Aa

Lần đầu với Đăk Glei (3)

Thứ Hai, 26/07/2021 - 07:00

Rồi chia tay, hết sức bịn rịn, lưu luyến. Cứ như tiễn nhau ra trận... Tôi thì thấy mình có lỗi, các cô thì lại như mình không chu đáo. Rồi khi học trò rồng rắn đến thì mới chia tay được...

(Tiếp theo và hết)

Khi từ đồn trở ra, chúng tôi chợt nhớ, là đúng vào ngày 20/11.

Vừa đi vừa bẻ hoa rừng, chúng tôi ôm một bó hoa to tướng xuất hiện ở lớp lúc khoảng mười giờ rưỡi khiến ba cô khóc ròng. Và cũng chỉ khi chúng tôi xuất hiện với bó hoa rừng, các cô mới biết ngày hôm ấy là ngày "Hiến chương các nhà giáo". Hình như ngày ấy gọi thế chứ chưa thành "Ngày Nhà giáo Việt Nam" như bây giờ.

Và chúng tôi đã không thể ở lại với các cô đêm ấy, vì chúng tôi đã ở đồn lố một ngày. Mà xe từ Đăk Glei xuống Kon Tum rất khó, đã hẹn xe hôm sau về lại Pleiku thì không thể trù trừ nếu không muốn cả tháng sau còn vạ vật ở Đăk Glei kiếm xe khác.

Chúng tôi ăn trưa với các cô giáo. Hôm ấy có thêm món... thịt chuột. Các cô kể ngày nào cũng ngóng chúng tôi. Theo hẹn là chúng tôi trở lại vào hôm qua, và trưa qua các cô đã nấu cơm chờ chúng tôi, món thịt chuột này là từ hôm qua. Các cô nhờ học trò đi bắt. Hồi ấy, chuột còn nhiều và bắt cũng dễ. Bà con bắt bằng nỏ, trẻ con bắn rất tài. Tôi đã chứng kiến những đứa trẻ dùng nỏ bắn chuột rất thiện nghệ. Tất nhiên là sau này chứ hôm ấy tôi không hình dung nổi tại sao dùng nỏ lại có thể bắn được chuột. Tôi chỉ nghĩ, nỏ bắn được... giặc Pháp, từ tiểu thuyết "Đất nước đứng lên", mà cũng chỉ chảy máu chứ không chết được.

Thịt chuột các cô kho với nước mắm và muối, có nước thịt kho để chấm rau cải luộc. Tôi nói thật, tôi có thể ăn được tất cả mọi thứ, trừ... thịt chuột. Sau này có dịp vào Long An, nhà thơ Đinh Thị Thu Vân đãi chúng tôi món thịt chuột ở giữa Đồng Tháp Mười, hữu tình mọi nhẽ, tôi cứ cầm miếng thịt chuột đưa lên đưa xuống rồi uống rượu suông, say gần chết. Thế nên trưa ấy, cứ nước rau cải chan vào cơm và lùa, tôi vẫn xơi đẫy bụng.

Rồi tất nhiên là chia tay. Hết sức bịn rịn. Hết sức lưu luyến. Cứ như tiễn nhau ra trận. Tôi thì thấy mình có lỗi, các cô thì lại như mình không chu đáo. Rồi khi học trò rồng rắn đến đứng xung quanh thì chúng tôi chia tay được.

Bó hoa rừng chúng tôi tặng, không có gì cắm, đặt tạm trên cái giường đơn của một cô. Cái giường có miếng nilon làm ri đô. Là khi cái thầy cắm bản ở trong điểm kia trở ra thì che gọi là, chứ bình thường có ai mà phải che. Thầy từ làng xa ra đây gọi là về trung tâm, các cô hàng tháng về thị trấn Đăk Glei nhận gạo, nhu yếu phẩm... cũng là về trung tâm. Còn thị xã (giờ là thành phố) Kon Tum ở đâu, các cô không biết.

Ấn tượng Đăk Glei lần đầu của tôi là thế.

Tác giả (thứ 3, từ trái sang) cùng các bạn văn trước bàn thờ cụ Mết ở nhà con trai ông, thị trấn Đăk Glei.

Sau này, cách đây chừng gần hai mươi năm, tôi có kể với Tổng biên tập tờ Khám Phá khi ấy, chị Lương Bích Ngọc. Thừ ra một lúc chị bảo: Em đang có một nguồn quỹ, anh chịu khó tìm lại nơi ấy, xem các cô ấy giờ ở đâu, trường ấy thế nào, mình làm gì đấy cho các cô ấy, trường ấy, như một cách tri ân.

