Aa

Làm gì khi “gạo đã chín thành cơm” mới phát hiện ra “có sạn”?

Lục Bình
Lục Bình lienlien.media@gmail.com
Thứ Hai, 07/01/2019 - 06:00

Khi một dự án đang được đầu tư, triển khai một cách bài bản bỗng nhiên bị thu hồi vì phát hiện ra sai phạm trong quá trình giao đất hoặc mua bán, chuyển nhượng thì thiệt hại đối với doanh nghiệp, theo đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường là “không thể bù đắp nổi”. Vậy làm sao để hạn chế hậu quả của việc doanh nghiệp sẽ có thể “ăn phải sạn” khi “nồi cơm” đã được “nấu chín”?

Thiệt hại “không thể bù đắp nổi”

Năm 2019, Thanh tra Bộ Xây dựng sẽ triển khai 90 cuộc thanh tra trên các lĩnh vực: Quy hoạch và quản lý quy hoạch; các công trình, dự án giao thông; nông nghiệp và phát triển nông thôn; các công trình dân dụng công nghiệp; hạ tầng kỹ thuật; vật liệu xây dựng; hoạt động kinh doanh bất động sản…

Theo đó, nhiều doanh nghiệp bất động sản sẽ nằm trong kế hoạch thanh tra của Bộ Xây dựng. Quyết tâm của Chính phủ trong việc chống tham nhũng đất đai, tài sản công có lẽ đang lên đến đỉnh điểm khi thời gian gần đây, một loạt các vụ tham nhũng đất đai, làm thất thoát tài sản nhà nước bị phanh phui.

Tuy nhiên, những “phát súng” đầu tiên trong quá trình thanh tra, “hồi tố” sai phạm đã cho thấy việc xử lý hậu quả sau “hồi tố” thực sự không phải là điều dễ dàng nếu không muốn nói là “rất phức tạp”.

Bằng chứng là những doanh nghiệp đã và đang rơi vào tầm ngắm bị thanh tra và sau đó phát hiện ra có sai phạm đang như “ngồi trên đống lửa”. Trót mua phải một dự án đã vướng vòng lao lý, mặc dù lỗi không phải của doanh nghiệp mà do sự buông lỏng quản lý và tắc trách của một bộ phận cán bộ nhà nước nhưng việc doanh nghiệp phải gánh chịu thiệt hại lớn là không thể tránh khỏi.

Khu đất 8-12 Lê Duẩn từng vướng vào tầm ngắm thu hồi vào đầu tháng 12/2018 do phát hiện sai phạm trong quá trình giao đất.

Khu đất 8 - 12 Lê Duẩn (TP.HCM) từng vướng vào tầm ngắm thu hồi vào đầu tháng 12/2018 do phát hiện sai phạm trong quá trình giao đất.

“Đất đai thuộc tài sản công nhưng những cơ quan nhà nước khi thực hiện chuyển giao, bán cho các doanh nghiệp làm các dự án không đúng quy định và trình tự thủ tục pháp luật, khi thanh tra, phát hiện sai phạm thì về nguyên tắc là phải thu hồi lại các dự án đó. Lý do phải thu hồi là vì việc bán tài sản công này có các quy định của pháp luật về trình tự, thủ tục, thẩm quyền. Nguyên tắc bán tài sản công là phải qua đấu giá và xác định đúng giá trị của thị trường. Nếu như tuân thủ đúng trình tự, thủ tục, nguyên tắc quy định của pháp luật thì đương nhiên không thể nào thanh tra kết luận là phải thu hồi được và ngược lại, nếu đã thanh tra và phát hiện ra sai sót thì phải xử lý. Về mặt nguyên tắc, kết luận thanh tra yêu cầu phải thu hồi là đúng và có căn cứ pháp lý. Tuy nhiên, nếu thu hồi theo thanh tra thì hậu quả để lại sẽ rất nghiêm trọng”, đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho biết.

Ông Cường phân tích, trong trường hợp doanh nghiệp mua đất hoặc được giao đất nhưng chưa đầu tư, chưa sử dụng thì thiệt hại đối với doanh nghiệp sẽ ít hơn, nhưng đáng bàn ở chỗ "người ta phải huy động tiền để mua quyền sử dụng đất, khi bị thu hồi ắt sẽ mất cơ hội đầu tư kinh doanh. Do đó, dù có được bồi hoàn lại số tiền đã bỏ ra mua đất thì vẫn bị thiệt hại”.

"Nhưng trường hợp đó vẫn còn dễ xử lý. Câu chuyện sẽ trở nên rất phức tạp nếu doanh nghiệp đã huy động mọi nguồn lực, thậm chí cả vay ngân hàng để triển khai dự án. Hơn thế nữa là việc đã hình thành sản phẩm và bán cho người tiêu dùng nhưng sau đó mới phát hiện ra sai phạm trong khâu giao đất, chuyển nhượng. “Rõ ràng, đây là lỗi của chính quyền và cán bộ sai phạm đó phải bị xử lý theo pháp luật, thậm chí là xử lý hình sự. Doanh nghiệp nếu tham gia vào việc mua bán tài sản phi pháp, không đúng trình tự thủ tục thì cũng phải chấp nhận bị thu hồi. Nhưng hậu quả của nó là không thể bù đắp nổi. Doanh nghiệp có thể mất trắng nếu đã dốc cả tài sản  vào dự án đó. Trong trường hợp doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào thì cũng phải chịu rủi ro. Cho nên việc “gạo đã nấu thành cơm” mới phát hiện có sạn ắt ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường đầu tư kinh doanh cũng như số phận của doanh nghiệp, thậm chí ảnh hưởng đến người dân và kinh tế, xã hội của đất nước”, đại biểu Hoàng Văn Cường nhấn mạnh.

