Aa

Nhóm ngân hàng có thể tăng trưởng mạnh nhất trong năm 2022

Thứ Tư, 19/01/2022 - 16:54

Năm 2022, nhóm ngành ngân hàng sẽ có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất do Việt Nam đang nằm trong chu kỳ nợ tiêu dùng đã bắt đầu từ năm 2015 và có thể kéo dài đến các năm 2023 - 2024.

Quan điểm trên được ông Lê Hoài Ân, Giảng viên trường Đại học Ngân hàng TP.HCM đưa ra tại Hội thảo Kinh tế Việt Nam 2022 - Phục hồi kinh tế sau khủng hoảng Covid-19 do Đại học Ngân hàng TP.HCM tổ chức ngày 19/1.

Ngoài nhóm ngành ngân hàng, dự báo tốc độ tăng trưởng lĩnh vực ngành nghề, chứng khoán, bất động sản, xây dựng cũng sẽ tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao. Trong khi đó, các nhóm ngành thực phẩm, vật liệu sẽ tăng trưởng chậm và sụt giảm lợi nhuận. Nguyên do, hoạt động mở rộng sản xuất trở lại ở các thị trường lớn như Trung Quốc, Đài Loan sẽ khiến giá vật liệu không còn duy trì mức cao như năm 2021.

TS. Lê Hoàng Anh, đại diện Nhóm nghiên cứu của trường Đại học Ngân hàng TP.HCM, công bố kết quả nghiên cứu và đưa ra các dự báo về kinh tế vĩ mô trong năm 2022. Trên cơ sở phân tích các dữ liệu thống kê và lượng hóa các tác động chính của dịch Covid-19 đến nền kinh tế trong trong năm 2021, Nhóm nghiên cứu cho rằng năm 2022, dịch bệnh sẽ vẫn là yếu tố gây áp lực lên tăng trưởng thế giới kinh tế và Việt Nam.

Theo đó, Nhóm nghiên cứu của trường Đại học Ngân hàng TP.HCM dự báo năm 2022 tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ đạt mức 6,5 - 7%. Trong đó, mục tiêu kiên định chính sách tiền tệ là kiểm soát lạm phát và đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, Nhóm nghiên cứu nhận định lạm phát tổng thể năm 2022 dự báo trong khoảng 3,3 - 3,7%. Dự báo này tương đồng với kết quả dự báo của ADB về mức lạm phát của Việt Nam trong năm nay, ở mức 3,5%.

Đồng tình với những kết quả nghiên cứu của Nhóm nghiên cứu của trường Đại học Ngân hàng TP.HCM, PGS.TS. Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Đại học Kinh tế TP.HCM cho rằng trong năm 2022, nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức, ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng kinh tế và lạm phát. Theo đó, các thách thức chính của Việt Nam gặp phải ngay từ các tháng đầu năm 2022 sẽ vẫn là sự đứt gãy của chuỗi cung ứng hàng hóa, gia tăng chi phí sản xuất do dịch vụ vận chuyển sẽ gây áp lực mạnh lên giá cả và tạo áp lực lớn lên chỉ số lạm phát.

Trong khi đó, do ảnh hưởng từ dịch bệnh, khu vực sản xuất kinh doanh sẽ tăng trưởng chậm, nhóm ngân hàng, chứng khoán sẽ tiếp tục tăng nhanh, gây ra sự lệch pha giữa nền kinh tế thực và dòng tiền đổ vào chứng khoán và bất động sản.

Bàn luận về các giải pháp để ổn định và phục hồi nền kinh tế trong năm 2022, ông Nguyễn Xuân Thành, Giảng viên Đại học Fulbright Việt Nam, cho rằng trong năm nay, các gói tài chính hỗ trợ của Chính phủ sẽ có tác động nhanh và rộng hơn đến các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế, trong đó các chính sách hỗ trợ về thuế, phí và lãi suất tín dụng sẽ là động lực chính để các ngành, nghề lĩnh vực phục hồi tăng trưởng.

Trong năm nay, các tác động của dịch bệnh đến nền kinh tế sẽ giảm độ sốc hơn so với năm 2021 và việc nối lại thanh khoản thị trường hàng hóa, tổ chức lại hoạt động sản xuất kinh doanh ở nhiều ngành nghề có thể sẽ giúp Việt Nam có tăng trưởng nền kinh tế ở mức 7%./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top