Aa

Lần đầu với Đăk Glei (2)

Thứ Hai, 19/07/2021 - 07:00

Lúc vào nói mới kinh. Ăn xong, ngồi uống nước với chỉ huy đồn, đúng giờ, chúng tôi lên hội trường, bộ đội đã ngồi sẵn. Trực ban hô tất cả đứng dậy, chào tôi rồi... báo cáo tôi, kinh lắm, không kể nữa...

Sáng tưng tửng, chim kêu vượn hót đúng nghĩa. Thời ấy, rừng âm u dày đặc xung quanh, mây vờn xuống tận cửa, tưởng như giơ tay bốc được. Chúng tôi dậy thì đã thấy một nồi cơm và rổ rau cải luộc. Nói thêm một tí về cơm gạo đỏ, mà một số người đã qua chiến tranh thời ấy gọi là gạo bọc thép, giờ hình như nó tiệt nọc rồi ấy, là loại gạo rẫy, khi nấu xong nó vẫn... như chưa nấu, lổn nhổn, cứng hơn gạo. Hình như nước sôi làm nó cứng hơn. Mới ăn rất khó, nhưng người có kinh nghiệm thì cứ nhẩn nha nhai, ít một, thật lâu, thật chậm, thì nó cũng... là cơm. Nhai kỹ xong, chiêu ngụm nước, vào bụng nó tiếp tục... chín. Chúng tôi mỗi người nhai một bát cơm ấy, rau cải chấm nước muối, húp nước rau mỗi khi nhai kỹ một miếng. Ăn sáng với các cô giáo xong, chúng tôi từ biệt, tất nhiên là rưng rưng, là bịn rịn... Tôi hứa khi quay lại sẽ ở nhiều hơn với các cô và phải thú thực trong lòng cũng nhói lên chút cảm giác mơ hồ rạo rực của ngày gặp lại khi chúng tôi sẽ từ đồn quay về...

Tây nguyên
"Trong lòng cũng nhói lên chút cảm giác mơ hồ rạo rực của ngày gặp lại khi chúng tôi sẽ từ đồn quay về..." (Ảnh sưu tầm)

Trên đường tiếp tục vào đồn biên phòng, theo yêu cầu của tôi, chúng tôi ghé vào một làng người Giẻ Triêng. Làng này khác các làng Bahnar và Jrai mà tôi đã biết, là toàn nhà trệt. Nền nhà bằng đất mà bà con đi chân đất nên khá bẩn. Có hai điều tôi ghi vào sổ tay. Một là anh bạn hướng dẫn cột hết ống tay áo và ống quần lại, vì ở đây rất nhiều bọ chét. Và quả là vào làng, bọ chét nhảy tưng tưng. Lần đầu tiên tôi thấy bọ chét nhiều đến thế, đến rùng mình, dù thời sinh viên, dẫu ở ngay cố đô Huế xinh đẹp mộng mơ các kiểu, chúng tôi sống chung với... rệp như sống chung với đói. Ở vùng Jrai và Bahnar, bà con ở nhà sàn nên không có bọ chét, nhưng vài vùng có rệp, còn ở đây bọ chét như trấu.

Và hai là... mùi. Dân làng mới đi săn được mấy con heo rừng (hồi này heo rừng nhiều tới mức vào làng tranh ăn với heo nhà, thi thoảng hứng thì bà con vác chó đi săn), họ ăn thịt và treo đầu, xương trong nhà rông. Trời ạ, là nó... thối, thối kinh khủng, thối tàn bạo. Tôi ọe ngay, nhưng mà lạ, một lúc là... quen. Chúng tôi thơ thẩn ở đấy suốt buổi trưa, ăn cơm với dân làng.

Hồi ấy, bà con còn rất hiếu khách. Khách đến là cả làng cùng tiếp, nhà nào có thứ gì thì mang ra, và kinh nghiệm là, khách phải ăn của tất cả mọi nhà. Nếu nhà nào đó mà không được khách bốc đến món mà mình mang đến là có chuyện ngay, tất nhiên là giận dỗi, thậm chí là xử tiêu cực như tôi cũng đã từng thấy, tự tử.

May là có một thời tôi vừa ham đi vừa ham... ăn, và ăn uống thì không bị đau bụng, nên bây giờ mới có một số vốn nhất định về Tây Nguyên. Uống thì 100% bà con uống nước suối, không nấu (thực ra thì thời chiến tranh phá hoại ở nông thôn miền Bắc, cũng 100% bà con uống nước lã, may thì có nước giếng không thì nước mương, nước ruộng, nước ao...). Hồi ấy làm gì có nước đóng chai, nên khi vào làng, chúng tôi cũng toàn xơi nước từ các quả bầu.

