Những ngày gần đây, dư luận cả nước đặc biệt quan tâm tới vấn đề “đòi vỉa hè” tại quận 1, TP.HCM khi trực tiếp chỉ đạo “cuộc chiến” này chính là ông Đoàn Ngọc Hải, Phó Chủ tịch UBND quận 1. Với mong muốn đưa vùng trung tâm TP. HCM trở thành một "Singapore thu nhỏ", UBND quận 1 đã ráo riết ra quân xử phạt các hành vi lấn chiếm lòng lề đường, lập lại trật tự đô thị.
Từ bậc tam cấp của nhà dân đến các công trình của cơ quan công quyền lấn vỉa hè... đều bị Phó chủ tịch quận 1 Đoàn Ngọc Hải yêu cầu lực lượng chức năng đập bỏ. Nhiều xe ô tô từ của người dân, người nổi tiếng đến xe biển xanh đậu trên vỉa hè cũng bị xử lý. Các quán nhậu, nhà hàng lấn vỉa hè cũng chung cảnh bị xử phạt…
Đáng nói, không chỉ diễn ra tại TP. HCM, "làn sóng đòi lại vỉa hè" cũng lan ra các tỉnh thành khác trên cả nước, trong đó có Hà Nội. Dù chưa quyết liệt như TP. HCM, nhưng tại Thủ đô, công cuộc "tìm lại vỉa hè" cũng được triển khai trên diện rộng.
Đi dọc các tuyến phố nội đô những ngày cuối tháng 3 có thể dễ dàng nhận thấy Hà Nội đang dần thênh thang và thoáng đãng hơn. Xe máy được xếp dựng áp sát trước cửa hàng hoặc chỉ để trong vạch quy định. Các hàng tạp hóa, ăn vặt, cà phê, trà đá mặt đường cũng thu gọn về trong lòng quán hoặc thậm chí phải đóng cửa.
Trước thực trạng này, các chuyên gia BĐS cho rằng việc "đòi lại vỉa hè" nếu được thực hiện thành công tại Hà Nội và TP. HCM thì thị trường BĐS tại những nơi này sẽ có sự thay đổi về chất. Trao đổi với Reatimes, ông Bùi Trung Kiên, Phó Giám đốc bộ phận cho thuê thương mại Jones Lang Lasalle (JLL) khẳng định việc dọn vỉa hè sẽ ảnh hưởng đến thị trường BĐS nói chung và thị trường mặt bằng bán lẻ nói riêng.
“Tuy nhiên mức độ tác động còn tùy vào kế hoạch của hai thành phố làm đến đâu, kéo dài bao lâu và quyết liệt đến thế nào. Giả sử cuộc chiến vỉa hè được làm đến cùng, hai thành phố Hà Nội và TP.HCM chắc chắn sẽ sạch đẹp; dù việc “rửa” vỉa hè có làm mất đi đôi chút nét văn hóa riêng của thành phố như Hà Nội.
Nhưng có thể nhìn thấy ngay rằng các nhà phố và nhiều cửa hàng sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực do không còn chỗ đỗ xe máy, trong khi đa số người Việt vẫn sử dụng xe máy như một phương tiện giao thông chính. Trước đây, khi mua sắm, người dân chỉ cần đỗ xe máy trên lòng đường hoặc vỉa hè để nhanh chóng vào mua hàng và cũng nhanh chóng ra về. Sau này, khi vỉa hè không còn là chỗ đỗ xe, thì việc thuê mặt bằng bán lẻ có thể bị giảm ở mức độ nhất định.
Theo quan điểm của tôi, việc các thành phố cấm dân lấn chiếm vỉa hè là một xu hướng văn minh. Nhưng đối với những người sở hữu nhà mặt phố, chiến dịch của thành phố phần nào làm giảm đi lợi nhuận khi khách thuê bỏ địa điểm cũ mà đi tìm địa điểm mới đáp ứng nhu cầu bán hàng, kinh doanh của họ. Khi đó, trung tâm thương mại là sự lựa chọn tốt và đây là diễn biến tích cực dành cho các trung tâm thương mại.”, ông Kiên nhận định.
Tuy nhiên, theo ông Kiên, dù nói như vậy nhưng giá thuê mặt bằng mặt phố cũng khó giảm bởi thực tế hiện nay thị trường vẫn khan hiếm nguồn cung. Trong khi đó, giá cho thuê trung tâm thương mại cũng chưa thể tăng ngay bởi mức giá khá cao. Hơn nữa, giá cho thuê tăng giảm phụ thuộc vào tỷ lệ lấp đầy và còn là câu chuyện lâu dài.
Báo cáo của JLL mới đây cho biết, nguồn cung Trung tâm Thương mại ở TP.HCM và Hà Nội vẫn ổn định trong quý I/2017 khi không có Trung tâm Thương mại nào khai trương. Giá thuê ở các khu vực ngoại thành ở cả hai thành phố vẫn đang tiếp tục xu hướng giảm, trong khi giá thuê ở các Trung tâm Thương mại ở khu vực Trung tâm diễn biến theo hai xu hướng trái ngược nhau. Các Trung tâm Thương mại ở khu vực Trung tâm TP.HCM đang chào giá thuê cao hơn các quý gần đây, khi mà nhiều cửa hàng flagship của các thương hiệu nổi tiếng khai trương và lượng khách đến tham quan mua sắm tại các trung tâm đạt cao hơn. Trong các quý tới, thị trường Bán lẻ ở cả hai thành phố trọng điểm được kỳ vọng sẽ sôi động hơn, với khoảng 40.000-50.000 diện tích Bán lẻ được chào thuê mới ở mỗi thành phố. Mảng Cửa hàng Tiện lợi và Siêu thị Mini tiếp tục đạt các mức tăng trưởng cao trong quý. Xu hướng này được kỳ vọng sẽ còn tiếp diễn trong các quý tới. |