UBND tỉnh Lâm Đồng vừa có văn bản gửi các sở, ngành liên quan và UBND TP. Đà Lạt về công tác quản lý, sử dụng quỹ biệt thự thuộc sở hữu nhà nước và đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở thương mại trên địa bàn TP. Đà Lạt.
Theo đó, UBND tỉnh Lâm Đồng giao Sở Xây dựng tỉnh chủ trì phối hợp với các sở, ngành liên quan và UBND TP. Đà Lạt rà soát, tập hợp hồ sơ, tài liệu kiến trúc, quy mô, diện tích xây dựng của các ngôi biệt thự để tổ chức phân loại, đánh giá cụ thể về giá trị kiến trúc, chất lượng công trình của từng biệt thự. Trên cơ sở đó, xây dựng lại quy định về bảo tồn, quản lý, sử dụng quỹ biệt thự thuộc sở hữu Nhà nước phù hợp với tình hình thực tế và các quy định của pháp luật, với nguyên tắc “bảo tồn để phát triển, phát triển để bảo tồn”, khai thác phù hợp và có hiệu quả quỹ đất hiện có. UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu các đơn vị liên quan khẩn trương thực hiện và báo cáo, đề xuất tỉnh trước ngày 30/11/2021.
Trước đó, Sở Xây dựng Lâm Đồng đã có báo cáo, đề xuất UBND tỉnh thay thế Quyết định số 47/2017/QĐ-UBND ngày 8/12/2017 của UBND tỉnh (gọi tắt là Quyết định 47) quy định về bảo tồn, quản lý, sử dụng quỹ biệt thự thuộc sở hữu Nhà nước trên địa bàn TP. Đà Lạt. Quyết định 47 đã phân loại quỹ biệt thự thuộc sở hữu Nhà nước trên địa bàn TP. Đà Lạt (162 biệt thự) thành 3 nhóm: Nhóm 1 có 5 biệt thự, nhóm 2 có 74 biệt thự và nhóm 3 có 83 biệt thự. Theo Sở Xây dựng Lâm Đồng, sau 4 năm thực hiện Quyết định 47 đã đạt được một số kết quả nhất định, góp phần vào việc giữ gìn, tôn tạo giá trị kiến trúc đặc thù trên địa bàn TP. Đà Lạt, được dư luận đồng tình, ủng hộ; đưa quỹ biệt thự vào sử dụng có hiệu quả, đúng mục đích kinh doanh dịch vụ, tạo thêm nguồn thu cho ngân sách. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện cũng bộc lộ một số khó khăn.
Đối với vấn đề phát triển nhà ở trên địa bàn TP. Đà Lạt, UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, quan điểm chung của việc phát triển nhà ở xã hội, nhà ở thương mại là: Trên cơ sở nhu cầu thực tế để di chuyển các hộ đang sống tại các biệt thự, đang sinh sống trên diện tích đất lâm nghiệp thuộc rừng nội ô, rừng cảnh quan thuộc TP. Đà Lạt và các đối tượng khác có nhu cầu về nhà ở. Việc phát triển nhà ở xã hội, nhà ở thương mại bố trí tại các khu vực vùng ven (cửa ngõ các trục đường chính ra vào thành phố) để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân lựa chọn. Huy động nguồn lực của Nhà nước, nguồn lực xã hội hoá để triển khai thực hiện đầu tư nhanh, đồng bộ, chất lượng, đủ số lượng… tạo sự đồng thuận, điều kiện tốt nhất cho người dân, góp phần sớm hoàn thiện việc chỉnh trang đô thị, cải tạo các biệt thự và phát triển thành phố hiện đại.
UBND tỉnh Lâm Đồng giao UBND TP. Đà Lạt rà soát, thống kê toàn bộ nhu cầu về nhà ở xã hội, nhà ở thương mại trên địa bàn, bao gồm: Các hộ dân trong các khu biệt thự thuộc sở hữu nhà nước; cán bộ, công chức, viên chức, người lao động chưa có nhà ở; các hộ dân đang ở trên đất quy hoạch lâm nghiệp; các hộ dân trong vùng thuộc diện phải giải phóng mặt bằng trong đô thị và sắp xếp lại dân cư theo quy hoạch… Từ đó, xác định cụ thể số lượng, nhu cầu, quy mô nhà ở và xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện.
Đồng thời, UBND TP. Đà Lạt xác định, lựa chọn các vị trí, diện tích đất ở vùng ven khu vực thành phố để thực hiện các thủ tục thu hồi đất, điều chỉnh quy hoạch (kể cả đất quy hoạch nông nghiệp hiện hữu). Trước mắt thực hiện các thủ tục điều chỉnh quy hoạch, thu hồi đất để triển khai việc đầu tư khu nhà ở xã hội tại cơ sở Trường Tiểu học phân hiệu Sào Nam; kêu gọi đầu tư khu nhà ở thương mại tại vị trí quy hoạch bến xe phường 11 (cũ) và Công ty Cổ phần xây lắp Bưu Điện ở phường 11 mà Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo tại thông báo 250/TB-UBND ngày 15/10/2021. UBND TP. Đà lạt báo cáo UBND tỉnh các nội dung nêu trên trước ngày 30/11/2021, để có ý kiến chỉ đạo tiếp theo./.