Cứ sáng sớm thì các cô gái gùi những cái gùi trong chứa các quả bầu rỗng, xuống suối lấy nước. Và cả ngày mọi người dùng nước trong những quả bầu ấy, chỉ dùng để uống và nấu cơm. Ăn thì bà con cho gì ăn nấy, có chăng là trong túi có thêm một ít bột ngọt và tiêu xay, khi ăn cho thêm vào và cùng ăn với bà con. Có nhiều món rất kinh, như... chuột cho vào ống nứa, để dành khi có việc trọng mới mang ra thời hoặc đãi khách. Thịt sống băm nhỏ trộn với tiết và phân non rồi... ăn sống hoặc ủ tro ấm... Và nhiều món "lạ" nữa...

Một lễ hội của làng Giẻ Triêng hiện nay.

Tối nhọ nhẹ thì chúng tôi vào đến đồn biên phòng. Như thế là cả đi, cả nhởn nhơ, chúng tôi mất đúng 12 tiếng đồng hồ từ cái trường giữa rừng ấy để vào tới đồn. Thấy cả đồn đang nhốn nháo. Thì ra có một chiến sĩ bị gãy chân khi đá bóng. Đồn có cái sân bóng ngay bên cạnh, chiều chiều chiến sĩ chia phe đá. Chiều ấy đá thế nào mà một chiến sĩ bị gãy chân, gãy ngang ống quyển luôn, sưng vù và đau đớn.

Anh này người dân tộc Giẻ, to cao và nặng, tất nhiên. Thế là 8 chiến sĩ của đồn được cử để võng anh này xuyên đêm ra thị trấn. Nghĩ đoạn đường mình vừa vào mà hình dung đến đoạn phải võng một ông nặng gần 80 cân trong đêm mà tôi rùng mình. Thế nhưng các chiến sĩ đã đi, còn lại thì ào vào tiếp hai thằng tôi, chủ yếu là ông đi cùng tôi, sĩ quan cũ của đồn.

Trong lúc cao hứng, ông này đề nghị: Anh bạn đi cùng tôi (tức là tôi) là cử nhân văn chương mới ra trường, tối nay đồn có thể đổi lịch sinh hoạt (ở đồn tối nào cũng có sinh hoạt), là mời tôi... nói chuyện. Chết cha tôi, nhưng cả đồn vỗ tay, thế là không thể khác. Tối ấy tôi phải làm một tiếng rưỡi, làm cái việc khen phò mã tốt áo là "nói chuyện văn học" về... Truyện Kiều và Nguyễn Du, bằng kiến thức hết sức học trò của gã sinh viên mới ra trường, học không suất sắc lắm phần Nguyễn Du, dù là học với thầy Nguyễn Lộc, ông thầy rất giỏi, mà thích thơ của vợ thầy hơn, nhà thơ Ý Nhi...

Lúc vào nói mới kinh. Ăn xong, ngồi uống nước với chỉ huy đồn, đúng giờ, chúng tôi lên hội trường, bộ đội đã ngồi sẵn. Trực ban hô tất cả đứng dậy, chào tôi rồi... báo cáo tôi, kinh lắm, không kể nữa...

Đêm ấy, tôi không ngủ ở đồn, mà chui vào làng, cái làng cách đồn chừng 500 mét. Rượu cần Đăk Glei rất ngon, làm bằng kê. Ngọt (vì họ cho chuối chín vào) và êm, đằm mà dịu. Lần đầu tiên tôi biết thế nào là đèn xà nu. Nó chính là... nhựa thông, trời ạ. Tôi uống đến lúc say và ngủ. Sáng mai, hai lỗ mũi đen kịt. Có một chuyện tôi lưỡng lự mãi mới kể đây, là tối ấy, tôi đã vô tình chứng kiến hai vợ chồng chủ nhà... "sinh hoạt". Thực ra là hình như họ cố tình không... che giấu.

Lửa ở bếp vẫn sáng, cái đèn xà nu treo trên vách vẫn sáng, mọi người (cả khách là tôi) vẫn thức, nhưng họ vẫn... "sinh hoạt", như trên cõi này không có ai. Trước đấy tôi nghe nói, bà con Tây Nguyên mỗi khi muốn "sinh hoạt" thì thường đưa nhau vào rẫy. Rẫy bao giờ cũng có nhà rẫy, và họ đưa nhau vào đấy, ban ngày, làm việc ấy. Nhưng trong trường hợp cụ thể này, họ làm ở nhà, tự nhiên như ăn cơm uống nước. Sinh viên mới ra trường, trong sáng, thấy cảnh ấy không khỏi suy nghĩ, thậm chí là ám ảnh đến cả tháng... Nó mất hết sự thiêng liêng đi, nó trần trụi và có gì đấy... thô lỗ. Là hồi ấy nghĩ thế, chứ giờ nghĩ lại, thấy khác rồi, vẫn thiêng liêng như nó phải thiêng liêng, rất thiêng liêng.../.

(Còn nữa)

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top