Aa

Lâm Đồng: Điều chỉnh Quy hoạch chung TP. Đà Lạt và vùng phụ cận

Thứ Hai, 07/10/2024 - 10:33

HĐND tỉnh Lâm Đồng đã chính thức ban hành Nghị quyết thông qua Đồ án Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung TP. Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2045.

Lâm Đồng: Điều chỉnh Quy hoạch chung TP. Đà Lạt và vùng phụ cận- Ảnh 1.

Toàn cảnh TP. Đà Lạt

Theo đó, phạm vi quy hoạch của Đồ án bao gồm toàn bộ địa giới hành chính TP. Đà Lạt và các huyện: Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng cùng một phần huyện Lâm Hà gồm thị trấn Nam Ban và các xã Mê Linh, Đông Thanh, Gia Lâm, Nam Hà với cao trình 850m trở lên để phát triển không gian TP. Đà Lạt và vùng phụ cận với 2 vùng Bắc - Nam, theo mô hình đa trung tâm với 2 đô thị trung tâm và 3 đô thị vệ tinh.

Những điều chỉnh quy hoạch nhằm khắc phục những hạn chế của quy hoạch trước đây và đáp ứng yêu cầu mới của thực tiễn. Đồng thời, được xem là một bước ngoặt quan trọng trong việc định hướng phát triển TP. Đà Lạt và vùng phụ cận.

Điểm nhấn đáng chú ý trong Đồ án quy hoạch là việc mở rộng không gian đô thị Đà Lạt về phía huyện Lạc Dương, tạo thành một vùng đô thị rộng lớn và đa dạng về chức năng. Thành phố sẽ không chỉ là một trung tâm du lịch nghỉ dưỡng mà còn trở thành một cực tăng trưởng kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật của vùng nói chung.

Đà Lạt sẽ có những khu vực chuyên biệt cho các hoạt động khác nhau, từ khu đô thị trung tâm lịch sử, khu du lịch nghỉ dưỡng chất lượng cao đến khu nông nghiệp sinh thái, chia thành 9 phân khu chức năng:

9 PHÂN KHU PHÁT TRIỂN KHÔNG GIAN CHỨC NĂNG

- Khu đô thị trung tâm lịch sử

- Khu đô thị phía Đông

- Khu đô thị phía Bắc

- Khu đô thị phía Tây

- Khu du lịch nghỉ dưỡng chất lượng cao

- Khu nông nghiệp du lịch nghỉ dưỡng sinh thái phía Đông

- Khu du lịch sinh thái gần với đa dạng sinh học

- Khu đô thị xanh Lạc Dương

- Khu vực rừng tự nhiên

Khu đô thị trung tâm lịch sử

Khu đô thị trung tâm lịch sử bao gồm toàn bộ ranh giới phường 1, phường 2 và một phần các phường 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10 của TP. Đà Lạt.

Khu đô thị trung tâm lịch sử sẽ kế thừa các định hướng phát triển không gian theo Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung TP. Đà Lạt và vùng phụ cận đã phê duyệt năm 2014 thiết lập: Trục di sản Đông - Tây, trục cảnh quan sông, suối Cam Ly, hệ thống công viên, mặt nước, các khu chức năng dịch vụ công cộng đô thị nhằm tạo lập tính chất đô thị di sản, tái tạo không gian cảnh quan và cải thiện môi trường sống cũng như chất lượng về không khí.

Bên cạnh việc kế thừa, sẽ bổ sung định hướng tạo lập khu vực đi bộ và không gian thương mại từ các khu vực trung tâm thương mại Hòa Bình - Quảng trường Lâm Viên, Công viên Yersin - Trục di sản Đông - Tây, kết hợp hệ thống không gian công viên cây xanh, công viên chuyên đề và không gian mở bao quanh hồ Xuân Hương, tạo lập không gian công cộng đô thị và du lịch cho khu vực đô thị trung tâm lịch sử.

Lâm Đồng: Điều chỉnh Quy hoạch chung TP. Đà Lạt và vùng phụ cận- Ảnh 2.

