Lạng Sơn là mảnh đất nơi địa đầu của Tổ quốc và đây cùng là mảnh đất có nhiều tiềm năng, lợi thế về phát triển công nghiệp chế biến, nông nghiệp công nghệ cao, thương mại và du lịch… Thời gian qua, nhiều nhà đầu tư đã và đang triển khai các dự án trên các lĩnh vực này tại tỉnh.
“Thỏi nam châm” thu hút đầu tư
Minh chứng rõ nhất là số dự án đầu tư vào Khu Kinh tế cửa khẩu (KTCK) Đồng Đăng – Lạng Sơn tăng mạnh trong những năm qua. Từ 2008 đến hết năm 2023, có 154 dự án đầu tư sử dụng vốn đầu tư ngoài ngân sách vào Khu KTCK Đồng Đăng – Lạng Sơn, trong đó giai đoạn 2016-2023, tại khu vực này đã thu hút được 77 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký là trên 11,7 nghìn tỷ đồng.
Ông Vũ Quang Khánh, Phó Trưởng Ban phụ trách Ban Quản lý Khu KTCK Đồng Đăng – Lạng Sơn cho biết: Các dự án đầu tư vào Khu KTCK đã góp phần hoàn thiện hạ tầng khu vực cửa khẩu, đặc biệt là từng bước chuẩn hóa hệ thống kho bãi, các dịch vụ logictics..., từ đó giúp nâng cao hiệu quả hoạt động tại Khu KTCK, qua đó góp phần quan trọng cho phát triển và tăng trưởng kinh tế chung của tỉnh.
Không chỉ tập trung thu hút các dự án đầu tư vào Khu KTCK, thời gian qua, tỉnh Lạng Sơn cũng tích cực đầu tư cơ sở hạ tầng, có những cơ chế ưu đãi để tăng sức hấp dẫn thu hút các nhà đầu tư có tiềm lực đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp.
Theo thống kê của Sở Công Thương, giai đoạn 2016 – 2023, tỉnh đã thu hút được 45 dự án đầu tư sử dụng vốn đầu tư ngoài ngân sách vào lĩnh vực công nghiệp. Hầu hết các dự án đầu tư vào lĩnh vực khai khoáng, công nghiệp chế biến chế tạo, sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, xử lý rác thải…
Các doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực công nghiệp như: Công ty than Na Dương –VVMI; Công ty nhiệt điện Na Dương - Vinacomin (đang đầu tư giai đoạn 2); Nhà máy Xi măng Đồng Bành; Nhà máy Chế biến hạt mài Tân Mỹ của Công ty Cổ phần Đá mài Hải Dương; Nhà máy sản xuất muối molipdat của Công ty Cổ phần Kim Đạt; Nhà máy sản xuất hợp chất kim loại của Công ty TNHH Công nghệ luyện kim VICMET Việt Nam… đã đóng góp quan trọng vào mức tăng về chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh. Theo đó, chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh tăng trung bình từ 7 – 7,5%/năm.
Thực thế cho thấy, nhờ tiềm năng, lợi thế sẵn có và nỗ lực của các cấp, các ngành trong cải thiện môi trường đầu tư theo hướng thuận lợi, thông thoáng, công tác thu hút đầu tư của tỉnh Lạng Sơn đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Trên các lĩnh vực, từ năm 2016 đến hết năm 2023, tỉnh đã thu hút được 194 dự án sử dụng vốn đầu tư ngoài ngân sách, với tổng số vốn đăng ký là 42.277,9 tỷ đồng. Các dự án đầu tư có sự chuyển dịch mạnh mẽ trong cơ cấu, lĩnh vực đầu tư (chuyển từ các dự án khai thác tài nguyên khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng sang các dự án sản xuất công nghiệp, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; các dự án sản xuất, chế biến sản phẩm công nghiệp; các dự án thương mại dịch vụ; các dự án khu đô thị, khu dân cư; dự án đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp,... ).
Tỷ lệ đóng góp của khu vực doanh nghiệp vào tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) của tỉnh bình quân giai đoạn 2016 - 2023 là 5,06%; thu ngân sách từ khu vực doanh nghiệp liên tục tăng qua các năm, chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong tổng thu trên địa bàn tỉnh. Tổng thu ngân sách giai đoạn 2016 - 2023 là 60.984 tỷ đồng, tăng gấp 1,6 lần giai đoạn 2011 - 2015.