Được lời như cởi tấm lòng, tôi về và nhờ bạn bè, bạn văn, bạn báo trên Kon Tum, hỏi giúp, tìm giúp, viết cả lên trang web cá nhân (hồi ấy chưa có Facebook), nửa năm trời chờ đợi và đành... thất vọng, không thể tìm ra.

Cũng đúng thôi, những năm sau đấy, nơi đây có cả một cái xí nghiệp lâm nông công nghiệp Đăk Glei. Nó... san phẳng những khu rừng nguyên sinh ngày ấy, leo lên tới cả lưng chừng ngọn Ngok Linh. May, cái đỉnh chót vót quanh năm mây phủ kia thì vẫn còn, để giờ người Kon Tum còn tự hào là có khu rừng nguyên sinh, được trao danh hiệu Vườn di sản ASEAN và là khu bảo tồn, vườn quốc gia Việt Nam. Trên ấy đang có loại sâm cực quý là sâm Ngọc Linh.  

Còn cái liên hiệp lâm nông công nghiệp kia, sau nó tự chết. Giờ ai nhắc tới đều kèm một nụ cười buồn, nụ cười thông cảm cho sự ấu trĩ một thời. 

Mà cũng tại chúng tôi nữa, sau đấy là mịt mùng, chả liên hệ gì. Hồi ấy cách liên hệ duy nhất là viết thư, bỏ phong bì, lấy cơm dán, rồi mang ra bưu điện gửi, 10 lá đi khoảng 5 lá tới địa chỉ là quý rồi...

Giờ thì mỗi năm tôi chạy qua Đăk Glei vài ba lần. Năm nhiều thì bốn năm lần. Nó đã là một thị trấn, dẫu chưa sầm uất, nhưng so với ngày xưa ấy, một trời một vực. Nó đổi đời từ hồi đường Hồ Chí Minh chạy qua. Hai "đặc sản" lớn nhất của Đăk Glei bây giờ là cái đèo Lò Xo và quán cơm Quỳnh Thơ. Đèo Lò Xo thì hầu như ai cũng nghe, nhất là sau cái vụ các cụ cựu chiến binh Hà Nội gặp nạn ở đây. Sau đấy thì rất nhiều vụ nữa. Hầu hết, theo tôi và các chuyên gia, là do các tài xế chạy ẩu, không đúng kỹ thuật nên đến lúc cần phanh thì phanh không "ăn" nữa. Nó là con đèo không cao, dốc lài lài, lái a ma tơ như tôi mà qua đấy tôi vẫn vừa thả đèo vừa huýt sáo, thi thoảng hứng lên thì lại dừng xe chụp ảnh. Nhưng nói chung là nó nổi tiếng. Mới nhất tôi chạy từ Huế về, một mình, cũng thấy một ông xe tải dài ngoẵng to kềnh nằm phơi bụng.

Còn quán cơm Quỳnh Thơ thì thú vị ở chỗ quán mà như nhà. Khách vào mới nấu, các món ăn như ở nhà. Dưa cải muối xổi, canh cua cà muối, và đặc biệt là món cá niên đặc sản nhưng giá rất bình dân. Cá niên là loại cá suối chỉ có ở vùng Quảng Nam, nó chuyên bơi ngược suối và chỉ ăn rêu. Chỉ hai đặc điểm ấy đã đủ hình dung nó ngon tới thế nào rồi.

Cũng sau này mới biết, Đăk Glei chính là nơi ông Mết từng làm Chủ tịch mặt trận huyện. Chắc mọi người còn nhớ người đàn ông tên Mết trong tác phẩm "Rừng xà nu" nổi tiếng một thời. Nên sau này, tôi có tới mấy lần quay lại đây chỉ để tìm ông Mết, tìm rừng xà nu. Y như cái thời mới lên Pleiku, tôi cứ nghĩ ông Núp đã... hy sinh, rồi đến khi biết ông vẫn còn thì hăm hở đi tìm, và khi tìm ra thì phát hiện chính là cái ông thi thoảng tôi gặp trên đường vào các buổi chiều, nguyên bộ com lê nhưng trên vai đội đứa cháu, và đứa cháu thì tè từ vai ông xuống, ướt cả râu lẫn áo. 

Giờ, từ Pleiku chạy lên Đăk Glei, tôi thường chần chừ ăn sáng, cà phê ở Pleiku tới tầm 9 giờ mới chạy. 12 giờ tới Đăk Gleik, ăn trưa quán Quỳnh Thơ là vừa, ăn xong chạy tiếp về Đà Nẵng, kịp tắm biển, tất nhiên là nói những ngày chưa diễn ra đại dịch Covid.../.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top