Làng ở phía rừng
Sau này, dù có đi đâu thật xa, mỗi khi ngoái lại, trong tôi vẫn đầy mến thương ngôi làng ấy, nhà sàn nằm xen lẫn với nhà mái ngói, tiếng Tày lẫn với tiếng Kinh, và những buổi chiều tắt nắng, trai gái rộn rã náo nhiệt trêu đùa nhau bằng cả hai thứ tiếng trên dòng suối nhỏ giữa làng...
Tôi là người Kinh, nhưng lại được sinh ra ở một ngôi làng người Tày. Cuối những năm sáu mươi của thế kỷ trước, bố mẹ tôi cùng với rất nhiều gia đình từ một làng quê Bắc bộ, đã thực hiện một cuộc di cư lớn. Cuộc di cư làm thay đổi nhiều số phận, nhiều gia đình, dòng họ. Trong cái mất mát của sự tan tác chia lìa với mảnh đất tổ tiên, có một niềm hy vọng tràn trề về một tương lai tươi rói ở phía trước.
Thực sự là một cuộc sống mới. Bố tôi mua một khoảnh rừng, nằm gọn trong thung lũng, của một gia đình người Tày. Gọi là mua chứ thực ra cũng chẳng đáng gì. Rừng núi mênh mông, người ở thưa thớt, làng chỉ cần mở lòng mình ra là đã có thể dung chứa, đón nhận hàng trăm hộ gia đình miền xuôi lên lập nghiệp. Và làng đã mở lòng ra mà không hề toan tính. Bố tôi dọn dẹp cái thung lũng ấy bằng đôi tay đã cầm vô lăng suốt những năm kháng chiến chống Pháp. Ông là lính lái xe kéo pháo lên Điện Biên Phủ và sau này phục viên thì chuyển sang lâm nghiệp, tiếp tục lái xe trên khắp những cung đường cheo leo hiểm trở của miền cực Bắc. Chúng tôi có nhà, có vườn, có ao, với một dòng suối nhỏ trong vắt chảy từ trong khe núi ra. Dòng suối ấy cung cấp nước cho mấy cái ao, cung cấp nước cho khu vườn. Và chảy bên dưới đường cái, ra sông Lô.
Rồi một ngày, tôi cất tiếng khóc chào đời trong cái thung lũng ấy. Tôi đã lớn lên bằng những giọt mồ hôi của cha mẹ, bằng nước của dòng suối nhỏ và bằng sản vật của rừng. Bây giờ nghĩ lại, cảm giác như những năm tháng bé thơ đã trôi qua như một bộ phim, ở vào cái thời nảo thời nào xa xôi lắm.
Làng ở trong rừng, rừng nuôi làng và làng trả ơn rừng bằng lối sống hiền hoà, êm ấm. Người Tày với tập quán canh tác là trồng lúa nước, chăn nuôi gia súc, gia cầm, nên thường chọn những vùng thung lũng, bằng phẳng và gần sông suối, để lập làng. Ngôi làng ấy đã có hàng trăm năm, với nhiều thế hệ người Tày sinh sống. Khi làng lặng lẽ đón nhận thêm hàng trăm hộ gia đình người Kinh ở Nam Định, Thái Bình, lên khai hoang, lập nghiệp, đất làng không đủ để trồng lúa, nhưng cũng tạm đủ vườn, bãi để chăn nuôi, trồng hoa màu và dựa vào rừng, vào sông làm nguồn sống.
Điều kỳ lạ là chúng tôi đã hoà mình vào đời sống của người bản địa, từng chút từng chút một, năm này qua tháng khác, vài thập kỷ đã trôi qua, làng ngày một đông lên, nhưng chưa bao giờ có xô xát, mâu thuẫn giữa những gia đình người Tày với người Kinh. Có thể có mâu thuẫn giữa nội bộ hai thành phần, nhưng mâu thuẫn giữa hai bên tới mức căng thẳng thì chưa bao giờ. Mấy chục năm sống ở làng, tôi nhận thấy từng chút một sự dịch chuyển trong phong tục, tập quán, lối sống, sinh hoạt của hai bên.
Người Kinh ở Nam Định, Thái Bình lên, thường dùng cuốc để làm cỏ, nhưng thấy người Tày dùng một thứ dụng cụ mà họ gọi là quà, tức cái cuốc bướm, mà nó hiệu quả hơn rất nhiều, thì cũng chuyển sang dùng thử. Thấy người Tày dùng dao quắm để phát nương rất nhanh, gọn gàng, thì người Kinh cũng dùng dao quắm. Người Tày vốn ăn Tết rằm tháng Bảy to lắm, to nhất trong năm, thì rồi thấy người Kinh năm nào cũng linh đình Tết Nguyên Đán, cũng dần dần cùng ăn Tết Nguyên Đán. Thế là từ lúc nào đó, làng có hai cái Tết. Người Kinh ăn chung Tết rằm tháng Bảy, người Tày ăn chung Tết Nguyên Đán. Bánh trái bên này mang tặng bên kia ăn thử, bên kia lại sang bên này gói hộ, luộc hộ.
