Như Reatimes phân tích trong bài viết Mắt xích quan trọng kết nối "tam giác vàng" Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, việc thông tuyến cao tốc Hạ Long – Hải Phòng là một mắt xích quan trọng, thúc đẩy sự liên kết vùng mạnh mẽ giữa khu vực “tam giác vàng” bất động sản nghỉ dưỡng: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh. Đây là những địa phương giàu tiềm năng phát triển bất động sản nghỉ dưỡng, là những “thỏi nam châm” hút khách du lịch, được các nhà đầu tư “chọn mặt gửi vàng”. Tuy nhiên, do thiếu sự liên kết vùng nên khu vực này trước đây đang phát triển một cách tự phát với những cung cầu hoàn toàn khác biệt, dẫn đến tiềm năng chưa được khai thác có hiệu quả.
Việc thông tuyến cao tốc Hạ Long – Hải Phòng là một mắt xích quan trọng, thúc đẩy sự liên kết vùng mạnh mẽ giữa khu vực “tam giác vàng” bất động sản nghỉ dưỡng: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh. Tuy nhiên theo ông Nguyễn Ngọc Thành, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, sự hoàn thiện về hạ tầng giao thông mới là bước đầu, còn rất nhiều việc phải làm để tăng cường sự liên kết giữa các vùng nhằm khai thác những lợi thế tiềm năng vốn có.
PV: Miền Bắc có một vùng “tam giác vàng” bất động sản nghỉ dưỡng rất giàu tiềm năng là Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, nhưng thị trường này vẫn được đánh giá là kém sôi động hơn thị trường khu vực phía Nam. Theo ông Nguyễn Ngọc Thành, vì sao lại có sự chênh lệch này?
Ông Nguyễn Ngọc Thành: Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự chênh lệch giữa thị trường bất động sản nghỉ dưỡng phía Bắc và phía Nam. Tuy nhiên, yếu tố có tác động lớn nhất phải kể đến đầu tiên là liên kết vùng.
Trước hết, phải khẳng định, tiềm năng của khu vực tam giác Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh là cực kỳ lớn, có thể nói là lớn hơn cả khu vực phía Nam. Thủ đô Hà Nội là cái nôi của văn hóa, lịch sử, đồng thời, cũng được ban tặng nhiều cảnh quan thiên nhiên hấp dẫn. Còn Hải Phòng, Quảng Ninh - “đáy” của “tam giác vàng” - được nối liền bằng hệ thống biển đảo, vùng vịnh và những kỳ quan thiên nhiên được thế giới công nhận. Từ biển Đồ Sơn, quần đảo Cát Bà đến Vịnh Hạ Long, thương cảng Vân Đồn… tất cả đều là những tiềm lực tự nhiên rất hấp dẫn khách du lịch. Hai điểm này kết hợp với Thủ đô Hà Nội nghìn năm văn hiến đã tạo nên một vùng tam giác quá hoàn hảo để có thể khai thác, phát triển bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, trên thực tế lại chưa có sự tương tác, liên kết chặt chẽ về mặt du lịch giữa 3 địa phương này. Tất cả đều chỉ phát triển cục bộ, rời rạc theo kiểu “mạnh ai người nấy làm” chứ không có sự kết hợp, hỗ trợ lẫn nhau để cùng phát triển và khai thác một cách tối đa các tiềm năng.
Nguyên nhân thứ hai xuất phát từ yếu tố địa lý, du lịch miền Bắc còn bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi thời tiết trong năm, với bốn mùa đặc trưng, tạo nên tính mùa vụ trong phát triển du lịch. Thực tế, chúng ta mới có những điều kiện hạ tầng để phát triển bất động sản nghỉ dưỡng cho mùa xuân, mùa hè còn các khoảng thời gian khác trong năm chúng ta bỏ ngỏ, chưa khai thác.
Chính sự thiếu liên kết vùng du lịch và tính chất khắc nghiệt của khí hậu, thời tiết đã tác động không nhỏ tới tâm lý của người tiêu dùng hay nói cách khác là khách du lịch. Họ đang có xu hướng lựa chọn du lịch miền Nam hơn miền Bắc bởi chất lượng dịch vụ cũng như sự thuận tiện.
