Tại hội thảo, nhiều vấn đề đã được đưa ra thảo luận như: Giải pháp để Đà Nẵng đạt được mục tiêu kép vừa là thành phố du lịch với nhiều trải nghiệm đa dạng, đẳng cấp, vừa xứng tầm là thành phố đáng sống, đáng đến, đáng để đầu tư với quy mô và tiện ích đẳng cấp quốc tế; cơ chế, chính sách để Đà Nẵng khai thác tối ưu lợi thế về vị trí địa lý, cơ sở hạ tầng, không gian phát triển, từ đó vượt lên danh xưng là thành phố đáng sống, trở thành nơi “đại bàng” làm tổ, nơi thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao; Kkông gian phát triển đô thị Đà Nẵng trong tầm nhìn phát triển chuỗi đô thị thông minh, kết nối đô thị Việt Nam và quốc tế giai đoạn 2030 - 2045…
Phát biểu tại hội thảo, ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cho biết, sau 25 năm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, Đà Nẵng đã có những bước phát triển vượt bậc, từng bước khẳng định vị thế của một đô thị hiện đại, văn minh và “đáng sống” tại khu vực miền Trung và cả nước.
“Đà Nẵng hoàn toàn có thể trở thành thành phố đáng sống của khu vực và thế giới, điều này phụ thuộc trước hết vào việc xây dựng chiến lược phát triển hạ tầng du lịch và hạ tầng đô thị xứng tầm. Đây vừa là cơ hội, vừa là thách thức mà thành phố cần tập trung giải quyết trong thời gian tới”, ông Hồ Kỳ Minh nhấn mạnh.
Những thành tựu đó đã được ghi nhận bằng nhiều danh hiệu, giải thưởng quốc gia, quốc tế uy tín và hơn hết là sự tăng trưởng ngoạn mục về số lượng du khách ghé thăm, doanh thu du lịch và hệ thống hạ tầng lưu trú của thành phố.
Cùng với đó, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cho rằng, đại dịch Covid-19 đã khiến ngành du lịch thành phố đối mặt với những khó khăn chưa từng có, hàng loạt hoạt động từ du lịch đến thương mại gần như tê liệt, chịu thiệt hại nặng nề.
Tuy nhiên, đại dịch cũng là khoảng lặng lớn để thành phố nhìn nhận lại kết quả đạt được, những điểm còn thiếu sót trong công tác phát triển hạ tầng đô thị, du lịch, cùng chiến lược xây dựng thương hiệu điểm đến cho Đà Nẵng. Lãnh đạo thành phố cũng suy nghĩ những bước đi, cách làm mới để đưa Đà Nẵng xứng danh thành phố đáng đến và đáng sống.
Tại sao Đà Nẵng là nơi đáng đến và đáng sống?
Theo PGS. TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, Đà Nẵng là thành phố đáng đến bởi vì các yếu tố như đẹp, lạ, tính nhân văn, khả năng đáp ứng các nhu cầu, kết nối thuận lợi. Cùng với đó, đây sẽ là nơi tận hưởng cuộc sống, để khám phá và trải nghiệm đối với du khách. Cùng với đó, Đà Nẵng là thành phố đáng sống bởi vì có thiên nhiên tốt đẹp, xã hội yên bình, con người thân thiện, đô thị thông minh, chính quyền tốt, môi trường kinh doanh lành mạnh…
Đà Nẵng có những thành tích định lượng hiếm thấy như: GRDP tăng 8 lần so với năm 2010, GRDP/người tăng 8,3 lần, từ 502 USD lên 4.171 USD; vị thế kinh tế quốc gia của Đà Nẵng (% GDP) tăng từ 1,22% lên 1,88%; số lượng doanh nghiệp (năm 2020) tăng 2,7 lần; số dự án FDI cấp mới và tăng thêm từ 2 dự án (năm 2000) lên 133 dự án; khách du lịch đạt gần 8,7 triệu người năm 2019. Đặc biệt, từ năm 2016 - 2021, Đà Nẵng có 7 năm xếp thứ nhất về chỉ số PCI (chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh), 3 năm xếp thứ hai, 1 năm xếp thứ tư, 4 năm xếp thứ năm và chỉ 1 năm (2012) xếp thứ mười hai.
