Aa

Lần đầu tiên Việt Nam có 5 tỉnh, thành cùng lúc sở hữu 2 sân bay đang hoạt động

Thứ Ba, 01/07/2025 - 15:00

Sau khi thực hiện sáp nhập, nhiều tỉnh thành trên cả nước cùng lúc sở hữu 2 sân bay và là điều kiện thuận lợi để thúc đẩy quá trình phát triển của địa phương và khu vực.

Từ hôm nay (1/7/2025), Việt Nam chính thức thực hiện sáp nhập các tỉnh, thành phố xuống còn 34 vận hành chính quyền địa phương 2 cấp (cấp tỉnh và cấp xã).

Sau khi thực hiện sáp nhập cấp tỉnh, toàn quốc hiện có 5 địa phương sở hữu 2 sân bay gồm TP. HCM, Đà Nẵng, Gia Lai, An Giang và Đắk Lắk.

TP. HCM

TP. HCM chính thức sở hữu 2 sân bay, gồm sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất và sân bay Côn Đảo.

Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất hiện là cảng hàng không lưỡng dụng cấp 4E lớn nhất Việt Nam (trước khi sân bay Long Thành hoàn thành), giữ vai trò chiến lược trong mạng lưới cảng hàng không quốc gia. Sân bay có tổng diện tích quy hoạch 1.500ha, với công suất hiện tại hơn 30 triệu lượt khách mỗi năm. Năm 2024, sản lượng khách qua sân bay đạt gần 39,8 triệu lượt.

Việc Nhà ga T3 chính thức đi vào hoạt động từ tháng 4/2025, với công suất 20 triệu hành khách/năm đã nâng tổng năng lực khai thác của Tân Sơn Nhất lên khoảng 50 triệu khách/năm, đáp ứng 7.000 hành khách/giờ cao điểm.

Lần đầu tiên Việt Nam có 5 tỉnh, thành cùng lúc sở hữu 2 sân bay đang hoạt động- Ảnh 1.

Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất. Ảnh: Internet

Sân bay Côn Đảo – sân bay thứ hai của TP. HCM hiện là sân bay nội địa cấp 3C, khai thác ban ngày, với diện tích quy hoạch gần 182ha và công suất phục vụ khoảng 400.000 hành khách/năm. Theo quy hoạch, đến năm 2030, sân bay này sẽ đạt công suất khoảng 2 triệu khách/năm, với tầm nhìn đến năm 2050 đạt 3 triệu khách/năm.

Trong chuyến công tác đến Côn Đảo hồi tháng 5/2025, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã giao kêu gọi hợp tác công - tư (PPP) để nâng cấp sân bay Côn Đảo thành cảng hàng không quốc tế, tăng khả năng kết nối và phục vụ phát triển kinh tế - du lịch cho TP. HCM trong giai đoạn mới.

TP. Đà Nẵng

TP. Đà Nẵng hiện sở hữu 2 sân bay là sân bay quốc tế Đà Nẵng và sân bay Chu Lai (Quảng Nam).

Sân bay quốc tế Đà Nẵng là cửa ngõ hàng không quan trọng của miền Trung, với diện tích quy hoạch khoảng 1.300ha, đạt tiêu chuẩn sân bay lưỡng dụng cấp 4E. Công suất hiện tại khoảng 10 triệu hành khách mỗi năm. Riêng năm 2024, sản lượng hành khách qua sân bay này ước đạt 13,4 triệu lượt. Theo quy hoạch, đến năm 2030, sân bay quốc tế Đà Nẵng sẽ nâng công suất lên 25 triệu khách/năm và đạt 30 triệu khách/năm vào năm 2050.

Sân bay Chu Lai là sân bay lưỡng dụng nội địa, có diện tích quy hoạch hơn 2.000ha với công suất khai thác hiện nay khoảng 1,7 triệu hành khách mỗi năm. Theo quy hoạch, sân bay Chu Lai sẽ được nâng cấp trở thành cảng hàng không quốc tế quy mô cấp 4F, với khả năng tiếp nhận các loại máy bay thân rộng như Boeing 747-8 hoặc Airbus A380. Mục tiêu đến năm 2030 là đạt công suất 10 triệu khách/năm và đến năm 2050 tăng lên 30 triệu khách/năm. Việc phát triển song song hai sân bay này được kỳ vọng sẽ gia tăng năng lực kết nối hàng không, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội toàn vùng miền Trung.

Tỉnh Gia Lai

Gia Lai hiện sở hữu hai sân bay gồm sân bay quốc tế Phù Cát và sân bay Pleiku.

Lần đầu tiên Việt Nam có 5 tỉnh, thành cùng lúc sở hữu 2 sân bay đang hoạt động- Ảnh 2.

Sân bay Phù Cát. Ảnh: Internet

Sân bay quốc tế Phù Cát là sân bay lưỡng dụng cấp 4C với diện tích quy hoạch gần 949ha, hiện khai thác khoảng 2,5 triệu hành khách mỗi năm. Cuối tháng 5/2025, Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Định (cũ) đã thông qua chủ trương bố trí 1.746 tỷ đồng từ ngân sách địa phương cho dự án nâng cấp, mở rộng sân bay này. Tổng mức đầu tư toàn dự án ước khoảng 3.246 tỷ đồng. Theo quy hoạch được Bộ Xây dựng phê duyệt, giai đoạn 2021-2030, sân bay Phù Cát sẽ nâng công suất lên 5 triệu khách/năm và đạt 7 triệu khách/năm vào năm 2050.

