Lãng phí đất đai: Nhìn từ thực trạng sử dụng đất sai mục đích ven tuyến đường vành đai 3

Lãng phí đất đai: Nhìn từ thực trạng sử dụng đất sai mục đích ven tuyến đường vành đai 3

Thứ Năm, 26/12/2024 - 10:06
Xung quanh tuyến đường vành đai 3 Hà Nội hàng loạt nhà xưởng, bãi trông giữ xe, ki ốt… mọc trên đất quy hoạch dự án chưa được triển khai đang gây lãng phí nguồn lực đất đai, đồng thời khiến bộ mặt thủ đô trở nên nhếch nhác.

Lời tòa soạn!

Tuyến đường vành đai 3 tại Hà Nội đi vào hoạt động được nhiều năm đã và đang mang lại rất nhiều giá trị tích cực cho sự phát triển chung của xã hội. Dọc 2 bên tuyến đường, nhiều dự án nhà ở, chung cư cao tầng cũng vì thế mà được hưởng lợi. Nhiều doanh nghiệp lớn chọn những quỹ đất 2 bên đường để phát triển hệ thống các khu đô thị, nhà ở… tạo ra những giá trị tích cực cho người dân, đóng góp không nhỏ vào sự phát triển của Thủ đô.

Tuy nhiên, bên cạnh những giá trị mà tuyến đường này mang lại, dọc 2 bên tuyến đường vành đai 3 vẫn còn nhiều bất cập trong công tác quản lý đất đai, xây dựng khiến cho bộ mặt thủ đô trở nên nhếch nhác. Điển hình trong số đó có thể kể đến những dự án khu đô thị chưa được triển khai nhưng quỹ đất để thực hiện dự án đã bị biến tướng thành hàng loạt nhà xưởng, ki ốt, bãi trông giữ xe…

Phân tích về tình trạng trên, các chuyên gia cho rằng có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến tình trạng bất cập này, trong đó có 2 nguyên nhân chính là do do việc triển khai các quy định của pháp luật, và việc kiểm tra giám sát của các cấp chính quyền sở tại.

Các chuyên gia cũng cho rằng lãng phí nguồn tài nguyên đất đai không chỉ gây thất thoát ngân sách Nhà nước mà còn có thể để lại những hậu quả không kém so với tham nhũng. Chính vì vậy các cơ quan quản lý Nhà nước cần phải vào cuộc thật sự quyết liệt, nghiêm túc và không có vùng cấm đối với bất kể một sai phạm nào liên quan đến việc sử dụng đất sai mục đích này.

Để có góc nhìn khách quan về hàng loạt dự án dử dụng đất sai mục đích, gây lãng phí nguồn tài nguyên đất đai, Reatimes khởi đăng tuyến bài: "Buông lỏng quản lý đất đai gây lãng phí"

Tuyến bài sẽ nghiên cứu, đánh giá khách quan về những nguyên nhân của tình trạng trên, đồng thời đưa ra những giải pháp, phân tích và nhận định từ các cơ quan chuyên môn, các nhà phân tích, các chuyên gia đầu ngành. Từ đó, đưa ra nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ các cơ quan quản lý nhà nước có những biện pháp quản lý nguồn tài nguyên đất đai một cách hiệu quả và tích cực nhất.

Theo nghiên cứu và khảo sát của phóng viên Reatimes, đường vành đai 3 có chiều dài 68km, hướng tuyến Nam Thăng Long - Mai Dịch - Pháp Vân - Cầu Thanh Trì - Sài Đồng - Ninh Hiệp - Đồng Xuân và nối vào đường Bắc Thăng Long - Nội Bài. Đoạn cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên - Nội Bài (14km) chưa được đầu tư.

Từ khi đi vào hoạt động, đường vành đai 3 đã tạo ra nhiều giá trị cho sự phát triển của kinh tế Thủ đô. Tuyến đường vành đai này cũng được đánh giá là một trong những tuyến đường huyết mạch, góp phần giảm tải cho các tuyến đường của Hà Nội.

Lãng phí đất đai: Nhìn từ thực trạng sử dụng đất sai mục đích ven tuyến đường vành đai 3- Ảnh 1.

Toàn cảnh khu đô thị Gamuda Gardens, phường Trần Phú (Hoàng Mai, Hà Nội) tạo nên điểm nhấn về sự khang trang, hiện đại (Ảnh: Gamudacityhanoi)

Tại nhiều vị trí hai bên tuyến đường vành đai 3 đi qua, đã và đang có nhiều khu đô thị khang trang, hiện đại, với nhiều tiện ích phù hợp, là sự lựa chọn tin cậy cho người dân. Điển hình trong số đó có thể kể đến như: Khu nhà ở Ecohome 3 phường Đông Ngạc, Khu đô thị Gamuda Gardens tại quận Hoàng Mai, khu chung cư Hateco…

Bên cạnh đó, tại nhiều quận huyện mà tuyến đường này đi qua, vẫn còn tình trạng quỹ đất hai bên đường vẫn chưa được triển khai, tình trạng nhiều lô đất quây tôn nhiều năm, hoặc biến tướng thành loạt nhà xưởng, kho bãi, ki ốt… đang khiến cho bộ mặt đô thị quanh tuyến đường trở nên nhếch nhác.

