàng Mai, TP. HCM nhận xét.

Trong hoàn cảnh này nhiều doanh nghiệp cho biết họ chỉ còn trông chờ vào gói hỗ trợ cấp bù lãi suất 2% sớm đi vào thực hiện. Với tổng số tiền hỗ trợ lãi suất lên đến 40.000 tỷ đồng, ước tính lượng tín dụng cung ra cho doanh nghiệp lên đến 2 triệu tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay nhiều doanh nghiệp vẫn chưa biết gói hỗ trợ này khi nào mới đi vào thực hiện và tiêu chí để được vay vốn từ gói hỗ trợ này là gì. Mừng là có nguồn vốn giá rẻ, nhưng lại lo cơ chế, thủ tục tiếp cận có khắt khe hay không. Nếu các ngân hàng vẫn giữ quan điểm chỉ cho vay với doanh nghiệp có tài sản thế chấp, làm ăn hiệu quả thì rất khó để tiếp cận gói hỗ trợ này.

Thực tế, đã có nhiều chuyên gia kinh tế bày tỏ sự băn khoăn về gói hỗ trợ lãi suất này. Doanh nghiệp hiện đang cần “tiền tươi thóc thật”, để nhanh chóng tháo gỡ các khó khăn, trong khi việc cấp bù lãi suất không dễ như kỳ vọng. Việc triển khai được dự báo sẽ khá phức tạp về cả thủ tục, những phát sinh về sau, chưa kể sự minh bạch, công bằng, rủi ro nợ xấu...

Không những thế nếu không giữ được mặt bằng lãi suất cho vay thấp, để các ngân hàng tăng lên thì việc cấp bù lãi suất cũng chẳng có nhiều ý nghĩa./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top