Không ngừng cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh
Để có thể thu hút đầu tư, tỉnh Lạng Sơn đã tích cực hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư, doanh nghiệp. Cụ thể, tỉnh Lạng Sơn đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách ưu đã về thuế, tiền thuê đất… nhằm khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư triển khai các dự án vào địa bàn tỉnh.
Cùng đó, để xây dựng niềm tin, thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Lạng Sơn đã lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đổi mới công tác xúc tiến đầu tư. Theo đó, hằng năm, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, các huyện, thành phố tổ chức các hội nghị gặp gỡ, tiếp xúc doanh nghiệp; chỉ đạo sở, ngành chuyên môn vận dụng các cơ chế, chính sách, hướng dẫn tạo điều kiện tốt nhất hỗ trợ nhà đầu tư; nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của doanh nghiệp, nhà đầu tư để đồng hành, tìm giải pháp hỗ trợ.
Ông Nguyễn Đình Đại, Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Để tạo sức hút các nhà đầu tư lĩnh vực sản xuất công nghiệp vào địa bàn tỉnh, nhất là vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, Sở Công Thương luôn duy trì gặp gỡ và đối thoại với các hiệp hội ngành hàng, hiệp hội doanh nghiệp ở các địa phương trên toàn quốc và trên địa bàn tỉnh để lắng nghe ý kiến đề xuất, tâm tư nguyện vọng nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc giúp doanh nghiệp hoạt động ổn định và hiệu quả. Ngoài ra, Sở Công Thương cũng tổ chức các chương trình làm việc chuyên đề với các doanh nghiệp, nhà đầu tư để tháo gỡ khó khăn vướng mắc và xử lý dứt điểm các kiến nghị thuộc lĩnh vực của ngày quản lý.
Qua thực tế có thể thấy, bài học kinh nghiệm mà tỉnh Lạng Sơn có được trong việc triển khai thu hút đầu tư trong giai đoạn vừa qua chính là bắt nguồn từ tư duy đổi mới, kiến tạo và hành động của cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn toàn tỉnh. Điều này được thể hiện rõ qua kết quả xếp hạng chỉ số PCI của tỉnh Lạng Sơn trong những năm qua. Cụ thể, chỉ số PCI năm 2020 của tỉnh Lạng Sơn xếp thứ 49/63 tỉnh, thành phố trên cả nước, năm 2021 xếp thứ 36/63, tăng 13 bậc so với năm 2020; năm 2022 xếp thứ 15/63.
Ông Trần Huy Tưởng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư kinh doanh An Phú Hưng (thành phố Hà Nội) cho biết: Môi trường đầu tư kinh doanh của Lạng Sơn những năm gần đây đã có nhiều chuyển biến vượt bậc, được cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư đánh giá cao. Tỉnh thực hiện tốt cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư hấp dẫn, thông thoáng và minh bạch. Công ty đầu tư vào tỉnh Lạng Sơn từ năm 2020, hiện đang triển khai đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng Cụm công nghiệp Đình Lập (huyện Đình Lập). Trong quá trình làm hồ sơ đầu tư, chính quyền các cấp của tỉnh luôn đồng hành cùng công ty trong thực hiện các thủ tục pháp lý liên quan. Đến cuối tháng 12/2023, dự án đã chính thức được khởi công.
Ông Hà Mạnh Cường, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Theo chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, phương châm xuyên suốt của tỉnh Lạng Sơn là lấy sự hài lòng của doanh nghiệp, người dân làm thước đo hiệu quả công việc và để người dân, doanh nghiệp thực sự là chủ thể trong công tác cải cách, đổi mới. Để thực hiện phương châm đó, tỉnh Lạng Sơn đang tiếp tục cải thiện chỉ số PCI và chỉ số xanh cấp tỉnh (GPI) – những chỉ số đã trở thành thương hiệu của tỉnh về cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, điểm đến đầu tư an toàn, thuận lợi, minh bạch, hấp dẫn và thành công.
Qua những kết quả thực tế có thể thấy, Lạng Sơn đang trở thành điểm đến có sức hấp dẫn và quan trọng trong chiến lược đầu tư kinh doanh của nhiều doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế trong và ngoài nước có tiềm lực, thương hiệu, uy tín. Đây chính động lực để tỉnh Lạng Sơn phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.