Lãng phí đất đai: Nhìn từ thực trạng sử dụng đất sai mục đích ven tuyến đường vành đai 3- Ảnh 2.
Lãng phí đất đai: Nhìn từ thực trạng sử dụng đất sai mục đích ven tuyến đường vành đai 3- Ảnh 3.

Bộ mặt nhếch nhác hai bên đường Vành đai 3, đoạn Nguyễn Xiển. (Ảnh: Trọng Hiếu)

Cụ thể, tại khu vực dọc đường vành đai 3 đoạn qua phường Hạ Đình (quận Thanh Xuân), phường Đại Kim (quận Hoàng Mai) và xã Tân Triều (huyện Thanh Trì) thuộc Dự án Khu đô thị Tây Nam Kim Giang I, tình trạng hàng loạt lô đất được quy hoạch làm trường học, công viên cây xanh... lại xuất hiện hàng loạt nhà xưởng, gara ô tô, nhà hàng, quán ăn thậm chí là cả trạm trộn bê tông.

Khảo sát của phóng viên Reatimes vào tháng 12/2024 cho thấy, hàng loạt nhà xưởng hai bên đường vành đai 3 cách trụ sở UBND xã Tân Triều (huyện Thanh Trì) không xa đang được đưa vào hoạt động. Các nhà xưởng này được sử dụng với nhiều mục đích khác nhau như làm kho chứa vật liệu xây dựng, kho gia công, thậm chí có những nhà kho lớn còn được tận dụng làm sân pickleball.

Lãng phí đất đai: Nhìn từ thực trạng sử dụng đất sai mục đích ven tuyến đường vành đai 3- Ảnh 4.

Đất quy hoạch Dự án Khu đô thị Tây Nam Kim Giang I xuất hiện hàng loạt nhà xưởng, ki ốt (Ảnh: Trọng Hiếu)

Phía mặt đường vành đai 3 trên địa bàn các xã Tân Triều, Thanh Liệt, Đại Kim cũng xuất hiện hàng loạt gara ô tô, bãi trông giữ xe…

Dọc đường vành đai 3 trên địa bàn phường Hoàng Liệt, hàng loạt dự án cũng trong tình trạng quây tôn, bên trong các dự án này được sử dùng thành các bãi trông xe, bãi thu mua phế liệu…Theo phản ánh, ngoài đất dự án, ven đường vành đai 3 thuộc phường Hoàng Liệt còn xuất hiện tình trạng biến tướng hàng nghìn m2 đất công thành địa điểm kinh doanh. Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại địa bàn có tuyến vành đai 3 đi qua như: phường Yên Sở, Lĩnh Nam, Trần Phú… của quận Hoàng Mai.

Lãng phí đất đai: Nhìn từ thực trạng sử dụng đất sai mục đích ven tuyến đường vành đai 3- Ảnh 5.
Lãng phí đất đai: Nhìn từ thực trạng sử dụng đất sai mục đích ven tuyến đường vành đai 3- Ảnh 6.
Lãng phí đất đai: Nhìn từ thực trạng sử dụng đất sai mục đích ven tuyến đường vành đai 3- Ảnh 7.

Nhếch nhác ven đường vành đai 3 đoạn qua địa bàn phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai (Ảnh: Trọng Hiếu)

Có thể nhận thấy, tình trạng các dự án chưa được triển khai, sử dụng sai mục đích tại các khu vực ven đường vành đai 3 đang khá phổ biến suốt nhiều năm qua, tuy nhiên đến thời điểm hiện tại các cấp chính quyền sở tại vẫn chưa có giải pháp nhằm tháo gỡ, xử lý dứt điểm.

Phân tích về vấn đề này, Chuyên gia của Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam cho rằng, có 2 nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên:

Thứ nhất, là do việc kiểm tra giám sát của địa phương: Trong hồ sơ quản lý của địa phương các thông tin về chủ sử dụng, mục đích sử dụng, diện tích được giao, cho thuê… đã rất cụ thể, như vậy không hề khó khăn trong việc xác định những thửa đất nào đang sử dụng sai mục đích, đang lấn chiếm hoặc bị lấn chiếm.

