Cụ thể, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ra Quyết định số 636/QĐ-UBND phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 Khu dân cứ số 5 (Dự án Đà Lạt Paradise Garden), phường 4, thành phố Đà Lạt. Quyết định do Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp ký duyệt.
Theo Quyết định 636, nội dung điều chỉnh cụ thể như sau: Điều chỉnh Điểm d, Khoản 6, Điều 1, Quyết định 2412/QĐ-UBND ngày 09/11/2015 của UBND tỉnh về quy hoạch thoát nước thải sinh hoạt từ “Nước thải tại các khu chức năng được xử lý cục bộ bằng bể tự hoại cải tiến đạt tiêu chuẩn theo quy định, theo các tuyến ống thu gom nước thải xả vào hệ thống thoát nước mưa. Toàn bộ hệ thống thoát nước thải đều nằm trong ranh dự án được xử lý nội bộ đạt chuẩn theo quy định để được tái sử dụng, không kết nối các khu vực ngoài dự án” thành “Nước thải tại các khu chức năng được thu gom bằng các tuyến ống, trạm bơm nâng để đấu nối với hệ thống thoát nước thải chung của thành phố Đà Lạt và xử lý theo quy định hiện hành”.
Với sự điều chỉnh này, chủ đầu tư dự án có thể tiết kiệm được khoản chi phí không nhỏ, do không cần phải đầu tư hệ thống xử lý nước thải nội khu. Tuy nhiên điều này sẽ đẩy áp lực xử lý nước thải qua hệ thống xử lý của thành phố.
Được biết dự án Đà Lạt Paradise Garden do Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) làm chủ đầu tư. Dự án được giới thiệu có tổng diện tích khu quy hoạch: 37,5 ha; Quy mô dân số: khoảng 3.100 người. Đây là dự án khu đô thị có quy mô lớn bậc nhất tỉnh Lâm Đồng và xảy ra khiếu nại kéo dài liên quan đến việc đền bù cho người dân bị thu hồi đất.
Theo quảng cáo của HUD, dự án Đà Lạt Paradise Garden được phát triển để hình thành cộng đồng dân cư văn minh, được quản lý đồng bộ toàn khu đô thị, hình thành nên một không gian đô thị có chất lượng sống cao cấp điển hình của TP Đà Lạt, nâng tầm thương hiệu HUD trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Hình thành khu nhà ở cao cấp có đầy đủ tiện ích công cộng và dịch vụ đồng bộ, hiện đại về hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật, phục vụ nhu cầu phát triển mở rộng thành phố Đà Lạt.
Dù được quảng cáo rất cao cấp và hoành tráng, nhưng việc loại bỏ hệ thống xử lý nước thải ra khỏi dự án như vậy là chuyện rất hy hữu. Theo các chuyên gia, việc điều chỉnh bỏ hệ thống xử lý nước thải nội bộ mà đưa nước thải trực tiếp ra ngoài dự án có thể gây ảnh hưởng không nhỏ lên môi trường thành phố nếu các dự án khác cứ “ăn theo” tiền lệ này.
Quản lý nước thải đô thị, khu dân cư tập trung được quy định như thế nào?
(1) Căn cứ Điều 57 Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định về bảo vệ môi trường khu đô thị, khu dân cư như sau:
- Bảo vệ môi trường khu đô thị, khu dân cư tập trung phải thực hiện theo nguyên tắc phát triển bền vững gắn với việc duy trì các yếu tố tự nhiên, văn hóa, lịch sử và bảo đảm tỷ lệ không, gian xanh, yêu cầu về cảnh quan, vệ sinh môi trường theo quy hoạch.
- Khu đô thị, khu dân cư tập trung phải đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường bao gồm:
+ Mạng lưới cấp, thoát nước, công trình vệ sinh nơi công cộng đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường; hệ thống thu gom, xử lý nước thải đồng bộ, phù hợp với quy hoạch đã được phê duyệt; trường hợp khu đô thị, khu dân cư tập trung đã hình thành trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành mà không bố trí được quỹ đất xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải thì thực hiện theo quy định tại điểm c khoản 5 Điều 86 của Luật này;
+ Thiết bị, phương tiện, địa điểm để phân loại tại nguồn, thu gom, lưu giữ chất thải rắn sinh hoạt phù hợp với lượng, loại chất thải phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân trong khu đô thị, khu dân cư tập trung;
+ Có diện tích cây xanh, mặt nước, không gian thoáng trong khu đô thị, khu dân cư tập trung theo quy định của pháp luật.