Sân bay Pleiku - sân bay thứ hai của tỉnh Gia Lai là sân bay nội địa cấp 4C, có diện tích quy hoạch hơn 383ha. Hiện công suất khai thác của sân bay Pleiku đạt khoảng 600.000 hành khách/năm. Theo quy hoạch, trong giai đoạn 2021-2030, sân bay này sẽ nâng công suất lên 4 triệu hành khách và 4.500 tấn hàng hóa/năm, đủ khả năng khai thác các loại máy bay như A320, A321 và tương đương. Đến năm 2050, công suất dự kiến đạt khoảng 5 triệu hành khách và 12.000 tấn hàng hóa mỗi năm.

Việc đồng thời sở hữu hai sân bay, trong đó một sân bay quốc tế và một sân bay nội địa có quy mô mở rộng, được kỳ vọng sẽ gia tăng năng lực kết nối hàng không, tạo động lực phát triển kinh tế, du lịch và logistics cho tỉnh Gia Lai mới trong giai đoạn tới.

Tỉnh An Giang

Tỉnh An Giang mới sở hữu hai sân bay là sân bay quốc tế Phú Quốc và sân bay Rạch Giá.

Sân bay quốc tế Phú Quốc (trước đây thuộc tỉnh Kiên Giang) hiện là sân bay cấp 4E với công suất thiết kế khoảng 4 triệu hành khách/năm, trong đó 3 triệu khách nội địa và 1 triệu khách quốc tế. Tuy nhiên, đến cuối năm 2024, sân bay này đã vận hành vượt công suất thiết kế, riêng khách quốc tế đạt gần 2 triệu lượt, gấp đôi khả năng thiết kế ban đầu.

Để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng và chuẩn bị cho Tuần lễ cấp cao APEC 2027, sân bay Phú Quốc đang được triển khai dự án mở rộng quy mô lên hơn 1.050ha, gần gấp đôi diện tích hiện tại. Dự án được chia làm hai giai đoạn: giai đoạn 1 sẽ hoàn thành vào quý II/2027, kịp thời phục vụ các đoàn đại biểu quốc tế đến dự APEC; giai đoạn 2 tiếp tục hoàn thiện và mở rộng sau năm 2030 với mục tiêu nâng công suất khai thác lên 50 triệu hành khách/năm vào năm 2050. Con số này gấp hơn 12 lần công suất hiện tại.

Sân bay Rạch Giá – sân bay thứ hai của tỉnh An Giang là sân bay nội địa cấp 4C, được xây dựng từ năm 1979. Sân bay có đường băng dài 1.170m, rộng 30m, hiện đảm bảo tiếp nhận các loại máy bay cỡ nhỏ như ATR 72. Công suất thiết kế hiện tại khoảng 200.000 hành khách/năm. Theo quy hoạch, đến năm 2030, sân bay Rạch Giá sẽ đạt công suất 500.000 hành khách/năm và đến năm 2050 đạt khoảng 1 triệu khách/năm.

Trước đó, UBND tỉnh đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ giao Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) làm chủ đầu tư nâng cấp, mở rộng sân bay Rạch Giá, đảm bảo hoàn thành và đưa vào khai thác trong quý II/2027. Đây cũng sẽ là sân bay dự bị hỗ trợ cho sân bay Phú Quốc trong thời gian diễn ra APEC 2027, góp phần tăng năng lực khai thác hàng không, phục vụ phát triển du lịch và kinh tế của tỉnh An Giang mới trong tương lai.

tỉnh Đắk Lắk mới sẽ sở hữu hai sân bay gồm sân bay Buôn Ma Thuột và sân bay Tuy Hòa.

Tỉnh Đắk Lắk

Sân bay Buôn Ma Thuột hiện là sân bay nội địa, có diện tích quy hoạch hơn 518ha đến năm 2030. Công suất hiện tại khoảng 2 triệu hành khách mỗi năm. Theo dự thảo quy hoạch mới nhất do Cục Hàng không Việt Nam trình Bộ Xây dựng cuối tháng 5/2025, sân bay Buôn Ma Thuột sẽ được nâng cấp đạt tiêu chuẩn sân bay lưỡng dụng cấp 4C theo mã ICAO với 19 vị trí đỗ máy bay, đủ khả năng khai thác các dòng máy bay thân hẹp như Airbus A320, A321 và tương đương. Mục tiêu đến năm 2030 là đạt công suất 5 triệu khách/năm và tăng lên 7 triệu khách/năm vào năm 2050.

Sân bay Tuy Hòa hiện là sân bay nội địa lưỡng dụng cấp 4C với công suất thiết kế khoảng 300.000 hành khách/năm. Tuy nhiên, những năm gần đây, sản lượng thực tế đã tăng gần gấp đôi công suất thiết kế. Theo quy hoạch do Cục Hàng không Việt Nam phê duyệt, đến năm 2030, sân bay Tuy Hòa sẽ được nâng cấp để đạt công suất khoảng 3 triệu khách/năm và tầm nhìn đến năm 2050 đạt 5 triệu khách/năm. Sân bay cũng sẽ được đầu tư nâng cấp đồng bộ, hiện đại, đáp ứng nhu cầu vận tải hàng không ngày càng tăng tại khu vực.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top