Thứ hai, là do việc triển khai các quy định của pháp luật: Thực tế quy định của pháp luật về đất đai đã ngày càng được hoàn thiện và đầy đủ hơn, nhưng cũng dễ dàng nhận thấy việc sử dụng đất sai mục đích thường diễn ra ở những khu vực có tốc độ phát triển kinh tế cao hoặc những khu vực có giá trị gia tăng về kinh tế, thuận lợi cho giao thông hoặc kinh doanh. Việc cho phép chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp (do diện tích nhỏ hoặc điều kiện xung quanh không phù hợp) sang mục đích phi nông nghiệp đã có những quy định đầy đủ. Tuy nhiên, việc triển khai tại các địa phương thường rất chậm và có khi không được phản hồi lại trước các yêu cầu chuyển đổi của người sử dụng đất.

Trao đổi với phóng viên Reatimes về những nội dung trên, ông Nguyễn Thế Điệp - Phó Chủ tịch CLB Bất động sản Hà Nội - đánh giá, lãng phí nguồn tài nguyên đất đai gây mất mát và có thể để lại hậu quả không kém so với tham nhũng, chính vì vậy các cấp chính quyền phải thực sự có trách nhiệm trước những dự án bỏ hoang, nhiều năm không đưa vào sử dụng hoặc sử dụng đất sai mục đích.

Lãng phí đất đai: Nhìn từ thực trạng sử dụng đất sai mục đích ven tuyến đường vành đai 3- Ảnh 8.

Ông Điệp cho rằng: "Chúng ta cần chế tài đến từng cấp chính quyền địa phương khi để xảy ra tình trạng trên , bởi chính quyền là đơn vị gần nhất giám sát, đôn đốc, theo dõi. Các cấp chính quyền phải vào cuộc, nếu là do yếu tố khách quan thì phải tìm cách tháo gỡ và thay đổi sao cho phù hợp với thực trạng chung. Nếu mà do yếu tố chủ quan, đối với một số dự án cố tình chậm triển khai, sử dụng sai mục đích để "găm" giá, đợi giá lên và trục lợi từ việc sử dụng sai mục đích sử dụng đất thì phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật".

"Đối với một số khu đất là đất dự án, đất nông nghiệp chưa đưa vào sử dụng nhưng lại xuất hiện loạt nhà xưởng, ki ốt… trong khi đó Nhà nước thì không thu được ngân sách từ việc hoạt động kinh doanh khi chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất này thì rõ ràng cần rà soát, kiểm tra lại đối với từng dự án, chứ không phải cứ nói chung chung là rà soát, kiểm tra lại hàng trăm dự án trên địa bàn Hà Nội", ông Điệp nhấn mạnh.

Theo Chuyên gia của Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam: Trong thực tế việc sử dụng đất không đúng mục đích đã được giao hoặc cho thuê diễn ra rất phổ biến vì bản chất đất đai là nguồn tài nguyên đem lại giá trị sử dụng rất cao đặc biệt tại ven các đường giao thông có mật độ đi lại lớn.

Vì vậy, cũng dễ hiểu nếu hầu như toàn bộ phần diện tích đất tại ven tuyến được vành đai 3 đều được sử dụng vào mục đích thương mại, dịch vụ và nếu không được chấn chỉnh hoặc có các giải pháp kiên quyết thì tình trạng này sẽ vẫn tiếp diễn, gia tăng mức độ phức tạp (chuyển nhượng qua tay nhiều người, tệ nạn xã hội phát sinh…).

"Chúng ta cần khẳng định một điều là việc triển khai xây dựng tuyến đường vành đai 3 đã được thực hiện theo đúng theo quy hoạch tổng thể về phát triển chung các tuyến đường vành đai xung quanh địa phận TP. Hà Nội, cũng như quy hoạch chi tiết được phê duyệt. Đồng thời các khu vực xung quanh cũng đã có quy hoạch chi tiết về các hạng mục sẽ thuộc phạm vi an toàn giao thông hoặc thuộc các mục đích sử dụng đã có trong quy hoạch sử dụng đất chi tiết được phê duyệt (các loại đất cũng đã được đưa vào sử dụng với các mục đích rõ ràng theo hình thức giao đất cho thuê đất cho các nhân, tổ chức, hoặc giao cho UBND xã phường quản lý). Đối với việc sử dụng sai mục đích đất xung quanh khu vực tuyến đường vành đai 3 là do chủ ý của người sử dụng đất vì các mục đích kinh tế hoặc một số mục đích khác chứ không thể "đổ lỗi" do nguyên nhân "không biết hoặc không có trong quy hoạch...", vị chuyên gia chia sẻ. 

