Tuy nhiên thực trạng xây dựng công trình tiết kiệm năng lượng ở Việt nam đến nay chưa khoa học và chưa hệ thống. Phần lớn các công trình nhái theo các công trình nước ngoài lắp đặt pin mặt trời, kính đắt tiền nhập khẩu, vật liệu cao cấp, trang thiết bị tối tân… mà không tính toán chặt chẽ theo khí hậu đặc trưng của Việt Nam cũng như nhu cầu công năng thực của tòa nhà, chưa biết cách khớp nối để tạo nên sự đồng bộ giữa các thành phần công trình với nhau.
Từ đó làm cho việc sử dụng các công nghệ tiết kiệm năng lượng trở thành phản tác dụng, vừa làm đội giá công trình vừa gây cho công trình khi đi vào sử dụng tiêu hao nhiều năng lượng.
Vậy làm thế nào để đầu tư công trình tiết kiệm năng lượng một cách hiệu quả và bền vững? Vấn đề này cần phải nghiên cứu một cách kĩ lưỡng ngay từ khâu thiết kế, những bản phác thảo đầu tiên của kiến trúc sư cần phải có sự hợp tác với kĩ sư năng lượng để bản vẽ kiến trúc không chỉ đẹp về mặt thẩm mĩ mà còn tối ưu về kĩ thuật.
Sự chuẩn bị này tốt sẽ giúp công trình đạt yêu cầu tiết kiệm năng lượng, tạo tiện nghi sống tốt cho người sử dụng và giúp chủ đầu tư đạt được hiệu quả sử dụng vốn cao nhất. Đó là những mục đích cốt lõi khi đầu tư một công trình tiết kiệm năng lượng.
Elithis Tower tại Pháp đạt năng lượng tích cực (năng lượng sử dụng nhỏ hơn năng lượng sản sinh ra) với đơn giá cơ bản của thị trường Pháp (tại thời điểm xây dựng 1400€/m²), nhờ có sự phối hợp chặt chẽ trong phân tích và nghiên cứu ngay từ khâu thiết kế của kỹ sư và kiến trúc sư.
Ngay từ khâu thiết kế thụ động (passive design), kĩ sư tư vấn năng lượng kết hợp tư vấn cho kiến trúc sư chạy mô phỏng công trình (simulation thermodynamique) để hoàn thiện thiết kế thụ động như hình dáng tòa nhà, hướng tòa nhà, chắn nắng, vật liệu …nhằm tận dụng tối đa các nguồn năng lượng tự nhiên như ánh sáng,không khí, nước.
Việc này cần được đầu tư một cách nghiêm túc tránh tình trạng như phần lớn các công trình hiện nay, do thiết kế phí được chi trả quá thấp, việc tính toán năng lượng không được đầu tư đúng mức cũng như làm sai quy trình dẫn đến giải pháp đưa ra hời hợt ,lắp ghép, không hệ thống. Ví dụ đầu tư tràn lan hệ thống mái dùng pin năng lượng mặt trời, đã có công trình thí điểm đầu tư 2 tỷ đồng nhưng mỗi năm chỉ giảm được …1 triệu chi phí điện năng.
Khi thiết kế thụ động đã được tối ưu hóa và các giải pháp thụ động đã được đưa vào một cách hệ thống trong tính toán mô phỏng thì kết quả thu được về yêu cầu công suất của các hệ thống cơ điện ( thiết kế chủ động) đã được giảm ở mức tối đa, tức chi phí thiết bị cơ điện và chi phí vận hành đều được giảm.
Ví dụ : Việc tận dụng ánh sáng tự nhiên sẽ giúp giảm công suất các hệ thống chiếu sáng, từ đó làm giảm nhiệt nóng tỏa ra trong tòa nhà hay việc chọn một loại kính tốt hoặc sử dụng chắn nắng cũng sẽ giúp giảm nhiệt từ ngoài vào, từ đó giúp giảm công suất điều hòa phải chọn... Đây là những yếu tố rất quan trọng phải được tính đến vì trang thiết bị cơ điện thường chiếm chi phí rất lớn và chi phí năng lượng ngày càng tăng sẽ làm cho chi phí vận hành công trình tăng đáng kể.
Như vậy thiết kế tốt về mặt năng lượng là tiêu chí quan trọng nhất để giúp một công trình tiết kiệm chi phí đầu tư thiết bị cơ điện và chi phí vận hành công trình.
Cuối cùng, tùy theo nhu cầu của chủ đầu tư, chúng ta có thể nói tới hệ thống quản lí năng lượng của tòa nhà, đây là một giải pháp quản lí rất hữu ích trong giai đoạn khai thác giúp quá trình vận hành của tòa nhà sử dụng nguồn năng lượng một cách hiệu quả nhất.
Nguyễn Thị Thu Thủy - Thạc sỹ Quản lý dự án mảng năng lượng, công ty Elithis Asia