Aa

Lạng Sơn tập trung nguồn lực bảo tồn và phát huy giá trị di sản

Việt Khoa
Việt Khoa tranvietkhoa1987@gmail.com
Thứ Ba, 02/11/2021 - 19:02

Nhằm góp phần làm tăng thêm vẻ đẹp và sức hấp dẫn của vùng đất giàu truyền thống lịch sử văn hoá, Lạng Sơn đang tập trung nguồn lực để bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá trên địa bàn.

Giải pháp bảo vệ và nâng cấp Khu di tích lịch sử Chi Lăng

Chi Lăng được biết đến là vùng đất giàu truyền thống lịch sử, đã gắn liền với những chiến công hiển hách của cha ông ta trong suốt quá trình dựng nước và giữ nước, nơi đây đã chứng kiến nhiều chiến thắng oanh liệt trong các cuộc chiến tranh chống quân xâm lược bảo vệ Tổ quốc.

Với nhiều giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hoá, khoa học, giáo dục, du lịch, quân sự và ngoại giao, di tích lịch sử Chi Lăng được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích quốc gia đợt đầu vào tháng 4/1962; năm 2019, di tích lịch sử Chi Lăng được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt.

Trong những năm qua, Lạng Sơn luôn quan tâm đến công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử Chi Lăng và coi đây là một nhiệm vụ quan trọng gắn với mục tiêu phát triển bền vững của tỉnh. Đồng thời, đã thực hiện Đề án xây dựng và phát triển khu di tích Chi Lăng, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035.

Cụ thể, với mục tiêu chung tỉnh Lạng Sơn yêu cầu bảo tồn, tôn tạo di tích lịch sử Chi Lăng nhằm chống xuống cấp, xâm hại và mất dấu di tích, phát huy hiệu quả các giá trị của di tích xứng tầm di tích quốc gia đặc biệt. Đồng thời, tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm gìn giữ, bảo vệ và đưa di tích lịch sử trở thành điểm du lịch hấp dẫn, thu hút du khách góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội.

Trong đó, tỉnh Lạng Sơn đặt mục tiêu đến năm 2025 phải hoàn thành quy hoạch tổng thể, xác định cắm mốc, vị trí ranh giới, biển chỉ dẫn và ghi giá trị cho 24 điểm di tích. Đồng thời, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 15 điểm di tích, hoàn thiện các hạng mục công trình và xây dựng di tích đạt được tiêu chí khu du lịch cấp tỉnh.

Toàn cảnh Khu di tích lịch sử Chi Lăng. (Nguồn: Internet)
Toàn cảnh Khu di tích lịch sử Chi Lăng. (Nguồn: Internet)

Mục tiêu đến năm 2030, tỉnh Lạng Sơn sẽ cấp thêm quyền sử dụng đất cho 9 điểm di tích còn lại và trùng tu, tôn đạo các điểm đó tạo thành tuyến du lịch tham quan, nghiên cứu phục dựng không gian “Trận địa Chi Lăng”. Ngoài ra, mục tiêu sẽ đưa Khu di tích lịch sử Chi Lăng trở thành một trong những khu du lịch lịch sử - văn hoá - tâm linh trọng điểm của tỉnh Lạng Sơn với lượt khách khoảng 250.000 người/năm.

Với định hướng đó, tỉnh Lạng Sơn yêu cầu tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp Đảng ủy và sự quản lý điều hành của chính quyền. Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội và sự phối hợp hiệu quả của các cấp, các ngành trong tổ chức thực hiện. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử về di tích nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, tổ chức chính trị - xã hội về bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích.

Trong đó, tập trung tuyên truyền, quán triệt học tập, nâng cao ý thức cho cán bộ Đảng viên, nhân dân về ý nghĩa và tầm quan trọng của di tích lịch sử Chi Lăng. Đồng thời, đổi mới nội dung, phương pháp, cách thức tuyên truyền các quy định và nêu cao vai trò trách nhiệm gương mẫu của các cán bộ công nhân viên.

Tỉnh Lạng Sơn sẽ tập trung huy động, lồng ghép và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để thực hiện bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích. Trong đó, xây dựng hoàn thiện các cơ chế chính sách, chế độ ưu đãi nhằm huy động nguồn xã hội hoá và khuyến khích tối đa sự đóng góp của các doanh nghiệp, tổ chức cá nhân. Ngoài ra, cần đặc biệt chú trọng việc bảo tồn, tôn tạo, chống xuống cấp, chống lấn chiếm di tích.

Nâng cao hiệu quả khai thác, phát huy các giá trị di tích phục vụ phát triển du lịch trên địa bàn, đẩy mạnh việc kết nối, xúc tiến giới thiệu, quảng bá rộng rãi về di tích lịch sử đến du khách trong và ngoài tỉnh. Tăng cường tổ chức các sự kiện và phát triển sản phẩm du lịch. Đồng thời, đào tạo bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ công tác bảo tồn. Chú trọng xây dựng hình ảnh thương hiệu, hấp dẫn thu hút đầu tư và tập trung xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật trong công tác quản lý, triển khai số hoá thông tin cơ sở dữ liệu hình ảnh về di tích trên nền tảng số.