Công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn TP Hà Nội lâu nay vẫn là một vấn đề còn tồn đọng nhiều bất cập. Không chỉ xét đến chuyện vi phạm trật tự xây dựng đơn lẻ, mà hàng loạt kho xưởng, ki-ốt được xây dựng và hoạt động trên đất dự án đang là một vấn đề vô cùng nhức nhối.

Theo nghiên cứu của phóng viên Reatimes, ngày 2/3/2022, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chỉ thị số 14-CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, quản lý đô thị và trật tự xây dựng trên địa bàn Thành phố.

Về công tác quản lý trật tự xây dựng, Chỉ thị 14 nêu rõ, Ban Thường vụ Thành ủy yêu cầu các cấp, các ngành, đặc biệt là UBND các quận, huyện, thị xã cần chấn chỉnh kỷ cương, thực hiện chế độ xử lý trách nhiệm nếu để xảy ra vi phạm trong quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn.

Ban Thường vụ Thành ủy yêu cầu, hàng năm, các địa phương phải tổ chức kiểm điểm kết quả thực hiện nhiệm vụ; làm tốt công tác khen thưởng, biểu dương các cá nhân, tập thể tiêu biểu trên địa bàn; xử lý trách nhiệm người đứng đầu, cán bộ trực tiếp làm công tác quản lý có hành vi vi phạm hoặc buông lỏng quản lý, để xảy ra các sai phạm.

Lãng phí đất đai: Nhìn từ thực trạng sử dụng đất sai mục đích ven tuyến đường vành đai 3- Ảnh 9.

Các dự án chậm triển khai, sử dụng đất sai mục đích gây lãng phí tài nguyên đất (Ảnh: Trọng Hiếu)

Sau Chỉ thị 14, công tác quản lý Nhà nước về trật tự xây dựng đã được thực hiện tốt hơn. Tuy nhiên, còn một số địa phương vẫn để vi phạm xảy ra mà không được ngăn chặn kịp thời và xử lý dứt điểm. Bên cạnh đó, còn những tồn tại kéo dài chưa có phương hướng giải quyết cụ thể.

Trước những tồn tại kéo dài, Ban Cán sự Đảng UBND TP Hà Nội đã ban hành Văn bản số 158-CV/BCSĐ ngày 28/3/2023, về việc xây dựng kế hoạch khắc phục hạn chế, khuyết điểm trong công tác quản lý trật tự xây dựng, được chỉ ra sau Hội nghị kiểm điểm năm 2022 của Ban Cán sự Đảng và tập thể lãnh đạo UBND TP.

Ngày 7/4/2024, UBND TP. Hà Nội đã ban hành Kế hoạch 182/KH-UBND để triển khai công văn của Ban Cán sự Đảng Thành phố, nội dung kế hoạch ngoài phân công nhiệm vụ cụ thể còn quy định trách nhiệm của UBND các quận, huyện, thị xã như: Chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật và UBND TP Hà Nội về tình hình quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn.

Mới đây nhất, ngày 20/11/2024, UBND TP Hà Nội đã tổ chức Hội nghị công bố Quyết định thành lập "Ban Chỉ đạo về thực hiện các biện pháp phòng, chống lãng phí của UBND TP Hà Nội".

Ban Chỉ đạo có 22 thành viên là lãnh đạo UBND TP và giám đốc, thủ trưởng các sở, ngành sẽ trực tiếp chỉ đạo, điều hành việc rà soát, xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện hiệu quả Kế hoạch thực hiện các biện pháp phòng, chống lãng phí của TP Hà Nội năm 2025 và các năm tiếp theo theo từng ngành, lĩnh vực.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh, công tác phòng, chống lãng phí không phải việc bây giờ thành phố mới làm, thời gian qua, thành phố đã tập trung nhận diện, rà soát 712 dự án vốn ngoài ngân sách chậm triển khai. Có những dự án kéo dài chục năm chưa triển khai, có những dự án thu hồi dở dang gây lãng phí. Thành phố đưa các dự án vào diện tháo gỡ để vận hành lại. Với các dự án không thể triển khai vì nhiều lý do khách quan, pháp lý, TP đã tiến hành thu hồi.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội khẳng định, chậm về thời gian thực hiện dự án, chưa quản lý hiệu quả các nguồn lực cũng là những điều gây lãng phí rất lớn. Chính vì vậy, việc thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện các biện pháp phòng, chống lãng phí thể hiện một góc nhìn mới về việc phòng, chống lãng phí của thành phố.

Qua khảo sát, nghiên cứu tại một số dự án dọc đường vành đai 3 trên địa bàn TP Hà Nội cho thấy, việc xử lý tình trạng sử dụng đất sai mục đích vẫn chưa đạt được những hiệu quả thiết thực, gây thất thoát, lãng phí nguồn tài nguyên đất.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top