Một góc hồ Xuân Hương TP. Đà Lạt

Bên cạnh đó, sẽ tổ chức quy hoạch cải tạo không gian cảnh quan của hệ thống hồ lắng quanh hồ Xuân Hương với mục tiêu mở rộng không gian cây xanh mặt nước tại khu vực trung tâm. Mở rộng Công viên Yersin gắn với hồ lắng phía đường Trần Quốc Toản và đường Yersin, kết nối với Ga Đà Lạt, hệ thống kênh nước và mở rộng về phía đường Trần Hưng Đạo nhằm kết nối trục di sản Đông - Tây với trục cảnh quan chính của đô thị.

Đồng thời, bổ sung một số không gian ngầm với chức năng bãi đỗ xe kết hợp với thương mại, dịch vụ tại một số khu vực như Công viên Ánh Sáng, Trần Quốc Toản…, các khu vực vui chơi giải trí mang tính chất mở tại một số khu vực quy hoạch công viên chuyên đề phục vụ cho cộng đồng người dân và khách du lịch; đồng thời, giảm tải áp lực về hạ tầng cho khu vực trung tâm hiện hữu với định hướng phát triển, tạo lập tính chất đô thị di sản.

Lâm Đồng: Điều chỉnh Quy hoạch chung TP. Đà Lạt và vùng phụ cận- Ảnh 3.

Góc nhìn khu vực trung tâm TP. Đà Lạt mùa hoa phượng tím

Khu đô thị phía Đông

Khu đô thị phía Đông sẽ gồm toàn bộ ranh giới phường 11, phường 12 và một phần các phường 3, 9, 10 và xã Xuân Thọ, TP. Đà Lạt.

Lâm Đồng: Điều chỉnh Quy hoạch chung TP. Đà Lạt và vùng phụ cận- Ảnh 4.

Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt - Một công trình mang kiến trúc cổ trong sương sớm

Theo đó, phát triển khu đô thị nghỉ dưỡng được quy hoạch hệ thống chức năng trung tâm chăm sóc sức khỏe cấp quốc gia và quốc tế. Tận dụng khả năng kết nối trực tiếp từ sân bay Liên Khương và hệ thống đường cao tốc mới CT.25, tuyến đường tránh Prenn - Xuân Thọ, hệ thống giao thông công cộng đã được quy hoạch để xây dựng một khu phức hợp đô thị - nghỉ dưỡng - chăm sóc sức khỏe có khả năng tiếp cận thuận tiện trong tương lai.

Mở rộng quy hoạch không gian đô thị về phía Xuân Trường, Xuân Thọ. Xây dựng khu đô thị kết hợp trung tâm thương mại - tài chính kết hợp nhà ga mới, có hệ thống tiện ích đô thị được tích hợp nhằm giảm tải cho khu vực trung tâm và tạo động lực phát triển kinh tế đa ngành cho TP. Đà Lạt.

Đồng thời, bổ sung định hướng phát triển không gian khu du lịch hồ Prenn, chợ hoa, trung tâm giới thiệu sản phẩm hoa của vùng tại khu vực chân đèo Prenn nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình giao thương và vận chuyển hàng hóa, phù hợp định hướng là khu vực trung tâm thương mại, tài chính.

Khu đô thị phía Bắc

Khu đô thị phía Bắc nằm trên một phần các phường 7, 8 và một phần thị trấn Lạc Dương. Định hướng khu đô thị phía Bắc sẽ mở rộng về phía thị trấn Lạc Dương, sáp nhập một phần thị trấn Lạc Dương vào khu đô thị này. Khu đô thị phía Bắc sẽ tập trung phát triển hệ thống trung tâm giáo dục đào tạo mới bao gồm làng đại học và trung tâm huấn luyện quốc gia gắn với khu vực hồ Đankia - Suối Vàng ở phía Bắc. Cải tạo - chỉnh trang hệ thống trường cao đẳng - đại học - trung tâm nghiên cứu hiện hữu của khu vực.

Lâm Đồng: Điều chỉnh Quy hoạch chung TP. Đà Lạt và vùng phụ cận- Ảnh 5.

Cảnh đẹp tại hồ Đankia - Suối Vàng

Chuyển đổi hệ thống nông nghiệp nhà kính bên trong các thung lũng nông nghiệp hiện hữu thành các vùng nông nghiệp sinh thái, với hạt nhân là Làng hoa Hà Đông, nhân rộng mô hình canh nông sinh thái - sử dụng công nghệ cao kết hợp du lịch canh nông trong toàn bộ phân khu.