PV: Vâng, chính sự thiếu liên kết vùng là nguyên nhân dẫn đến thị trường bất động sản nghỉ dưỡng ở khu vực tam giác tăng trưởng: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh chưa phát huy được hết nội lực. Vậy theo chuyên gia, điều gì đang càn trở sự liên kết vùng tại khu vực này là gì?
Ông Nguyễn Ngọc Thành: Có thể nhấn mạnh lại rằng, chúng ta chưa khai thác có hiệu quả các tiềm năng sẵn có của khu vực tam giác này bởi thiếu sự liên kết giữa các vùng còn nhiều hạn chế.
Thứ nhất, do hệ thống hạ tầng giao thông, kết nối các địa phương với nhau trước đây chưa được hoàn chỉnh nên việc di chuyển đến từng địa phương chưa có sự thuận lợi nhất. Mặc dù khoảng cách địa lý không xa nhưng giao thông không được thuận tiện sẽ làm mất nhiều thời gian của khách du lịch, do đó không thu hút được khách du lịch tiềm năng. Mà không hút được khách du lịch thì tất nhiên các yếu tố về bất động sản nghỉ dưỡng cũng bị “chìm” theo, không cạnh tranh được.
Thứ hai, hiện tại chúng ta chưa có những hạ tầng, những sản phẩm chung cho cả ba khu vực mà còn đang phát triển rất cục bộ, địa phương nào phát triển cho địa phương đó. Ví dụ như Hải Phòng có cảng biển thì tính hỗ trợ của cảng cho phát triển kinh tế du lịch của vùng này như thế nào, tạo sự liên kết vùng ra sao? Còn Hà Nội không có biển thì Hải Phòng, Quảng Ninh hỗ trợ Hà Nội như thế nào? Sự thật là chúng ta vẫn chỉ nhìn thấy sự phát triển của từng địa phương, chứ chưa nhìn thấy sự phối hợp, hỗ trợ để tạo ra những sản phẩm chung của cực tăng trưởng này.
Sự kết nối giữa các “đỉnh” của vùng tam giác này chưa hiện hữu trong thực tế. Chúng ta chưa xây dựng được hạ tầng nghỉ dưỡng như những tuyến du lịch kết nối giữa ba vùng với nhau nhằm chinh phục được đông đảo khách du lịch trong nước và quốc tế. Hiện tại, khách đến Hà Nội chỉ dừng ở Hà Nội hoặc đi nơi khác, hoặc người ta sẽ đến thẳng Hải Phòng và Quảng Ninh cũng vậy.
Những hạn chế do hạ tầng giao thông và hạ tầng nghỉ dưỡng đã dẫn đến sự liên kết của ba điểm Hà Nội, Hải Phòng và Hạ Long cũng đang bị rời rạc.
Thứ ba, như đã nói ở trên, du lịch miền Bắc còn bị chi phối bởi sự thay đổi thời tiết, khí hậu. Hiện tại chúng ta chưa có những công trình, sản phẩm bất động sản du lịch nghỉ dưỡng có thể phù hợp với cả 4 mùa. Các nhà đầu tư chưa có một tầm nhìn chiến lược để khai thác,đầu tư các sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng có thể đảm bảo cả trong điều kiện có sự thay đổi về thời tiết. Chính điều này cũng là trở ngại lớn đối với việc liên kết bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng vùng.
PV: Vậy thì việc thông tuyến cao tốc Hạ Long – Hải Phòng sẽ góp phần khắc phục những hạn chế nói trên như thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Ngọc Thành: Tôi cho rằng tuyến cao tốc Hạ Long – Hải Phòng là một điểm nối mang tầm chiến lược cho sự tăng trưởng bất động sản du lịch nghỉ dưỡng của vùng tam giác Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh. Chúng ta có thể thấy ngay được sự liên thông, rút ngắn thời gian, đảm bảo cho việc di chuyển từ Hà Nội đến đến Quảng Ninh được nhanh chóng và thông suốt.