- Công viên, vườn hoa, cây xanh, mặt nước, đường giao thông công cộng, hệ sinh thái tự nhiên phải được bảo vệ, giữ gìn, tôn tạo, đáp ứng yêu cầu về mỹ quan, bảo vệ môi trường và không được lấn chiếm, san lấp, sử dụng sai mục đích.
- Khu dân cư, cụm dân cư phân tán phải có địa điểm lưu giữ tạm thời chất thải rắn sinh hoạt bảo đảm không gây ô nhiễm môi trường trước khi vận chuyển đến địa điểm xử lý theo quy định.
- Chủ dự án đầu tư khu đô thị, khu dân cư tập trung phải thực hiện yêu cầu về bảo vệ môi trường quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều này.
(2) Căn cứ khoản 1, khoản 2, khoản 4, khoản 5 Điều 86 Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định về thu gom, xử lý nước thải như sau:
- Đô thị, khu dân cư tập trung mới; cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp phải có hệ thống thu gom, xử lý nước thải riêng biệt với hệ thống thoát nước mưa, trừ trường hợp đặc thù do Chính phủ quy định.
- Quản lý nước thải đô thị, khu dân cư tập trung được quy định như sau:
+ Nước thải sinh hoạt phát sinh từ tổ chức, hộ gia đình phải được thu gom, đấu nối với hệ thống thu gom, xử lý nước thải;
+ Nước thải phát sinh từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong đô thị phải được thu gom, xử lý sơ bộ trước khi đấu nối vào hệ thống thu gom, xử lý nước thải đô thị; nước thải sau khi xử lý sơ bộ phải đáp ứng quy định của khu đô thị, khu dân cư tập trung hoặc quy định của chính quyền địa phương;
+ Nước thải phát sinh từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong đô thị chưa có công trình xử lý nước thải tập trung phải được thu gom, xử lý đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường trước khi thải vào nguồn tiếp nhận.
(3) Căn cứ Điều 4 Thông tư 15/2021/TT-BXD quy định về nguyên tắc quản lý, xây dựng công trình thu gom, thoát nước thải như sau:
- Đầu tư xây dựng các công trình thu gom, thoát nước thải đô thị và khu dân cư tập trung phải tuân thủ quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng, quy hoạch thoát nước thải đô thị (nếu có) theo từng lưu vực thoát nước.
- Việc xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo công trình thu gom, thoát nước thải phải đồng bộ, bảo đảm kết nối với các công trình trên mạng lưới thoát nước và xử lý nước thải; bảo đảm công suất để vận chuyển, xử lý lượng nước thải của khu vực, có dự phòng với khối lượng nước thải phát sinh và xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường theo quy định trước khi xả vào nguồn tiếp nhận. Khuyến khích sử dụng giải pháp thi công không đào hở cống thoát nước, đặc biệt tuyến cống cấp 1 trong đô thị có có mật độ giao thông cao.
- Đô thị, khu dân cư tập trung hiện hữu đã có mạng lưới thoát nước chung, Ủy ban nhân dân các cấp theo phân cấp quản lý có trách nhiệm lập, phê duyệt kế hoạch, lộ trình đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo, mở rộng thành hệ thống thoát nước riêng hoặc nửa riêng (xây dựng các giếng tràn nước mưa, các tuyến cống bao, cống gom để thu gom, vận chuyển nước thải về nhà máy xử lý nước thải tập trung).
- Đô thị, khu dân cư tập trung mới phải xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải riêng biệt với hệ thống thoát nước mưa để tổ chức đấu nối thu gom và vận chuyển nước thải, đáp ứng nhu cầu thoát nước trong khu vực, trừ trường hợp đặc thù do Chính phủ quy định.
Như vậy, căn cứ tại khoản 4 Điều 4 Thông tư 15/2021/TT-BXD thì khu dân cư tập trung, đô thị mới phải xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải riêng biệt với hệ thống thoát nước mưa để tổ chức đấu nối thu gom và vận chuyển nước thải, đáp ứng nhu cầu thoát nước trong khu vực.