Đồng thời, bảo vệ không gian sinh thái, cảnh quan tự nhiên của khu vực núi LangBiang, tạo lập hệ thống đường dạo sinh thái bên trong Khu bảo tồn sinh quyển LangBiang để thúc đẩy các hoạt động du lịch khám phá và thu hút khách du lịch nước ngoài. Xây dựng tổ hợp thương mại dịch vụ, hội chợ triển lãm tại trung tâm du lịch dịch vụ LangBiang nhằm tạo động lực phát triển đô thị và kết nối trực tiếp với Khu du lịch trọng điểm Quốc gia Đankia - Suối Vàng.

Khu đô thị phía Tây

Khu đô thị phía Tây - trung tâm sáng tạo âm nhạc, nghệ thuật bao gồm hầu hết ranh giới phường 5, một phần ranh giới các phường 4, 6, 7, được định hướng mở rộng không gian về phía Tây, chuyển đổi chức năng khu vực sân bay quân sự và các không gian nông nghiệp nhà kính quanh sân bay sang chức năng đô thị, khai thác lợi thế kết nối giao thông giữa đường Trường Sơn Đông và Quốc lộ 20 tạo lập không gian cửa ngõ phía Tây cho TP. Đà Lạt.

Lâm Đồng: Điều chỉnh Quy hoạch chung TP. Đà Lạt và vùng phụ cận- Ảnh 6.

Hoàng hôn trên đồi chè Cầu Đất, TP. Đà Lạt

Tạo lập không gian về nghệ thuật và sáng tạo tại khu vực sân bay nhằm cụ thể hóa chiến lược phát triển đô thị Đà Lạt trở thành một thành phố về nghệ thuật sáng tạo. Xây dựng trung tâm sáng tạo âm nhạc, giáo dục kết hợp biểu diễn âm nhạc, xây dựng trung tâm sản xuất âm nhạc, bảo tàng âm nhạc, trung tâm triển lãm văn hóa nghệ thuật tổng hợp (văn học, nhiếp ảnh, hội họa, âm nhạc, điêu khắc, trình diễn....) cùng với phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng du lịch chủ đề âm nhạc, xây dựng đồng bộ cơ sở hạ tầng kỹ thuật đáp ứng những sự kiện âm nhạc - nghệ thuật lớn tổ chức trên địa bàn thành phố.

Bên cạnh đó, đề xuất tận dụng cơ sở hạ tầng hiện hữu của Trường Cao đẳng Du lịch Đà Lạt để phát triển thành một trung tâm đào tạo về ngành du lịch, dịch vụ của vùng và tỉnh, tạo ra ngành đào tạo đặc trưng của địa phương.

Đồng thời, phát triển tuyến đường Trường Sơn Đông đoạn qua thành phố trở thành tuyến đường vành đai mới của TP. Đà Lạt. Các cụm dân cư gắn với thương mại, dịch vụ phục vụ du lịch canh nông, sinh thái rừng gắn với khai thác giá trị mới được định hướng phát triển theo cụm, tạo lập khoảng cây xanh ngăn cách để tránh việc phát triển đô thị bám sát mặt đường, lưu giữ hình ảnh con đường sinh thái và hình ảnh đô thị rừng trong thành phố - thành phố trong rừng.

Tạo lập không gian cây xanh cảnh quan đa chức năng; là không gian cách ly ven suối Cam Ly, kết hợp chức năng công viên bán ngập và là vùng chuyển tiếp cảnh quan tự nhiên, cảnh quan nông nghiệp và cảnh quan cây xanh mặt nước trong đô thị của TP. Đà Lạt.

Khu du lịch nghỉ dưỡng chất lượng cao

Khu du lịch nghỉ dưỡng chất lượng cao - mang tính chất tạo lập hình ảnh thành phố du lịch trong thiên nhiên; sẽ gồm toàn bộ ranh giới xã Tà Nung, toàn bộ ranh giới Khu du lịch Quốc gia hồ Tuyên Lâm và một phần ranh giới phường 3, 4.

Lâm Đồng: Điều chỉnh Quy hoạch chung TP. Đà Lạt và vùng phụ cận- Ảnh 7.

Một góc nhìn rừng sinh thái hồ Tuyền Lâm

Khu vực này thuộc cửa ngõ phía Nam, sẽ tạo lập hình ảnh một thành phố du lịch trong thiên nhiên. Chú trọng vào việc bảo vệ không gian rừng và mặt nước đặc trưng của khu vực.

