Theo số liệu của FiinPro, trong tháng 2/2022 thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) có dấu hiệu hạ nhiệt với tổng lượng phát hành chỉ đạt 1.800 tỷ đồng.
Lý giải diễn biến này, bà Lê Hồng Tâm - Phó Giám đốc khối Tư vấn, Công ty Chứng khoán Dầu khí (PSI) cho biết, một phần có thể là do Thông tu 16/2021/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 15/1/2022 đã tác động trực tiếp đến việc đầu tư trái phiếu của các ngân hàng thương mại là định chế tham gia nhiều nhất trên thị trường TPDN.
Mặt khác, do vướng Tết Nguyên đán, các doanh nghiệp cần thời gian để khởi động lại hoạt động kinh doanh và lên kế hoạch tài chính cho các năm sau. Tuy nhiên, thị trường TPDN năm nay vẫn sẽ sôi động.
Đồng quan điểm, một số chuyên gia khác cũng cho rằng, thị trường TPDN sẽ hoạt động tích cực hơn trong các tháng tới khi các doanh nghiệp và tổ chức tín dụng có nhu cầu huy động vốn lớn cho hoạt động sản xuất kinh doanh trong bối cảnh nền kinh tế “bình thường hoá” và các doanh nghiệp đã kịp thích ứng với các quy định mới.
“Kênh trái phiếu doanh nghiệp vẫn là một kênh đầu tư hấp dẫn khi lãi suất huy động đang duy trì ở mức thấp”, một chuyên gia của KBSV nhận định.
Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế - TS. Lê Xuân Nghĩa, cơ cấu giá trị TPDN hiện nay thường tập trung vào những ngành có yếu tố đầu cơ cao, gồm bất động sản với 46% tổng số lượng TPDN phát hành; ngân hàng với 30% tổng số lượng TPDN phát hành do kỳ hạn phát hành chủ yếu ở mức 3 năm đã hạn chế khả năng đầu tư và sinh lời của doanh nghiệp thuộc khu vực sản xuất thực sự.
Với các ngân hàng, việc phát hành trái phiếu được thực hiện để gia tăng vốn chủ sở hữu cấp 2. Còn với phần lớn doanh nghiệp, TPDN được sử dụng như công cụ để đảo nợ, góp vốn mua cổ phần hoặc mua bán sáp nhập.
“Số lượng TPDN phục vụ cho khu vực sản xuất trực tiếp như công nghiệp chế biến chế tạo, nông nghiệp, công nghệ cao, thương mại, doanh nghiệp khởi nghiệp là rất hạn chế. Đây là nguyên nhân sâu xa khiến thị trường TPDN Việt Nam méo mó và phát triển ì ạch”, ông Nghĩa cho biết.
Để giúp thị trường TPDN phát triển lành mạnh, TS Lê Xuân Nghĩa kiến nghị cần giải quyết các vướng mắc từ khâu phát hành, gồm minh bạch thông tin tài chính và mục đích sử dụng vốn của nhà phát hành; thực hiện các quy định pháp luật một cách nghiêm túc; xây dựng thị trường trái phiếu thứ cấp để tăng tính thanh khoản.
Ông Vũ Bằng – nguyên Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, phát triển thị trường TPDN cũng phải tiến hành từng bước. Trong đó, lưu ý việc kiểm soát rủi ro bằng các công cụ mang tính chất kinh tế, điều tiết đúng chỗ có rủi ro thay vì ngăn chặn rủi ro bằng chính sách hoặc tìm cách hạn chế doanh nghiệp phát hành trái phiếu.
Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020 về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước, đang có nhiều quy định quá chặt, chuyển từ hữu sang tả. Điều này khiến việc tiếp cận vốn của doanh nghiệp gặp khó khăn trong thời gian tới.
Trong khi đó, với trái phiếu riêng lẻ, ông Bằng cho rằng “rủi ro thứ nhất là doanh nghiệp phát hành không có tài sản đảm bảo, rủi ro thứ hai là doanh nghiệp đầu tư vào những lĩnh vực không đảm bảo. Vì vậy, chính sách nên kiểm soát chính những điểm này”.
Theo ông Vũ Bằng, quy định pháp lý chỉ nên cho phép những doanh nghiệp phát hành trái phiếu không có tài sản đảm bảo được huy động một tỷ lệ vốn rất nhỏ tính trên vốn chủ sở hữu. Đồng thời, quy định việc phát hành cho một lượng nhà đầu tư nhất định và kỳ hạn trái phiếu ngắn.
Ngoài ra, các quy định nên xây dựng theo hướng từng bước buộc doanh nghiệp phải xếp hạng tín nhiệm. Những biện pháp này, giúp nhà đầu tư sẽ nắm rõ hơn cơ hội và rủi ro trước khi quyết định rót vốn.