Đánh giá về giá trị lịch sử của khu di tích Chi Lăng, TS. Nguyễn Văn Cường - Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Ủy viên Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia cho biết, quá trình xây dựng và phát triển trải qua mấy nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, mảnh đất Chi Lăng luôn là biểu tượng của những chiến công hào hùng, làm rạng danh non sông đất nước.

Với địa thế hiểm trở, núi rừng trùng điệp, đèo cao suối sâu nằm giữa vòng cung Đông Triều và Bắc Sơn, trên thượng nguồn sông Thương, một bên là dãy núi Thái Họa - Bảo Đài, một bên là dãy Cai Kinh sừng sững. Chính địa hình như vậy đã tạo cho Chi Lăng có một vị trí trọng yếu, là cửa ngõ chính ở phía Bắc Tổ quốc, được ví như bức tường thành vững chắc của Kinh thành Thăng Long, là "yết hầu" của đất nước trong việc chặn đứng các cuộc viễn chinh xâm lược phương Bắc tràn sang. Chi Lăng chính là con đường độc đạo duy nhất khi phương Bắc muốn tiến sâu vào xâm lược nước ta. Do vậy, các triều đại phong kiến đều chọn Chi Lăng là nơi quyết chiến với kẻ thù xâm lược phương Bắc.

Bảo tồn và phát huy giá trị di sản Lễ hội Đền Kỳ Cùng - Đền Tả Phủ

Lễ hội Đền Kỳ Cùng - Đền Tả Phủ đã được công nhận văn hoá phi vật thể Quốc gia theo quyết định số 1877/QĐ-BVHTTDL ngày 8/6/2015 của Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch.

Đến năm 2018, nhằm phát triển lễ hội đền Kỳ Cùng - Đền Tả Phủ ngang tầm lễ hội cấp quốc gia, UBND tỉnh Lạng Sơn đã chỉ đạo Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) xây dựng đề án bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “Lễ hội Đền Kỳ Cùng - Đền Tả Phủ” TP. Lạng Sơn đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030”.

Đồng thời, UBND tỉnh Lạng Sơn yêu cầu Sở VHTTDL khẩn trương hoàn thành Đề án, bảo đảm tính khoa học, logic và có tính thực tiễn cao; Triển khai lấy ý kiến góp ý của các chuyên gia, các nhà khoa học, nhà văn hóa, các nghệ nhân dân gian, người dân địa phương có nhiều am hiểu về Lễ hội và các cấp có thẩm quyền của TP. Lạng Sơn về dự thảo Đề án, giải pháp thực hiện; Phối hợp với Sở Tài Chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư xem xét, thẩm định về các dự án trong Đề án và kinh phí thực hiện. 

đền tả phủ
Lễ hội Đền Tả Phủ - Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (Nguồn: VOVTV).

Lễ hội Đền Kỳ Cùng - Đền Tả Phủ được phục dụng lại từ năm 1991, sau khi khánh thành việc tôn tạo lại đền Kỳ Cùng thì việc tổ chức phục dựng lại lễ hội cũng được tiến hành. Đây là lễ hội truyền thống giữa hai đền Kỳ Cùng và Tả Phủ được tổ chức mỗi năm một lần, diễn ra trong 6 ngày (từ ngày 22 đến 27 tháng giêng âm lịch) đã trở thành đời sống văn hoá quan trọng của cộng đồng các dân tộc Tày, Nùng, Kinh, Hoa… trên địa bàn TP. Lạng Sơn. Lễ hội Đền Kỳ Cùng - Đền Tả Phủ là sự gắn kết về các nghi thức tế lễ, rước kiệu và các trò chơi, diễn xướng dân gian đặc sắc của nhân dân các dân tộc TP. Lạng Sơn.

Đồng thời, đây cũng là dịp để người dân bày tỏ lòng ngưỡng mộ, biết ơn công đức của Quan lớn Tuần tranh và Phó tướng Thân Công Tài là những người có công dẹp giặc, giữ gìn sự bình yên cho nhân dân, mở mang phố chợ Kỳ Lừa, góp phần cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân các dân tộc Lạng Sơn.

Theo Bà Phạm Thị Thuận - Phó Trưởng Phòng VHTT TP. Lạng Sơn cho biết, thời gian tới, đơn vị tiếp tục phối hợp quản lý, bảo vệ, phát huy các di tích trên địa bàn, trong đó có đền Tả Phủ. Đồng thời, tăng cường quảng bá, giới thiệu về giá trị di tích đền Tả Phủ đến du khách ở trong và ngoài tỉnh. Cùng với đó, tăng cường huy động nguồn lực xã hội hóa để đóng góp vào việc tôn tạo, sửa chữa các hạng mục của đền, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng tâm linh của nhân dân.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top