Aa

Làm gì để ngăn chặn tham nhũng, lạm quyền?

Thứ Hai, 28/05/2018 - 21:01

Trước câu hỏi, quyền lực tập trung vào UBQL Đặc khu kinh tế sẽ có thể xảy ra tình trạng tham nhũng hay lạm quyền, bà Liu Rongxin khẳng định: “Nếu quyền lực tập trung thì sẽ xảy ra những điều không tốt như tham nhũng. Để giải quyết vấn đề này, Trung Quốc đã thành lập một Ủy ban giám sát riêng về quyền lực và các quyết sách của đặc khu”.

Giấc mơ về các đặc khu kinh tế (Special Economic Zones – SEZ) của Việt Nam đang sớm trở thành hiện thực khi chỉ thời gian chỉ còn đếm theo từng ngày, từng tháng. Mọi kỳ vọng và chú ý đều hướng về phiên họp toàn thể Quốc hội đang diễn ra.

GS. Võ Đại Lược, người viết đề án đặc khu Bắc Vân Phong từng nhiều lần nhấn mạnh, điều quan trọng nhất khi xây dựng đặc khu kinh tế là phải có một khung thể chế, chính sách hiện đại, tương thích với các nhà đầu tư muốn kêu gọi. Ông cho rằng: “Xây dựng đặc khu kinh tế, muốn gọi chim phượng hoàng mà làm tổ như chim sẻ thì không được!”

Có thể nói, một trong nhân tố cấu thành nên sự thành công của đặc khu kinh tế chính là một khung thể chế chính quyền hiện đại. Kể từ thời điểm dự thảo về Luật đơn vị hành chính đặc biệt được công bố, vấn đề về thể chế chính quyền đã nhận được nhiều đóng góp ý kiến từ các học giả và mong muốn của doanh nghiệp.

Từ kinh nghiệm của quốc tế…

Tại Hội thảo “Hội thảo “Đặc khu - thể chế, chính sách và kỳ vọng thành công", bà Liu Rongxin, Chuyên gia cao cấp Viện Nghiên cứu Phát triển Trung Quốc đã có những chia sẻ về mô hình thể chế đặc khu kinh tế.

Theo bà, mô hình thể chế là nhiệm vụ trọng tâm và hàng đầu trong quá trình xây dựng đặc khu. Ở giai đoạn bắt đầu xây dựng, Trung Quốc xác định mô hình chính quyền TW quản lý vĩ mô còn ban quản lý đặc khu sẽ trực tiếp vận hành bộ máy.

Bà Liu Rongxin chia sẻ, cấp chính quyền TW đưa ra lộ trình phát triển của các đặc khu kinh tế ngay từ đầu, điều này giúp các đơn vị, cơ quan thẩm quyền ở phía dưới có kế hoạch triển khai thực hiện. Với mô hình này, sự xuất hiện của mô hình đặc khu kinh tế mới sẽ không rơi vào trình trạng làm xáo trộn cơ cấu quản lý truyền thống ở các tỉnh.

“Tôi lấy ví dụ cụ thể là đặc khu Tiền Hải nằm trong đặc khu kinh tế Thâm Quyến. Đây là một đặc khu thế hệ mới, có quyền hạn ngang với quyền hạn của TP. Thâm Quyền mặc dù nó thuộc đặc quyền của TP. Thâm Quyền” - bà Liu Rongxin nói.

Trước câu hỏi được đặt ra là khi quyền lực tập trung vào UBQL Đặc khu kinh tế sẽ có thể xảy ra tình trạng tham nhũng hay lạm quyền, bà Liu Rongxin khẳng định: “Nếu quyền lực tập trung thì sẽ xảy ra những điều không tốt như tham nhũng. Để giải quyết vấn đề này, Trung Quốc đã thành lập một Ủy ban giám sát riêng về quyền lực và các quyết sách của đặc khu”.

Nói về tiêu chí để xây dựng một bộ máy chính quyền, bà Liu Rongxin cho rằng, vấn đề cần đặt ra cho bộ máy chính quyền tại đây là cần phải tinh giảm, linh hoạt để tạo điều kiện cho nhà đầu tư phát triển khả năng kinh doanh. Nếu nhà đầu tư phải trải qua quá nhiều bộ ngành để xin giấy tờ thì sẽ hạn chế năng lực đầu tư trong khi đó mục đích của các đặc khu kinh tế là hút vốn vào.

Minh họa cho chủ trương này, nữ chuyên gia kinh tế nói: “Ở đặc khu Tiền Hải hiện nay, cơ chế hoạt động là xây dựng cơ quan pháp định cao hơn doanh nghiệp, thấp hơn chính quyền địa phương. Cơ quan này có quyền tìm người tài và trả một mức lương cao hơn so với quy định của Nhà nước. Tôi nhấn mạnh lại một lần nữa, trong quản lý về đặc khu kinh tế chúng ta có sự kết hợp giữa nhà nước và yếu tố thị trường, cần có sự kết hợp để nâng cao hiệu quả quản lý để xây dựng được mô hình đặc khu kinh tế thành công”.

