Aa

Ông Đỗ Chu

Thứ Hai, 05/07/2021 - 07:00

Được nghe ông nói chuyện, thú vô cùng. Tôi cứ như anh trò nhỏ ngồi nghe, mà thu nạp, mà học hỏi. Đủ thứ chuyện, hầu như chuyện gì ông cũng biết, đã biết là nhớ vanh vách và khi kể thì còn liên dẫn...

Rất nhiều người viết, nói và kể về ông rồi, kể thêm viết thêm về ông cũng đâu khiến ông vinh quang vinh dự thêm gì, có khi lại làm ông cáu, nhưng tự nhiên hôm qua đọc trên Facebook của nhà thơ Hữu Việt kể chuyện ông đi ăn bún chả, mà là ông chiêu đãi mấy ông trẻ kia, thấy có cái chắn giữa bàn để ngừa cô-vít, ông ngơ ngác hỏi, để làm gì thế này, à tao biết, để lúc ngồi ăn, lỡ có cãi lộn thì không nhổ được vào mặt nhau chứ gì? Đúng là Đỗ Chu, lúc nào cũng khẩu khí ấy, cứ như ngây thơ, như không biết gì, như lãng đãng... mà chả cái gì lọt cặp mắt ông.

Nói thật là tôi vẫn kính nhi viễn chi ông, chủ yếu ngắm ông từ xa, thi thoảng có được ngồi hầu chuyện ông thì chủ yếu là nghe và gật đầu rồi dạ. Ông là một trong những nhà văn hàng đầu Việt Nam hiện nay. Hồi nào đấy, cái "Hương cỏ mật" của ông nó vật tôi khiến suốt ngày ám ảnh. Cách đây chục năm, ông in liên tục, cuốn nào cuốn nấy dày cộp, nhưng đọc rất vào, dẫu là tùy bút. Tùy bút mà viết tràng giang đại hải hàng mấy trăm trang mà đọc cứ thun thút thì chỉ có Đỗ Chu. Ông viết như bâng quơ thế mà rồi chuyện nọ dắt chuyện kia lớp lang tuần tự đâu ra đấy.

Nhà văn Đỗ Chu. (Tranh của họa sĩ: Tuấn Dũng)

Nhớ lần nào ở Huế, vừa xuống xe ở khách sạn Điện Biên Phủ - ông đi cùng đoàn nhà văn từ Hà Nội vào bằng ô tô - chưa nhận phòng thì ông chộp luôn tôi: "A Hùng! Mày đưa anh đi thăm anh Điềm và anh Đính tí, có người gửi quà cho ông Đính". Thế là tôi mượn cái ô tô đưa ông đi. Trước khi đi, ông lôi trong túi du lịch ra bốn cuốn sách dầy cộp: "Tao mang từ Hà Nội, được có hai bộ, tặng chú một bộ, cất ngay đi không đứa khác nó thấy". Đến nhà ông Đính (Trần Vàng Sao) ông rút biếu ông Đính tờ hai trăm, dù tôi biết ông chỉ lương hưu và vợ bệnh cả chục năm nay. Nhưng ông Đính còn khổ hơn ông, nên ông biếu, dù ông chưa gặp ông Đính và ngược lại, có khi ông Đính cũng chửa nhớ ông Đỗ Chu là ông nào, vì nhiều năm rồi ông Trần Vàng Sao ít tiếp xúc với giới văn chương, ông cứ cúm rúm ở nhà, và chìm vào tuổi, chìm vào quên...

Rồi một lần tôi ra Hà Nội, ông lại gọi về nhà ông ăn cơm. Nhớ lần trước, ông cũng đã hẹn một lần, giao cho ông Nguyễn Hữu Sơn, Phó viện Trưởng Viện Văn học đón tôi đến nhà ăn cơm. Thú thật là tôi chưa xếp được thời gian thì lại nhận được... thư ông, rất trịnh trọng, đại loại là hẹn chú ăn cơm nhưng biết chú cũng bận, thôi dịp khác vậy...

Đọc ông Chu từ hồi nhỏ, cứ mê tơi đi và ước ao một ngày nào đó được gặp ông, ngó thấy ông từ xa cũng được. Văn ông khiến người đọc cứ lâng lâng như người vừa uống rượu, có lúc lại như đang được yêu, có lúc lại như đang lạc trong một cõi thiên thai nào đó... Cứ ao ước và nghĩ chỉ là ao ước chứ đời nào mà lại được gặp ông, được ông biết tên biết mặt. Thế nhưng ở Đại hội nhà văn năm 2005 thì tôi gặp ông ở... toilet, và điều vô cùng ngạc nhiên là ông lại gọi đúng tên tôi. Ôi giời, đứng "ấy" mà cứ run run sướng.

Thực ra thì tôi được gặp ông từ rất lâu rồi, hồi đi dự một cái trại của Hội nhà văn ở Đại Lải, ông và nhà văn Kim Lân được mời lên đọc tác phẩm. Nhưng ông đọc văn mà tôi lại làm thơ nên chả dám tiếp xúc và cũng không hiểu là ông có biết mình hay không? Sau đận Đại hội ấy thì gặp thêm ông một lần ở Pleiku. Ông mặc quần sooc trắng, áo thun trắng và giầy da đen tất lên tận gối. Nhậu một trận đã đời và vẫn không nghĩ là ông có nhớ mình là ai không?

Một hôm ở Tam Đảo, tự nhiên ông gọi tôi lại gần rồi nói: "Tôi muốn mời chú về nhà tôi chơi, tự tay tôi nấu mấy món đãi chú. Để tôi bảo thằng này nó chở chú đến". Ông gọi Trần Hữu Sơn, giao nhiệm vụ: "Chú đưa thằng này đến nhà anh nhé". Tôi líu ríu cám ơn ông và nói, "để em sắp xếp thời gian".