Do đó, dự án cao tốc này theo đánh giá của tôi là một mắt xích kết nối rất hiệu quả các địa phương trong khu vực phía Bắc nhất là vùng tam giác. Với những giá trị mà hệ thống cao tốc này đem lại, các nhà đầu tư sẽ xác định được mục tiêu để phát triển bất động sản du lịch nghỉ dưỡng rõ rệt hơn, khai thác tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên ở các vùng ven biển của Hải Phòng và Quảng Ninh tốt hơn.
PV: Để nâng cao hiệu quả liên kết vùng trong việc phát triển bất động sản du lịch nghỉ dưỡng, ngoài việc hoàn chỉnh hạ tầng giao thông, còn yếu tố nào khác, thưa chuyên gia?
Ông Nguyễn Ngọc Thành: Sự hoàn thiện về hạ tầng giao thông mới là bước đầu, còn rất nhiều việc phải làm để tăng cường sự liên kết giữa các vùng nhằm khai thác những lợi thế tiềm năng vốn có. Ví dụ, phải có chính sách tốt, thu hút đầu tư vào khu vực này để nâng chất lượng khai thác bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng. Đồng thời, cần đầu tư, phát triển một hệ thống hạ tầng lưu trú và các tiện ích khác theo tuyến du lịch từ Hà Nội đến Quảng Ninh. Phải nâng cao các sản phẩm nghỉ dưỡng thì mới có thể thu hút khách du lịch, tạo ra dòng tiền mới.
Các nhà đầu tư nên chú ý đến việc khắc phục những hạn chế của thời tiết, khai thác tiềm năng của cả 4 mùa. Vấn đề này, thế giới đang làm rất tốt, trong khi đó, ở nước ta, du lịch vào mùa đông rất vắng khách. Đồng thời, chú trọng vào các sản phẩm nghỉ dưỡng chung mang tính liên kết, nhằm khắc phục điểm yếu của từng địa phương, khai thác triệt để những tiềm năng có sẵn.
Bên cạnh đó, chúng ta phải đầu tư và nâng cao chất lượng phương tiện giao thông. Đường giao thông được kết nối thì phương tiện giao thông cũng cần phải đảm bảo để phục vụ khách hàng tốt nhất. Hiện nay, chất lượng phương tiện ở cả đường bộ, đường biển của chúng ta vẫn thấp và chưa có sự đa dạng. Đặc biệt, nếu muốn khai thác được những thắng cảnh trên Vịnh Hạ Long, vùng ven biển thì phải có những con tàu tốt và đẹp mắt, tuy nhiên, hiện tại chưa có nhiều.
Chưa hết, việc tăng cường các công trình tiện ích cho hạ tầng du lịch phải đi đôi với việc nâng cao kĩ năng phục vụ cho công tác du lịch thì mới khai thác tốt được các sản phẩm bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng. Chúng ta phải đầu tư theo tuyến để tạo nên được những chuyến du lịch đầy màu sắc cho du khách. Để làm tốt điều này, các nhà đầu tư cần có quy hoạch, định hướng cụ thể để có những dự án khai thác tốt nhất tiềm năng của cả 3 vùng.
PV: Nếu làm tốt được các yếu tố nói trên thì trong tương lai, thị trường bất động sản du lịch nghỉ dưỡng ở khu vực tam giác này sẽ có sự thay đổi cục diện ra sao thưa ông?
Ông Nguyễn Ngọc Thành: Nếu chúng ta làm tốt thì thị trường bất động sản ở khu vực này nhất định sẽ có sự bứt phá trong thời gian tới. Bởi tiềm năng bất động sản du lịch miền Bắc đa dạng và phong phú hơn so với phía Nam. Sự phân biệt 4 mùa rõ rệt vừa là thách thức nhưng cũng là cơ hội lớn để phát triển nếu như biết cách đầu tư. Chúng ta sẽ có được những kì nghỉ của mùa đông, mùa hè mà miền Nam không thể có.
Hơn thế nữa, nếu có sự liên kết chặt chẽ giữa Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh với sự đầu tư đúng, khai thác có hiệu quả thì nhất định sẽ tạo được bước đột phá, thậm chí làm thay đổi cục diện. Bởi sự đa dạng phong phú về tiềm năng phát triển bất động sản du lịch nghỉ dưỡng bao giờ cũng ẩn chứa trong đó khả năng thu hút khách du lịch và nhà đầu tư.
Trân trọng cảm ơn ông!