Về vấn đề thu hút đầu tư, PGS. TS. Trần Đình Thiên nêu vấn đề, Đà Nẵng làm được vì cái gì và tới đây làm được phải dựa vào cái gì? Chính là nhờ những "đại bàng" đến để định hình cho sự phát triển cho thành phố. Việc "đại bàng" đến cùng với lực lượng doanh nghiệp cả nước, Đà Nẵng dứt khoát bay lên. Bên cạnh đó, cần có cơ chế để giúp người giàu và thay đổi quan điểm về người giàu. Việc giúp đỡ người giàu thông qua các chính sách, sự đồng hành từ chính quyền để người giàu làm giàu và quay lại giúp đỡ người nghèo bằng cách tạo công ăn việc làm, tạo ra giá trị cho xã hội.
Bà Huỳnh Liên Phương, Giám đốc Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư TP. Đà Nẵng cho rằng, hơn 10 năm qua, Đà Nẵng luôn được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao về môi trường đầu tư cạnh tranh, minh bạch trong hầu hết các lĩnh vực. Nên trong thời gian tới, đầu tư của Đà Nẵng sẽ càng sáng hơn, nhiều nhà đầu tư quan tâm đến các dự án lớn, khác biệt, đẳng cấp. Đà Nẵng đã đề xuất Chính phủ cho cơ chế đặc biệt để xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế tầm cỡ khu vực, cùng với đề án chính sách phát triển trung tâm du thuyền quốc tế tại Đà Nẵng.
Cần hình thành hệ sinh thái du lịch phục vụ giới siêu giàu
Theo TS. Lương Hoài Nam, Thành viên Hội đồng tư vấn Du lịch, 1 du khách nhà giàu chi tiêu bằng hàng trăm khách bình thường, trong khi đó Việt Nam chưa có hệ sinh thái du lịch dành cho giới siêu giàu. Ví dụ như cả nước không có một chiếc trực thăng VIP, trực thăng y tế… những dịch vụ đáp ứng nhu cầu của giới siêu giàu. TS. Lương Hoài Nam kiến nghị cần sớm mở rộng sân bay Đà Nẵng về phía Đông và xây dựng nhà ga mang đẳng cấp thế giới, có nhà ga phục vụ máy bay VIP của giới siêu giàu, đưa sân bay Đà Nẵng trở thành điểm đến hấp dẫn của thế giới.
Cũng theo ông Nam, trước đại dịch Covid-19, cứ hai tuần ngành du lịch Việt Nam kiếm được 1 tỷ USD từ khách quốc tế, hiếm có ngành nào có doanh thu khủng như vậy. Đà Nẵng đang xác định rất đúng là đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Tuy nhiên, Đà Nẵng đã rất cẩn trọng trong việc phòng chống dịch nên đã mở cửa chậm hơn các địa phương khác. Nhưng hiện nay khách nội địa đến Đà Nẵng đã đông trở lại. Với các hoạt động xúc tiến vừa qua của thành phố và các doanh nghiệp hứa hẹn thời gian tới Đà Nẵng sẽ phục hồi nhanh hơn.
Cùng chung quan điểm Đà Nẵng cần hình thành hệ sinh thái phục vụ giới siêu giàu, KTS. Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển Đô thị Việt Nam cho rằng Đà Nẵng cần lưu ý nhu cầu của giới thượng lưu là phải có bến du thuyền. Trong khi đó, Cảng Tiên Sa hoàn toàn có thể đáp ứng được yêu cầu này và sẽ là tiền đề để đi sâu vào trong sông Hàn. Bên cạnh đó, cần xây dựng Đà Nẵng thành đô thị đáng sống không chỉ cho người Việt Nam mà còn cho cả doanh nhân, tỷ phú trên thế giới với những biệt thự đẳng cấp, bến du thuyền…