Aa

Làng bích họa Tam Thanh mới và cũ

Chủ Nhật, 14/05/2023 - 08:48

Thời gian qua, những bức tranh vẽ mới tại làng bích họa Tam Thanh (xã Tam Thanh, TP. Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam) gặp phải nhiều tranh cãi về một số tác phẩm không phù hợp với văn hóa và con người địa phương.

Người dân phản ứng bởi vì làng bích họa nhiều năm nay đã trở thành một phần trong cuộc sống, là một nét văn hóa riêng của địa phương. Con người nơi đây tích cực trong việc gìn giữ những bức tranh vì họ tôn trọng sự kết nối mỹ thuật giữa hai nước Việt Nam và Hàn Quốc và lợi ích mà nó đem lại cho dân địa phương.

làng bích họa tam thanh, bích họa
Làng biển Tam Thanh vào hội. (Ảnh: Huỳnh Trương Phát)

Năm 2016, làng bích họa Tam Thanh nổi lên với từ khóa "ngôi làng bích họa đầu tiên ở Việt Nam", nhờ những bức tranh 3D sống động, được vẽ lên tường của hơn 100 ngôi nhà với đề tài biển, sinh hoạt của người dân. Những tác phẩm tranh là sự kết hợp giữa họa sĩ 2 nước Việt Nam - Hàn Quốc trong dự án mỹ thuật của Quỹ giao lưu quốc tế Hàn Quốc (The Korea Foundation - KF). Thời điểm đó, lượng khách du lịch đổ về đây vô cùng đông đúc, tạo hiệu ứng phát triển tích cực cho du lịch địa phương, mang lại nguồn kinh tế đáng kể cho người dân.

làng bích họa tam thanh, làng bích họa
Con đường thuyền thúng ở làng biển Tam Thanh một thời. (Ảnh: HT)

Ông Đỗ Đình Đồng (58 tuổi, người dân địa phương), cho rằng từ khi có làng bích họa thì cuộc sống của người dân nơi đây được nâng lên, trước mắt là tinh thần văn hóa của người dân, thứ hai là đời sống thu nhập. Khách đến đông, nên buôn bán cũng nhờ vào đó mà phát triển.

Trước đó, Tam Thanh là làng nghề mắm truyền thống nhưng đang có nguy cơ mai một, sau khi được biết đến với danh hiệu làng bích họa đã kéo theo sự hồi sinh và phát triển của nghề này.

Bà Kiều Thị Ngọc Loan (49 tuổi, chủ cơ sở mắm Thanh Loan), cho biết: "Khoảng thời gian đầu, sau khi người Hàn Quốc đến vẽ tranh lên tường, thì hộ kinh doanh phát triển lên nhờ lượng khách du lịch đến với làng bích họa. Đỉnh điểm là năm 2017, 2018, lúc đó dịch chưa bùng phát, nên mỗi ngày đều có rất nhiều khách du lịch đến đây. Họ ghé mua mắm để làm quà lưu niệm, thu nhập của gia đình cũng trở nên khá hơn nhờ đó".

làng bích họa tam thanh, du lịch
Cần có một sự định hình rõ ràng hơn trong việc phát triển du lịch đối với mô hình làng bích họa. (Ảnh: Minh Nguyệt - Mỹ Dung - Lệ Thành)
làng bích họa tam thanh, bích họa, làng bích họa
Làng bích họa Tam Thanh được tô thêm nhiều màu áo mới sau thời gian dài. (ẢNH: Minh Nguyệt - Mỹ Dung - Lệ Thành)

Những bức bích họa bằng nét vẽ sống động với nội dung về cuộc sống sinh hoạt hằng ngày, cuộc sống mưu sinh nghề biển, nghề mắm,... tạo nên sự thu hút đặc biệt với giới trẻ trong nước, cũng như khách nước ngoài. Cuộc sống, sinh hoạt mộc mạc, giản dị, chân chất của con người nơi đây được thể hiện qua những bức tranh nghệ thuật như hòa mình vào hơi thở của cuộc sống, màu sắc làm cho du khách thấu hiểu hơn về văn hóa bản địa.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, khi những bức tranh trên tường nhà dân ở làng biển Tam Thanh được vẽ lại thì đã gây ra nhiều ý kiến trái chiều, nhiều người dân cho rằng những tác phẩm mới không phù hợp văn hóa bản địa. Người dân nói rằng một số bức họa có tính trừu tượng quá cao, không phù hợp với không gian làng biển. Nhiều người cho biết họ không bàn sâu về những bức tranh đó có đẹp hay xấu, bởi trong nghệ thuật sẽ có nhiều hướng và cách nhìn khác nhau như: nghệ thuật cộng đồng, ứng dụng, sáng tác mang hướng hiện đại, trừu tượng... Và bản thân tác giả bức họa sẽ cảm được nội dung, ý nghĩa tác phẩm của họ, nhưng người thụ hưởng lại có cách nhìn khác về câu chuyện tác giả truyền tải.

làng bích họa tam thanh, bích họa
Nhiều ý kiến trái chiều trong việc “làm mới” những bức họa tại Tam Thanh. (ẢNH: Minh Nguyệt - Mỹ Dung - Lệ Thành)

Thực tế cho thấy rằng, những bức tranh đó không phù hợp với yếu tố cộng đồng và đề tài biển của người dân nơi đây. Mỗi bức tranh đều có cái đẹp riêng, nhưng đây là tranh chung của cộng đồng người dân làng biển Tam Thanh. Đôi khi sự mới lạ đó lại xa lạ với người dân, không thể hiện được nét đặc trưng nơi đây, chính là biển, những con thuyền, lưới cá, chum mắm,... Họa sĩ Phạm Đình Hải, người đã tham gia vẽ tranh tại làng bích họa Tam Thanh từ năm 2016, khẳng định: "Vẽ cho công chúng, chứ không vẽ cho riêng mình". Anh Hải cho biết, người dân nơi đây thích những gì gần gũi với cuộc sống của họ, để tạo một dấu ấn riêng.

Ông Trần Chánh Học (71 tuổi, người dân làng biển Tam Thanh) chia sẻ: "Trước thì du khách đến đông lắm, họ mua những vật phẩm do người dân ở đây bán ra, cũng giúp cho người dân phần nào về kinh tế. Du lịch cũng không phải một sớm một chiều, mình phải có những thay đổi, để lôi kéo thêm nhiều khách du lịch đến địa phương, cũng để giới thiệu Tam Thanh đến với mọi người. Mong có thêm những chính sách mới, để nền du lịch này càng phát triển hơn nữa".

Năm 2016, dự án mỹ thuật cộng đồng Quỹ giao lưu quốc tế Hàn Quốc với sự tham gia sáng tác của các họa sĩ, sinh viên Hàn Quốc và Việt Nam. Dự án tạo tiếng vang lớn cho làng biển Tam Thanh và từ đó địa phương này được biết đến với tên gọi làng bích họa đầu tiên ở Việt Nam. Sức ảnh hưởng của những bức bích họa đã mang lại nhiều mặt tích cực trong du lịch và kinh tế địa phương. Tháng 6/2019, UBND TP. Tam Kỳ khai trương Con đường nghệ thuật thuyền thúng tại xã Tam Thanh nhân dịp sự kiện Festival Du lịch biển Tam Kỳ 2019, kết nối để phát triển, không gian nghệ thuật cộng đồng.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top