Hệ thống công trình du lịch nghỉ dưỡng xây dựng với mật độ và tầng thấp, sử dụng vật liệu hài hòa với cảnh quan tự nhiên. Tạo các hành lang rừng tự nhiên kết nối đa dạng sinh học của hồ Tuyền Lâm và các không gian tự nhiên lân cận. Đồng thời, mở rộng không gian của phân khu du lịch nghỉ dưỡng về phía Tà Nung, quy hoạch mở thêm một tuyến kết nối mới từ TP. Đà Lạt về phía Tà Nung nhằm tăng cường kết nối thành phố tới khu vực phía Tây Nam và đô thị Nam Ban trong tương lai.

Bên cạnh đó, khai thác yếu tố tiềm năng về không gian cảnh quan thiên nhiên, địa hình, dân cư hiện hữu tại khu vực Thôn 4, xã Tà Nung để định hướng phát triển các mô hình mang nét đặc trưng Cao nguyên Lâm Viên của vùng Tây Nguyên.

Khu nông nghiệp nghỉ dưỡng sinh thái phía Đông

Khu nông nghiệp du lịch nghỉ dưỡng sinh thái phía Đông - phát triển các mô hình làng đô thị xanh; được quy hoạch bao gồm toàn bộ ranh giới các xã Xuân Trường, Trạm Hành, một phần xã Xuân Thọ, TP. Đà Lạt và một phần xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương.

Lâm Đồng: Điều chỉnh Quy hoạch chung TP. Đà Lạt và vùng phụ cận- Ảnh 8.

Một góc khu dân cư tại xã Xuân Trường TP. Đà Lạt

Khu nông nghiệp nghỉ dưỡng sinh thái phía Đông nhấn mạnh không gian cảnh quan của rừng và tạo lập không gian sống, nghỉ dưỡng và du lịch khám phá cảnh quan tự nhiên hài hòa với thiên nhiên; tạo lập cảnh quan đặc trưng về một vùng đô thị kết hợp du lịch sinh thái nông nghiệp tự nhiên của Đà Lạt.

Đồng thời, khu này sẽ được phát triển các mô hình làng đô thị xanh, các khu du lịch nghỉ dưỡng, thương mại dịch vụ sinh thái, du lịch nông nghiệp gần với không gian rừng và nông nghiệp hiện hữu của khu vực.

Phân khu du lịch sinh thái gắn với đa dạng sinh học

Phân khu du lịch sinh thái gắn với đa dạng sinh học - phát triển điểm đến du lịch hàng đầu của khu vực; thuộc toàn bộ ranh giới xã Lát, huyện Lạc Dương, toàn bộ ranh giới Khu du lịch trọng điểm quốc gia hồ Đankia - Suối Vàng, một phần ranh giới phường 7, TP. Đà Lạt và thị trấn Lạc Dương, huyện Lạc Dương.

Được kế thừa các định hướng quy hoạch của Khu du lịch Quốc gia Đankia - Suối Vàng đã được phê duyệt về định hướng phát triển điểm đến du lịch hàng đầu của khu vực Tây Nguyên và tỉnh Lâm Đồng. Phát triển các sản phẩm du lịch bao gồm nghỉ dưỡng, sinh thái, golf, thể thao, vui chơi giải trí công nghệ cao, phát triển các sản phẩm văn hóa có tính đặc trưng bản địa, khai thác đặc trưng khí hậu, cảnh quan và nông nghiệp của khu vực.

Cảnh quan và không gian được kết hợp từ các yếu tố cảnh quan đặc thù trong khu vực như địa hình đồi núi, cảnh quan hồ thượng nguồn, hồ Đankia, hồ Suối Vàng, cảnh quan đồi thông và các yếu tố văn hóa bản địa.

Đồng thời, xây dựng các khu du lịch mật độ thấp, lấy yếu tố cây xanh làm nền cho các không gian kiến trúc. Tạo lập không gian mặt nước trải dài từ Bắc xuống Nam và tạo lập các không gian chuyển tiếp cảnh quan nơi đây.

