Aa

Làm đường "đắt nhất hành tinh" 3.000 tỷ/km: Ai được hưởng lợi?

Thứ Sáu, 16/06/2017 - 07:00

Hà Nội đề xuất làm đường “đắt nhất hành tinh” hơn 3.000 tỷ đồng/km, chi phí giải phóng mặt bằng rất cao nhưng ai sẽ được hưởng lợi từ con đường này?

Như Người Đưa Tin đã phản ánh, Hà Nội đang xin ý kiến làm đường đắt nhất hành tinh “trên 3.000 tỷ/1km”. Con đường “đắt nhất hành tinh này nằm trong dự án xây dựng đường vành đai 1, đoạn Hoàng Cầu – Voi Phục (Hà Nội) có chiều dài 2,274m với tổng kinh phí dự kiến gần 7.780 tỷ đồng.

Liên quan đến dự án này, nhiều chuyên gia cho rằng, việc tiếp tục đầu tư xây dựng khép kín toàn tuyến đường vành đai 1 là cần thiết nhằm phát huy hiệu quả tuyến đường, góp phần đáp ứng nhu cầu và giải tỏa ùn tắc giao thông ở khu vực trung tâm thành phố.

Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, TS. Phạm Sỹ Liêm - Phó Chủ tịch tổng hội Xây dựng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng, trước đây chúng ta đã từng có đường Kim Liên - Ô Chợ Dừa, nếu thực hiện nghiêm Luật Quy hoạch đô thị sẽ không còn những con đường “đắt nhất hành tinh” như thời gian qua.

Dự án đường vành đai 1 đoạn Hoàng Cầu – Voi Phục sẽ lập kỷ lục

Dự án đường vành đai 1 đoạn Hoàng Cầu – Voi Phục sẽ lập kỷ lục "con đường đắt nhất hành tinh"?

Trước thông tin Hà Nội đề xuất làm đường “đắt nhất hành tinh” 3.000 tỷ đồng/1km, TS.Phạm Sỹ Liêm nêu quan điểm: “Đã có quy hoạch, việc làm vẫn phải làm. Trước đây, chúng ta cũng từng làm con đường “đắt nhất hành tinh” Kim Liên- Ô Chợ Dừa, nên việc giá đường mới mà Hà Nội đề xuất 7.800 tỷ đồng cho 2,2 km đường vành đai Hoàng Cầu- Voi Phục cũng dễ hình dung được”.

Tuy nhiên, vị tiến sỹ này đặt câu hỏi đặt câu hỏi làm thế nào để có tiền làm đường? Làm ra con con đường phục vụ mục đích gì, cho ai? “Tôi đã từng nêu quan điểm của mình ngay từ khi con đường Kim Liên- Ô Chợ Dừa được đưa ra lấy ý kiến. Theo tôi, sở dĩ tiền làm đường đắt là do phần lớn số tiền chi cho công tác giải phóng mặt bằng. Nếu tiền đầu tư làm đường đắt là do "thổi giá" thì cần phải lên án. Tuy nhiên, tiền giải phóng mặt bằng là tiền đi vào dân. Ở đây, vấn đề mà dư luận quan tâm là tiền đền bù cho dân phải công bằng, minh bạch”, TS. Phạm Sỹ Liêm nói.

Theo TS.Phạm Sỹ Liêm, thực tế có nhiều dự án chi phí giải phóng mặt bằng rất cao, nhất là những dự án qua khu dân cư. Nguyên nhân do giá đất trong khu vực đó khi được cải thiện hạ tầng tăng lên gấp nhiều lần. Bất cập là tiền đền bù làm hạ tầng do Nhà nước chi trả, nhưng cái lợi do giá trị đất tăng, Nhà nước lại không được hưởng.

“Làm đường là để tăng cao giá trị đất đai hai bên đường chứ không phải chi số tiền “khủng” để đền bù nhưng lợi ích chỉ chủ đất đai hai bên đường được hưởng. Điều này gây nên tâm lý thiếu công bằng trong người dân. Để giải quyết những bất cập này, chính quyền địa phương cần thuê tư vấn chuyên nghiệp làm giải phóng mặt bằng có kinh nghiệm. Khi đã khoán gọn như vậy, đơn vị được thuê phải có trách nhiệm hoàn thành giải phóng mặt bằng hợp lý nhất”, TS. Phạm Sỹ Liêm nêu quan điểm.

Cũng theo TS. Phạm Sỹ Liêm, luật Quy hoạch đô thị đã quy định rõ, khi làm một con đường cần giải phóng cả hai bên mỗi bên tối thiểu 50 - 100m. Làm đường xong sẽ tái định cư dân tại chỗ nên sẽ tạo công bằng hơn và người dân sẽ đòi hỏi ít hơn. Nếu thừa đất sẽ đấu giá để có thể bù được phần nào tiền giải phóng mặt bằng. Như vậy chi phí đầu tư làm đường cũng rẻ đi.

“Chúng ta đang làm theo kiểu cốt cho xong. Anh làm đường chỉ biết làm đường còn phát triển hai bên đường là do anh khác lo. Trong khi đó, con đường đó phải được coi như một phần của dự án phát triển của một khu vực, có như vậy mới giải quyết căn cơ vấn đề”, TS.Liêm nhấn mạnh.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top