…đến đặc khu kinh tế Việt Nam

Việc xây dựng chính quyền đặc khu kinh tế tại Việt Nam đã và đang trong quá trình hoàn thiện sau những sự đóng góp ý kiến từ các chuyên gia trong và ngooài nước. Xét vào tình hình đặc thù tại Việt Nam, GS.TS. Trần Ngọc Đường, Nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, đặc khu kinh tế cần thiết phải có một chính quyền đặc biệt, có thẩm quyền đặc biệt.

Theo ông, “nếu có hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân thì cần phải có sự phân biệt về quyền hạn, nhiệm vụ của hai cơ quan này. Cần xem xét và điều chỉnh, xem đâu là cái cần thiết phải làm. Chủ tịch UBND đặc khu kinh tế phải được giao quyền lực để quyết định nhưng cũng cần phải kiểm soát quyền lực để đảm bảo quyền lực không bị tha hóa. Tuy nhiên, nếu muốn kiểm soát quyền lực thì cần phải có một cơ chế kiểm soát chặt chẽ. Vừa để nhà nước kiểm sóat nhưng phải vừa tạo điều kiện cho người đứng đầu quyết định. Theo tôi, cũng không nên lo lắng việc lãnh đạo UBND tỉnh là trưởng đặc khu”.

Đại diện chính quyền có đặc khu kinh tế, ông Huỳnh Văn Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cho hay: “Phú Quốc là một trong các địa phương nổi trội hơn các đặc khu khác khi có tới 273 dự án từ các nhà đầu tư với nguồn vốn 16 tỷ đô la. Nhà đầu tư đến Phú Quốc kỳ vọng lớn nhưng lại gặp rất nhiều khó khăn nhất là về thủ tục hành chính”.

Theo ông Hưng, hiện tại để hoàn thiện giấy tờ, chủ đầu tư thường phải đi qua khâu, ban quản lý kinh tế của tỉnh, của huyện Phú Quốc và ban quản lý đặc khu kinh tế Phú Quốc. Nhà đầu tư phải liên hệ với các sở, ngành của tỉnh như sở kế hoạch và môi trường, sở xây dựng,… Trước thực trạng đó, vị lãnh đảo tỉnh Kiên Giang nhấn mạnh: “Nếu luật ban hành thì cần có một cơ chế, thể chế, chính sách đặc thù để tạo điều kiện tốt hơn cho nhà đầu tư. Tôi nghĩ luật lần này phải ban hành cụ thể chi tiết, rõ ràng. Sau này chúng tôi thực hiện cũng phải xin ý kiến nhiều bên. Trước chúng ta phải đi nhiều cửa thì bây giờ chỉ cần một chính quyền đặc khu quyết định. Điều này đồng nghĩa với việc nên hợp nhất thẩm quyền cho bản quản lý kinh tế Phú Quốc”.

(Ảnh: Đỗ Linh)

(Ảnh: Đỗ Linh)

Trên góc độ của một doanh nghiệp có vốn đầu tư “khủng” tại các đặc khu kinh tế, ông Trần Đạo Đức, Phó tổng giám đốc Tập đoàn CEO nhấn mạnh, chỉ cần thủ tục nhanh gọn thì bất kỳ nhà đầu tư nào cũng hào hứng tham gia.

Ông nói: “Thực tế, chủ tịch đặc khu sẽ được giao rất nhiều quyền và rất nhiều việc. Về phía nhà đầu tư, tôi mạnh dạn đề xuất mô hình quản lý công ty, cho phép nhà đầu tư lớn có những khu tương đối tách biệt, như 1 khu tổ hợp du lịch được hưởng các cơ chế nhanh gọn. Theo đó, kế hoạch mà nhà đầu tư lớn đề ra sau khi được duyệt thì nhà đầu tư thứ phát (do nhà đầu tư lớn quản lý) sẽ xây dựng theo kế hoạch định sẵn.

Như vậy, chỉ cần thông qua một nhà phát triển, một đầu mối, chính quyền đặc khu có thể quản lý được toàn bộ các nhà đầu tư nhỏ lẻ, đảm bảo và tuân thủ các quy định đã đề ra. Với cách thức này, chính quyền địa phương có thể tập trung hơn vào các đặc khu, xử lý các yêu cầu về đặc khu nhanh chóng hơn. Với mô hình giao quyền cho trưởng đặc khu thì nhà đầu tư sẽ dễ dàng xử lý nhanh chóng các đầu công việc”.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top