Khu đô thị xanh Lạc Dương

Khu đô thị xanh Lạc Dương - Rừng trong phố, phố trong rừng với một phần ranh giới xã Đạ Sar, xã Đạ Nhim và Đạ Chais, huyện Lạc Dương. Tổ chức không gian cấu trúc làng xanh kết với hình ảnh đặc trưng của khu vực là các yếu tố tự nhiên để hình thành các cụm đô thị nghỉ dưỡng riêng biệt tại Đà Lạt. Khu này sẽ tập trung xây dựng phát triển mô hình làng đô thị xanh cho các điểm dân cư nông thôn kiểu mới, đề cao tính chất sinh thái tự nhiên, kiến tạo môi trường và khí hậu đặc trưng của Đà Lạt và tạo lập mô hình rừng trong phố - phố trong rừng.

Lâm Đồng: Điều chỉnh Quy hoạch chung TP. Đà Lạt và vùng phụ cận- Ảnh 9.

Tuyến Quốc lộ 27C qua xã Đa Nhim, huyện Lạc Dương

Quy hoạch tuyến đường kết nối giữa Đạ Sar về phía TP. Đà Lạt, kết nối với khu vực hồ Than Thở và phân khu phía Đông của thành phố. Đồng thời, tạo lập điểm dân cư mới tại xã Đạ Sar gắn với tuyến đường vành đai mới của TP. Đà Lạt, tạo động lực phát triển đô thị cho khu vực phía Đông Bắc của huyện Lạc Dương.

Đồng thời, tổ chức hệ thống du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái dưới tán rừng dọc theo tuyến Quốc lộ 27C và hồ Đa Nhim Thượng, khai thác cảnh quan tự nhiên và địa hình, khí hậu đặc trưng của địa phương nơi đây.

Khu vực rừng tự nhiên

Khu vực rừng tự nhiên - Quy hoạch Công viên hoang dã, giải trí dưới tán rừng. Nằm trên toàn bộ ranh giới vùng bảo tồn của Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà, ranh giới bao gồm toàn bộ xã Đưng K'Nớ, một phần xã Lát, xã Đa Nhim và Đạ Chais, huyện Lạc Dương.

Được kế thừa các định hướng bảo tồn và phục hồi rừng tự nhiên của Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung TP. Đà Lạt và vùng phụ cận đã phê duyệt năm 2014 đề ra, bổ sung chức năng tổ chức các hoạt động nghiên cứu khoa học, giảng dạy, bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học của khu vực.

Quy hoạch công viên hoang dã, giải trí dưới tán rừng, tổ chức các tuyến đường mòn với chức năng khám phá nhằm khai thác cảnh quan tự nhiên và đặc trưng rừng nguyên sinh của khu vực, tạo lập điểm đến mới thu hút cho du khách.

Đặc biệt, không thực hiện các hoạt động nghỉ dưỡng, giải trí trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của rừng đặc dụng. Đối với khu vực nằm bên ngoài rừng Bidoup - Núi Bà, bổ sung định hướng phát triển các khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng gắn với tự nhiên đảm bảo không gây ảnh hưởng xấu tới hệ sinh thái của rừng.

Vùng phụ cận - Phát triển đô thị vệ tinh, tạo ra các cực tăng trưởng mới.

Theo đồ án Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung TP. Đà Lạt và vùng phụ cận vừa được phê duyệt, 4 đô thị vệ tinh vùng phụ cận sẽ được hình thành gồm: Đức Trọng, Thạnh Mỹ, D'Ran và Nam Ban. Các đô thị vệ tinh được quy hoạch để trở thành những trung tâm kinh tế, dịch vụ quan trọng, giảm tải áp lực cho Đà Lạt, phù hợp với định hướng Quy hoạch tỉnh Lâm Đồng. Việc phát triển hệ thống giao thông kết nối giữa các đô thị cũng được định hướng để tạo thành một mạng lưới đô thị đồng bộ, hiện đại.

Lâm Đồng: Điều chỉnh Quy hoạch chung TP. Đà Lạt và vùng phụ cận- Ảnh 10.

Đức Trọng là đầu mối giao thông đa phương thức với hệ thống đô thị sân bay và sử dụng giao thông công cộng.

Trong đó, Đức Trọng trở thành đô thị hạt nhân của vùng phụ cận, san sẻ chức năng trung tâm hành chính - chính trị của tỉnh với TP. Đà Lạt. Đức Trọng sẽ phát triển dựa trên 3 trụ cột chính là trung tâm hành chính chính trị - dịch vụ của tỉnh Lâm Đồng, trung tâm đầu mối giao thông đối ngoại và trung tâm tài chính, thương mại, dịch vụ.