Tôi học cấp một, cấp hai ở trường làng. Ngày ngày nửa buổi đến lớp, nửa buổi ra suối, ra sông, lên rừng. Rừng ở đây chia theo dòng họ. Mỗi dòng họ một vài khu rừng. Nơi là rừng cọ, nơi là rừng vầu, nơi chỉ đầy những cây lấy gỗ. Và đặc biệt nữa, mỗi dòng họ lại có một khu rừng mả. Khu rừng ấy không bao giờ bị chặt phá, dù là một cành củi khô. Trẻ con, người lớn không bao giờ bước chân vào, trâu bò thì thi thoảng tự lang thang đi lạc vào đấy.
Nếu như giữa một cánh đồng lúa nhấp nhô bậc thang thoai thoải ra sông mà đột nhiên lại có một khu rừng nhỏ, một chòm cây cổ thủ xanh rì, cảm giác dưới tán cây ấy là một khoảng tối om, lạnh toát, thì đó chính là rừng mả của một dòng họ nào đó. Cho đến tận bây giờ, những năm này của thế kỉ 21, làng vẫn còn những khu rừng mả yên tĩnh, tách biệt, bí hiểm như thế.
Người Tày không vào rừng mả, nhưng trẻ con người Kinh thì dám, vì tò mò. Tôi luôn háo hức khi đứng trước một khu rừng mả. Tôi không sợ ma và luôn tin rằng khi chết đi người ta chỉ đơn giản là ngủ một giấc và sau đó sẽ phiêu du sang một thế giới khác, đẹp đẽ, kỳ ảo. Tất nhiên chỉ vào chơi, chứ không dám chặt cây, lấy củi, đào măng. Dưới những tán cây tối om ấy, thi thoảng có một ngôi nhà mồ mới dựng. Người Tày có phong tục mỗi người qua đời thì sẽ được mang đi đủ mọi dụng cụ hàng ngày phục vụ cho đời sống, và những món đồ đó được để trong ngôi nhà mồ nhỏ xinh, lợp lá cọ, vách bằng tre vầu. Trước cửa ngôi nhà mồ có một tấm bia đá, trên đấy khắc chữ nôm Tày. Có lẽ cũng như mọi tấm bia khác, ghi họ tên của người quá cố. Lá khô rụng dày, xốp và êm ái như một tấm thảm.
Những con cuốn chiếu to khủng khiếp bò đi trên lá, động vào là cuộn tròn. Những con sóc với cái đuôi rất dài nhảy vun vút trên cành. Những bọ que dài loằng ngoằng... Tôi có cảm giác mình đang khua một khu rừng thức dậy khi mà nó đang ngủ yên. Rừng ngủ yên như là những người qua đời đã ngủ yên và bỏ lại trên đời tất cả những ồn ào, vất vả, bỏ lại cả vui vẻ lẫn buồn phiền.
Và tôi nhận ra, sau nhiều năm làng dung chứa trong mình hai tộc người, bên cạnh những giao thoa, biến đổi, thích nghi hòa quện, thì vẫn có những cái bất biến. Trong đó có nghi lễ tinh thần đối với những đứa trẻ mới chào đời và những người già vừa ra đi. Người ta có thể thay đổi một vài chi tiết trong đám cưới, cô dâu Tày có thể vừa mặc trang phục truyền thống, lại vừa mặc áo dài. Nhưng đám tang thì tuyệt đối không xê dịch, đổi thay. Phải chăng quan niệm về sự ra đi quá khác biệt, vì thế mà cái cách tiễn người đi cũng nhất định khác biệt?
Trong cái chuỗi năm tháng kỳ lạ của đời người ấy, có rất nhiều điều người ta không thể lường trước được. Như là bố mẹ tôi, cũng như nhiều ông bà khác, đã từng nghĩ rằng sau này chết thì sẽ về tận Nam Định, Thái Bình mà nằm cạnh tổ tiên. Nhưng rồi ở mãi trong ngôi làng ấy, sinh con đẻ cái, dâu rể, cháu chắt đông đàn dài lũ, lại tự dưng nhận ra, đấy mới chính là mảnh đất mà mình vừa biết ơn vừa mang nợ. Và tận đáy lòng là một niềm biết ơn sâu sắc tới những người dân bản địa, đã lặng lẽ cưu mang, chia sẻ, mở rộng tấm lòng để dung chứa tất cả những ồn ào khác biệt, cả những phiền toái phức tạp.
Sau này, dù có đi đâu thật xa, mỗi khi ngoái lại, trong tôi vẫn đầy mến thương ngôi làng ấy, nhà sàn nằm xen lẫn với nhà mái ngói, tiếng Tày lẫn với tiếng Kinh, và những buổi chiều tắt nắng, trai gái rộn rã náo nhiệt trêu đùa nhau bằng cả hai thứ tiếng trên dòng suối nhỏ giữa làng...