Aa

Bài 12: Lâm Đồng: Lợi ích nhóm lên ngôi, năng lực quản lý xuống dốc?

Chủ Nhật, 19/12/2021 - 22:55

Chủ tịch tỉnh thừa nhận có lợi ích nhóm trong vấn nạn phân lô bán nền. Điều này cũng đặt ra nghi vấn về năng lực của quản lý của lãnh đạo, vì vấn đề này đã kéo dài nhiều năm chứ không phải một sớm một chiều.

Chưa yêu cầu báo cáo cụ thể nhiều vấn đề liên quan trực tiếp đến lợi ích nhóm?

Những ngày gần đây, khi cơn sốt xẻ đồi phân lô trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đang trở thành vấn đề nổi cộm, thu hút sự quan tâm của dư luận cả nước. Rất nhiều cơ quan báo chí đã vào cuộc phản ánh mặt trái của vấn đề.

Ngay cả Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp, tại kỳ họp HĐND tỉnh, ngày 8/12, cũng phải thừa nhận: "Trong đó có lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm, và có lợi ích cục bộ. Như chúng tôi đã nói, chúng tôi đã chuyển vụ việc cho cơ quan điều tra để xác minh, làm rõ".

Trước đó, ngày 7/12, UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành văn bản hoả tốc số 8910 /UBND-ĐC yêu cầu tổng hợp, báo cáo nội dung liên quan đến hiến đất làm đường giao thông mới, tách thửa trên địa bàn TP Bảo Lộc và huyện Bảo Lâm.

Theo đó, UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, để có đầy đủ thông tin phục vụ công tác kiểm tra, chỉ đạo chấn chỉnh, xử lý nội dung liên quan đến hiến đất làm đường giao thông mới, tách thửa trên địa bàn TP Bảo Lộc và huyện Bảo Lâm, UBND tỉnh giao UBND TP Bảo Lộc và huyện Bảo Lâm khẩn trương tổng hợp, báo cáo các nội dung liên quan đến việc hiến đất làm đường giao thông mới, tách thửa trên địa bàn quản lý từ thời điểm năm 2018 đến nay.

Trong đó, nêu rõ và chi tiết từng thửa đất khu đất (nhiều thửa đất) tại phần phụ lục một số nội dung. Điển hình như chủ sử dụng đất tách thửa; địa chỉ thửa đất khu đất tách thửa; diện tích thửa đất khu đất đề nghị tách thửa; diện tích đất hiến/trả lại làm đường giao thông mới (trường hợp hình thành đường giao thông mới); diện tích, chiều rộng, dài của đường hiện trạng giáp thửa đất khu đất để nghị tách thửa (nếu có); số thửa đất mới sau khi tách thửa (số đã cấp hoặc chưa cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất); diện tích tối thiểu, tối đa của thửa đất mới tách.

Bên cạnh đó là thông tin về quy hoạch sử dụng đất; thời điểm giải quyết đề nghị tách thửa; cơ quan cho phép tách thửa, hiến đất làm đường; hiện trạng sử dụng đất của thửa đất sau khi tách thửa (đã xây dựng nhà, công trình; chưa xây dựng ...); hiện trạng sử dụng đất của đường giao thông mới; đã hoặc chưa hoàn thành việc đầu tư hạ tầng dùng chung; tình hình thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước và các nội dung khác có liên quan.

Tỉnh Lâm Đồng chưa yêu cầu báo cáo cụ thể nhiều vấn đề liên quan trực tiếp đến lợi ích nhóm trong văn bản gần đây

Mặc dù tỉnh yêu cầu báo cáo khá nhiều nội dung, nhưng chưa làm rõ, mục đích xin hiến đất làm đường lúc đầu và thực tế triển khai có đúng không? Các con đường hình thành do hiến đất làm đường có đúng quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất của địa phương hay không? Từ thời điểm năm 2018 đến nay các địa phương có bao nhiêu lần điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất? Việc điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất tại các khu đất tách thửa có đúng quy trình không? Vốn đầu tư của chủ sử dụng đất tại các khu đất đã hiến đường và tách thửa là bao nhiêu? Việc chủ sử dụng đất chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong trường hợp này có đáp ứng điều kiện không phải thành lập doanh nghiệp kinh doanh bất động sản theo Nghị định 76/2015/NĐ-CP hay không?

Dấu hiệu bao che sai phạm, lợi ích nhóm ở Bảo Lộc, Bảo Lâm và Lâm Hà 

Ngày 2/12/2021, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Đặng Trí Dũng vừa ký văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh phối hợp, cung cấp, minh bạch thông tin cho báo chí, theo đúng quy định.

Văn bản cũng lưu ý, việc cung cấp thông tin phải căn cứ theo tôn chỉ mục đích, đảm bảo quyền được thông tin của cơ quan báo chí, đảm bảo các cơ quan báo chí hoạt động đúng pháp luật, kiên quyết không thực hiện hợp đồng truyền thông, quảng cáo khi có dấu hiệu lợi dụng danh nghĩa báo chí để sách nhiễu, trục lợi.

Chỉ đạo này được đưa ra trong bối cảnh Lâm Đồng đang là điểm nóng về việc phân lô bán nền, phá nát cảnh quan, đặc biệt là ở huyện Bảo Lâm, thành phố Bảo Lộc và huyện Lâm Hà. Hiện Thanh tra Bộ Xây dựng đã yêu cầu UBND tỉnh Lâm Đồng báo cáo về việc này. Trước đó, Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường đã vào thanh tra nhưng gần 8 tháng qua vẫn chưa công bố kết luận.

Quan điểm chỉ đạo của UBND tỉnh Lâm Đồng đã rõ, nhưng câu chuyện thực thi ở chính quyền cấp dưới lại theo kiểu “trên bảo dưới không nghe”. Cụ thể, ngày 1/11/2021, Reatimes đã gửi công văn (lần 2) đến UBND thành phố Bảo Lộc, UBND huyện Bảo Lâm và UBND huyện Lâm Hà để tìm hiểu về các khu đất được gắn mác dự án Mê Linh Garden Hill (huyện Lâm Hà), The Tropicana Garden (huyện Bảo Lâm), Farm Hill (huyện Bảo Lâm), La Melodie (thành phố Bảo Lộc), nhưng đến nay các cơ quan này vẫn chưa có phản hồi. Nếu tính thời gian Reatimes gửi công văn lần 1 đến UBND thành phố Bảo Lộc, UBND huyện Bảo Lâm và UBND huyện Lâm Hà, ngày 12/5/2020, thì đến nay đã gần 2 năm trôi qua nhưng thông tin vẫn bị bưng bít.

Thông tin về nhiều dự án "ma" mà báo chí đề nghị cung cấp thông tin vẫn bị thành phố Bảo Lộc, huyện Bảo Lâm và huyện Lâm Hà bưng bít

Lý do gì khiến UBND thành phố Bảo Lộc, UBND huyện Bảo Lâm và UBND huyện Lâm Hà bưng bít thông tin các dự án ma nói trên? Phải chăng ở đây có vấn đề “khó nói” liên quan đến “lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm, và có lợi ích cục bộ”, như Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp đã thừa nhận?

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top