Cụ thể, vùng phụ cận cũng định hướng phát triển các cực đô thị đa chức năng, sử dụng mô hình phát triển đô thị lấy giao thông công cộng làm trung tâm tại các đô thị vệ tinh nhằm tăng cường khả năng kết nối tới Đà Lạt, tận dụng hệ thống hạ tầng giao thông hiện hữu cũng như được quy hoạch như sân bay, tàu điện, đường cao tốc để thúc đẩy sự phát triển của khu vực.

Đồng thời, phát triển hệ thống đô thị tuyến tính dựa vào các trục đường Quốc lộ 20, Quốc lộ 27 và đường Trường Sơn Đông, định hướng phát triển các đô thị vùng phụ cận gắn với hệ thống suối Cam Ly và sông Đa Nhim.

Lâm Đồng: Điều chỉnh Quy hoạch chung TP. Đà Lạt và vùng phụ cận- Ảnh 11.

Đèo Prenn nằm trên QL20 - là cửa ngõ vào trung tâm TP. Đà Lạt cho phát triển kinh tế

Điều chỉnh quy hoạch - Giải quyết những tồn tại, mở ra cơ hội mới

Dựa trên cở sở Đồ án Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung TP. Đà Lạt và vùng phụ cận đã được HĐND tỉnh thông qua; chính quyền địa phương và các tổ chức, đơn vị triển khai lập các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết các khu vực, lập các dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn TP. Đà Lạt và vùng phụ cận theo quy định và là công cụ pháp lý, kiểm soát các hoạt động đầu tư xây dựng và phát triển của TP. Đà Lạt và vùng phụ cận theo quy hoạch đã được phê duyệt.

Lâm Đồng: Điều chỉnh Quy hoạch chung TP. Đà Lạt và vùng phụ cận- Ảnh 12.

Đường 3 tháng 4 - Cửa ngõ vào trung tâm TP. Đà Lạt

Theo đánh giá, Đồ án Quy hoạch điều chỉnh lần này có những điểm mới đáng ghi nhận, trong đó quy hoạch đã tập trung vào việc khắc phục những hạn chế, tồn tại và đưa ra những định hướng phát triển mới, phù hợp với thực tiễn và các quy định pháp luật hiện hành. Đặc biệt, một số điểm mới nổi bật của Quy hoạch điều chỉnh lần này phù hợp với Quy hoạch xây dựng tỉnh. Theo đó, Quy hoạch điều chỉnh được xây dựng dựa trên cơ sở Quy hoạch xây dựng tỉnh Lâm Đồng, đảm bảo sự đồng bộ và thống nhất trong phát triển.

Theo đó, việc điều chỉnh quy hoạch cũng là để đáp ứng nhu cầu hiện tại và tương lai của thành phố cũng như giải quyết những vấn đề hạn chế, bất cập ách tắc về giao thông, không gian đô thị đang bị phá vỡ, đặc biệt là vùng lõi của Đà Lạt. Quy hoạch cũng đã cụ thể hoá những chiến lược, định hướng phát triển của Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Lâm Đồng, đáp ứng yêu cầu quản lý và phát triển kinh tế - văn hóa xã hội - không gian đô thị - kiến trúc cảnh quan trên địa bàn TP. Đà Lạt và vùng phụ cận.

Bên cạnh đó, tạo điều kiện khả thi để thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm giải quyết các vấn đề trong phát triển đô thị hiện nay như dân số, nhà ở, hạ tầng, giao thông, môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và đảm bảo quốc phòng - an ninh.

Đặc biệt, Quy hoạch điều chỉnh lần này bổ sung thêm 2 tính chất mới bao gồm: Trung tâm văn hóa - nghệ thuật, thể dục - thể thao và giải trí cấp vùng và quốc gia; TP. Đà Lạt trở thành đô thị phát triển du lịch cấp quốc gia và là đô thị có đặc trưng về di sản. Quy hoạch cũng được kỳ vọng sẽ đáp ứng yêu cầu phát triển mới của TP. Đà Lạt phù hợp với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Lâm Đồng, vùng Tây Nguyên và của đất nước.


Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top