Aa

Lạm phát kỳ vọng: Cần đánh giá thêm tâm lý nhà đầu tư

Thứ Bảy, 25/11/2023 - 06:12

Điều tra lạm phát kỳ vọng là rất quan trọng, chúng ta nên điều tra kỳ vọng lạm phát của các nhà đầu tư để đánh giá tâm lý thị trường, giúp các chính sách đi từ điều hành đến đời sống thực tế tốt hơn.

Sự ảnh hưởng của lạm phát kỳ vọng

Thông thường khi theo dõi chỉ số kinh tế vĩ mô sẽ thấy, lạm phát và chỉ số GDP luôn luôn là con số ra sau, hoặc là những chỉ số mang tính chất xác nhận, khi đó nó sẽ có độ trễ nhất định. Vì vậy có một thuật ngữ được gọi là lạm phát kỳ vọng.

Việt Nam vẫn đang kiểm soát lạm phát theo mục tiêu của Quốc hội đề ra là 4 - 4,5% và tăng trưởng kinh tế từ 6 - 6,5%, tuy nhiên năm sau sẽ gặp nhiều thách thức.

Nếu chúng ta có kỳ vọng lạm phát và số liệu đi ra đúng với kỳ vọng đó, thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến dòng tiền, đặc biệt trong một thị trường mà vấn đề tâm lý và dòng tiền đều rất quan trọng như ở Việt Nam.

Trong thời điểm này, lạm phát là trọng tâm chủ yếu vì nó mang tính chất dây chuyền. Cụ thể, khi lạm phát xảy ra thì kỳ vọng lạm phát cũng sẽ tăng cao, người lao động yêu cầu mức lương cao hơn do giá cả tăng và doanh nghiệp phải tăng giá sản phẩm, cuối cùng tạo thành vòng xoáy lạm phát rất khó để đưa giá cả giảm xuống. Tương tự trong đầu tư, lạm phát là một biến số tiêu cực, vì lạm phát càng cao thì lợi tức đầu tư kỳ vọng càng lớn, đồng thời một môi trường lạm phát cao thì lãi suất không thể rẻ, dẫn đến chi phí vốn cho việc đầu tư cũng cao hơn.

Vì vậy, vai trò của Ngân hàng Trung ương là rất cần thiết, cơ quan điều hành phải dùng các biện pháp để đưa ra con số mục tiêu. Nếu lạm phát thực tế vẫn chưa đạt đến mục tiêu đó thì sẽ phải tiếp tục các chính sách thắt chặt để kỳ vọng lạm phát của mọi người giảm, khi đó một chu kỳ thắt chặt tiền tệ mới gọi là thành công.

Hiện nay, Việt Nam vẫn đang kiểm soát lạm phát theo mục tiêu của Quốc hội đề ra là 4 - 4,5% và tăng trưởng kinh tế từ 6 - 6,5%, tuy nhiên năm sau sẽ gặp nhiều thách thức.

Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), để góp phần kiểm soát lạm phát thành công,  từ quý I/2013, NHNN đã thực hiện điều tra thí điểm kỳ vọng lạm phát đối với các tổ chức tín dụng và từ quý IV/2018 NHNN thực hiện điều tra thí điểm kỳ vọng lạm phát đối với các chuyên gia kinh tế. Như vậy, chúng ta sẽ có hai nhóm gồm các ngân hàng thương mại và các chuyên gia kinh tế để có thêm cơ sở và đưa ra công cụ điều chỉnh chính sách tiền tệ của mình.

Dưới góc nhìn của tôi, việc này rất quan trọng và nếu có thể làm thêm một bước nữa, chúng ta nên điều tra kỳ vọng lạm phát của các nhà đầu tư, từ đó để đánh giá thị trường đang suy nghĩ như thế nào. Khi đó, các chính sách mới đi từ điều hành, từ quy định vào đến đời sống thực tế.

Thận trọng với các biến số

Trong báo cáo của Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) vào tháng 10/2023 cho thấy, dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu được điều chỉnh thấp hơn so với các dự báo trước đó. Vì vậy, lạm phát vẫn là một vấn đề chưa mất đi và lạm phát kỳ vọng của thế giới còn đang cao, mặc dù đã được kiểm soát. Từ đó, các chính sách tiền tệ trên thế giới vẫn trong xu thế thắt chặt dẫn đến tăng trưởng kinh tế không thể tăng.

Việc nói rằng Fed sẽ sớm hạ lãi suất là chưa có cơ sở, vì khi nào lạm phát về mức lạm phát mục tiêu thì Fed mới có thể hạ lãi suất điều hành.

Xu hướng này đang diễn biến theo đúng phát biểu của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), đó là “lãi suất sẽ ở mức cao hơn trong thời gian dài hơn”, nên các dự phóng về tăng trưởng GDP ngày càng thấp.

Mặc dù vậy, lạm phát và lạm phát lõi được dự báo tiếp tục giảm trong thời gian tới, nhưng so với dự báo thì thực tế không giảm nhanh như chúng ta kỳ vọng. Đây là xu hướng thị trường cần phải chú ý khi xem xét các vấn đề trong năm 2024, trong bối cảnh các chính sách tiền tệ sẽ đi cùng dự phóng về lạm phát.

Riêng tại Mỹ, lạm phát kỳ vọng còn khá cao và có sự khác biệt nhiều về xu hướng giữa các cấu phần, ví dụ lạm phát kỳ vọng ở các công ty thì luôn luôn cao trong khi thị trường tài chính kỳ vọng lạm phát thấp nhất. Nguyên nhân là do các nhà đầu tư mong chính sách tiền tệ nới lỏng để tốt cho thị trường chứng khoán hơn. Các chuyên gia kinh tế hay hộ gia đình cũng thường có kỳ vọng lạm phát ở mức thấp hơn khu vực doanh nghiệp.

Vừa qua, trong biên bản họp của Fed, có điểm đáng chú ý là tất cả các thành viên tham gia đều đồng ý rằng Ủy ban (FOMC) đang ở vị thế cần phải cẩn trọng trong quyết định của mình, nghĩa là việc nói rằng sẽ sớm hạ lãi suất là chưa có cơ sở, vì khi nào lạm phát về mức lạm phát mục tiêu thì Fed mới có thể hạ lãi suất điều hành.

Ngoài ra, các thành viên lưu ý việc thắt chặt hơn nữa chính sách tiền tệ sẽ là phù hợp, nếu thông tin cho thấy tiến độ hướng tới mục tiêu lạm phát của Ủy ban là không đủ.

Trên thị trường tài chính, hầu như mọi người đều cho rằng Fed sẽ không tăng lãi suất nữa và có bắt đầu chu kỳ giảm vào tháng 6 năm sau. Tôi cho rằng, đó chỉ là giả định của chúng ta và giả định đó phải được dựa trên cơ sở là chỉ số lạm phát đi xuống và về mục tiêu về 2%.

Nếu có những cú sốc bất ngờ nào đó từ bên ngoài, khiến chỉ số lạm phát tăng mạnh, chúng ta sẽ phải thay đổi kỳ vọng về lãi suất của thị trường Mỹ, đồng thời cũng sẽ phải thay đổi kỳ vọng lãi suất của thị trường Việt Nam, vì thị trường đang tin tưởng rằng năm sau sẽ là một năm “dễ thở” khi các chính sách tiền tệ có thể nới lỏng hơn nữa./.

Nguyễn Minh Tuấn, CEO AFA Capital

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top