Nói thế nhưng chưa biết sắp xếp thời gian vào lúc nào vì tôi quá nhiều cuộc hẹn, cứ bị lôi đi liên miên, dắt từ cuộc này sang cuộc khác. Tất nhiên vẫn nhớ lời hẹn của ông. Được đến nhà ông ăn cơm, ngồi với ông, nghe ông nói thì còn gì bằng. Bởi tôi đã được nghe nhiều đàn anh kể chuyện đến nhà ông được ông cho ăn, được nghe ông nói, thú vị vô cùng.

Rồi cứ trôi đi, tới lúc em văn thư của Hội Nhà văn đưa lên phòng họp cho tôi một cái phong bì.

Thú thực là tôi cũng có cái ý nghĩ trong đầu là bác này nổi hứng lên hẹn mình thế chứ chưa chắc bác đã nhớ. Thế nhưng khi bóc cái phong bì ra thì trong tôi vỡ òa xúc động. Thì ra ông Đỗ Chu nổi tiếng thế, cao sang thế, nhưng vẫn nhớ mình, nhớ đến cái lời hẹn cách đấy mấy ngày. Ông còn cẩn thận đến tận văn phòng Hội Nhà văn đón nhưng thấy tôi vẫn đang họp nên ngồi viết hẳn một cái thư đến như thế. Trong thư ông Chu viết: "Tôi đến đón nhưng thấy chú bận quá, cả họp cả bạn bè, nên thôi hẹn chú dịp khác vậy nhé, nhớ giữ gìn sức khỏe".

Dịp khác là cái lần cũng cách đây mấy năm rồi, ông gặp tôi ở quán... bia Trần Nhân Tông. Biết có cả bà xã tôi cũng đang ở Hà Nội, ông bảo mày cho tao tờ giấy tao viết cái thư. Tưởng viết cho ai, té viết cho... tôi.

Tay nhấp nhấp cái bút trên tờ giấy, ông hỏi vợ mày tên gì? Dạ, Yến ạ. Thế là ông thảo: 

Thân gửi Yến và Hùng. Không mấy khi có dịp cả hai cô chú cùng có mặt tại Hà Nội. Đã mấy lần anh hẹn mà chú đều vì bận họp hành bận bịu, nay nhất định phải đến anh, cô chú nhớ từ 5h - 7h anh được đón vợ chồng nhất định tới anh, ăn cơm, chuyện trò trong tình anh em gia đình. Xin cảm ơn nhiều. Không mang quà, đấy là lời dặn. Anh Chu. Anh mong. 

Thuyết phục được vợ tới ăn cơm nhà văn nhân nổi tiếng mà lại không mang theo gì quả là hết sức khó khăn, nhưng rồi cuối cùng tôi đã... chiến thắng. Vợ tôi đồng ý đi tay không cùng tôi tới nhà ông.

Khổ thân, chị Nhu vợ ông đang lọ mọ làm bếp, có ông phụ. Nhõn hai ông bà đón vợ chồng tôi. Mà chị Nhu vợ ông thì bệnh cả chục năm nay một tay ông chăm như chăm con mọn. Ơn giời rồi gặp thầy, bà cũng đỡ, giờ nhúc nhắc giúp ông nấu nướng và đi chợ dưới sân chung cư...

Thấy ông bày trên bàn bốn tập thơ đã hoàn chỉnh bản thảo, chỉ đợi in mà kinh, trong đấy có những bài rất hay, tôi đọc và mê ngay, xin ông một bài mang về in tạp chí tôi đang làm cho nó sang. Và trên tường thì cũng la liệt tranh, ông vẽ, tất nhiên. Thấy rất nhiều văn nhân được ông tặng tranh, đăng lên "phây" khoe tíu tít.

Cơm nhà ông có trám kho cá, rồi lại trám dầm nước mắm. Ông bảo mày siêng, anh gói cho một ít mang về, nhưng tôi... ngại quá, nói đi máy bay nó không cho mang anh ạ... Tất nhiên như bất cứ mâm cơm khách ngoài Bắc nào, thể nào cũng phải có con gà luộc...

Được nghe ông nói chuyện, thú vô cùng. Tôi cứ như anh trò nhỏ ngồi nghe, mà thu nạp, mà học hỏi. Đủ thứ chuyện, hầu như chuyện gì ông cũng biết và đã biết là nhớ vanh vách và khi kể thì còn liên dẫn, còn nhận xét, còn "mở rộng" hết điều...

Ví dụ, mới hôm trước tôi đi cùng nhà văn Phan Đình Minh về Cẩm Giàng quê anh, nơi có địa chỉ Tự lực Văn đoàn nổi tiếng một thời. Dẫu đã nghe Minh và cả ông cụ thân sinh ra Minh, kể nhiều, nhưng khi nhắc với ông Chu thì ông vanh vách hơn nữa, tường tận hơn nữa, cả những chi tiết rất nhỏ... Tôi về viết được cái bút ký "Một trưa Cẩm Giàng" ngoài công rất lớn của nhà văn Phan Đình Minh thì những gì ông Chu kể chiều ấy cũng giúp tôi không nhỏ. Ông nhớ vanh vách tên từng thành viên trong cái đại gia đình nổi tiếng ấy, giải thích tại làm sao thân sinh các cụ Tự lực văn đoàn là cai bưu điện lại đi liền với ga vân vân...

Lâu rồi không gặp ông Chu, thì thấy nhà thơ Hữu Việt nhắc mà nhớ vậy. Một thế hệ nhà văn như ông, quý và hiếm.../.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top