Nên giải quyết ra sao?

Theo đại biểu quốc hội Hoàng Văn Cường, việc thanh tra là rất cần thiết và nếu phát hiện ra sai phạm thì buộc phải xử lý. Nhưng việc xử lý phải tùy từng trường hợp cụ thể mà cân nhắc hướng xử lý để làm sao giảm thiểu một cách tối đa hậu quả của sai phạm.

Theo đó, những dự án mà doanh nghiệp triển khai đúng quyết định được giao, nếu thành phố giao đất với giá thấp quá, doanh nghiệp có thể đóng thêm tiền số tiền chênh lệch khi mua dự án hoặc làm sao đảm bảo lợi ích kinh tế của nhà nước thì tiếp tục cho triển khai tiếp. Không dừng dự án nếu không vi phạm về quy hoạch, để tiền vốn của người dân góp vào đó không mất đi. “Khi phát hiện ra sai phạm nhưng chỉ vì không thực hiện đấu giá làm giá giao cho doanh nghiệp thấp hơn với giá thị trường, chỉ đơn thuần làm thiệt hại về lợi ích kinh tế của nhà nước thì có thể cân nhắc việc có nên cho tiếp tục triển khai hay không để giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp, tạo điều kiện cho các dự án phù hợp với quy hoạch hoàn thành đầu tư xây dựng, đảm bảo lợi ích của Nhà nước, người dân và lợi ích chính đáng của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ nộp bổ sung vào ngân sách nếu có. Trường hợp doanh nghiệp có những vi phạm khác thì sẽ xem xét, xử lý sau theo đúng quy định của pháp luật. Còn cán bộ sai phạm thì phải xử lý hình sự”, ông Cường nêu vấn đề.

Trường hợp ngược lại, “nếu như buộc lòng phải thu hồi dự án này bởi vì dự án chuyển giao sai, hay đầu tư sai quy hoạch, vị trí đó, khu vực đó không thể hay không được phép làm dự án đó và không thể điều chỉnh quy hoạch thì phải đền bù xứng đáng cho doanh nghiệp”, đại biểu Hoàng Văn Cường cho biết.

Đại biểu quốc hội Hoàng Văn Cường.

Bên cạnh đó, ông Cường góp ý, nếu dự án là nhà ở đã hoàn thiện và mang lại giá trị cho xã hội thì nên cân nhắc việc sử dụng nó bằng cách chấp nhận việc bán cho người dân. Đối với người mua nhà đã giao kết và thực hiện hợp đồng mua nhà tại các dự án này là bên ngay tình, không có lỗi, nên không phải chịu trách nhiệm đối với các nghĩa vụ tài chính phát sinh của chủ đầu tư dự án (nếu có): “Khi người dân mua nhà từ một dự án đã được cấp phép thì thì hợp đồng đó là hợp đồng có hiệu lực. Vậy thì không thể hủy hợp đồng của người dân. Đối với người dân đã mua tài sản ở trên dự án đó, người dân hoàn toàn có quyền, do đó phải hợp pháp hóa”.

Bài học phải “nhặt sạn” trước khi “nấu cơm”

Một vấn đề đặt ra, nếu quá trình “hồi tố” được tiếp tục, danh sách dự án vướng sai phạm chắc chắn sẽ còn nối dài và hệ lụy của nó đã quá rõ ràng. Tuy nhiên, phải chăng chúng ta nên đặt ngược lại vấn đề rằng, tại sao sai phạm đã diễn ra trong thời gian dài nhưng sau đó mới bị phát hiện. Điều cốt lõi của câu chuyện này có lẽ nằm ở chỗ, muốn nồi cơm ngon ắt phải “nhặt sạn” thật kỹ trước khi nấu.

“Rõ ràng, chúng ta phải thấy bài học rất rõ ở đây là bản thân cơ quan quản lý nhà nước về tài sản công, người dân và doanh nghiệp khi tham gia vào quan hệ giao dịch mua bán thì phải tuân thủ pháp luật. Doanh nghiệp muốn lường trước việc không muốn bị dính vào những thiệt hại này thì đứng lách kẽ hở cũng đừng dùng quan hệ nọ kia để có được dự án. Ngoài ra trước khi mua bán hay tham gia vào bất kì dự án nào cũng phải xem xét căn cứ pháp lý của nó chứ không vì lợi ích trước mắt mà nhắm mắt bỏ qua.

Trước đây do buông lỏng quản lý cho nên rõ ràng có sai phạm xảy ra như thế nhưng không kiểm tra, không thắt chặt để rồi phải gánh gậu quả. Do đó, các cơ quan có chức năng thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật phải sát sao hơn, thường xuyên hơn để tránh tình trạng người ta vi phạm pháp luật đến 5-7 năm  rồi mà không ai biết, khi phát hiện ra sai phạm thì đã quá muộn. Cho nên, phải phát hiện sớm và phát hiện rồi thì phải xử lý nghiêm minh thì mới tránh được hệ lụy về sau”, đại biểu Hoàng Văn Cường nói thẳng.

Bên cạnh đó, ông Cường cho rằng, các cơ quan nhà nước ở địa phương cũng cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận đất đai để đầu tư, triển khai dự án, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thật công bằng, minh bạch thì mới phát triển được kinh tế xã hội của đất nước, vừa đảm bảo quyền lợi cho doanh nghiệp. Tránh tình trạng “con chim bị thương sợ cành cây cong”, vì sợ sai mà gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top