Aa

Lãng tử trong làng báo

Thứ Năm, 10/06/2021 - 07:00

Cũng đã mấy chục năm qua rồi. Nguyễn Tiến Thanh tôi biết, giờ đã tầm “tri thiên mệnh”, từng “trày vảy” với báo chí, cũng có đận “lên bờ xuống ruộng”, làm gì mà cập nhật được thế, làm gì mà còn trong trẻo thế?

Cách đây chừng dăm năm, tôi đọc ở đâu đó, hình như ở trên FB, một chùm thơ ba bài mang tên Facebook (1), (2), (3) của tác giả Nguyễn Tiến Thanh, bỗng nhiên thấy thú vị quá:

          Người về chém gió trên “phây”

          Thì ta tóc xõa ngang mây cuối đèo

          Tháng năm trôi, lá bay vèo

          Post lên mực tím ngập chiều phố xưa…

          Người về nắng tắt, mưa thưa 

          Những comment cắt qua mùa không tên

                               (Facebook 1)

 

           Photo những chiều không nắng

           Post lên nỗi nhớ không mùa

           Comment những thời xa vắng

          Like thêm những chuyện không đùa…

                                (Facebook 2)

 

           Một con phố có rất nhiều băng nhóm

           Đại ca admin cai quản trẻ giang hồ

           Làng Vũ Đại có một thằng Bá Kiến

           Vô khối Chí Phèo ném đá ngu ngơ.

                               (Facebook 3)

Với tôi, những dòng thơ ấy thú vị bởi vì khi đó mình bắt đầu làm báo điện tử, bắt đầu “chơi phây”, đang mầy mò tìm hiểu những thuật ngữ liên quan (Bây giờ thì đã quá quen thuộc và thành thạo, chứ không loáng choáng như buổi đầu tập đi xe đạp nữa) thì tác giả này đã đưa nó vào thơ “ngọt” đến thế. Mà những thuật ngữ hiện đại này lại kết hợp với những từ ngữ và hình ảnh cổ kính, ước lệ kiểu xưa cũ như “chiều phố xưa”, “thềm heo may”, “lời trăm năm”, “thời xa vắng”, “bóng những anh hùng”… trong mấy thể loại thơ truyền thống lục bát, sáu chữ, tám chữ, đã tạo nên một ấn tượng rất lạ.

Hơn nữa, hình ảnh, điển cố thì xưa cũ, mà hơi thở của các con chữ lại rất trẻ trung, tươi mới. Lúc đó tôi ngờ ngợ, không nghĩ Nguyễn Tiến Thanh này là người tôi quen. Tôi biết một Nguyễn Tiến Thanh thời sinh viên Tổng hợp Văn, làm thơ, cũng lay động các đêm thơ ngùn ngụt những cặp mắt trẻ nhìn lên say đắm lắm, rồi sau đó Thanh ra trường, làm thầy giáo và đi làm báo. Cũng đã mấy chục năm qua rồi. Nguyễn Tiến Thanh tôi biết, giờ đã tầm “tri thiên mệnh”, từng “trày vảy” với báo chí, cũng có đận “lên bờ xuống ruộng”, làm gì mà cập nhật được thế, làm gì mà còn trong trẻo thế?

Gọi điện hỏi Nguyễn Tiến Thanh thì biết, vẫn là Thanh ấy!

Giờ thì đọc cả hai tập thơ của Nguyễn Tiến Thanh vừa in ra. Tập Chiều không tên như vết mực giũa đời, gồm những bài thơ thời trai trẻ, cùng mấy hồi ức về bạn bè và bút tích. Tập Loạn bút hành là thơ sau này, có cả những thời sự và thế sự ngay gần đây. Thì ra, vẫn có một dòng mạch thơ ca trong lành từ ngày nào ấy vẫn âm thầm chảy dưới những sự kiện mà chàng thi sỹ xưa, nhà báo nay, đang đi qua và can dự vào. Đọc thì càng thêm hiểu hơn về một “lãng tử” thực sự với thơ ca và xúc cảm đời sống:

          Tháng Ba xa hút hồng hoang tuổi

          Năm mươi ngồi đợi tóc phai đời

                               (Ngũ thập)

          Chợ trưa, người đã chiều rồi

          Đi trong nhân thế nghe trời đất ru

          Loạn ly kẻ bán người mua

          Vết chân cũng mỏi tái mùa tha hương

                              (Chợ trưa)

          Tóc xanh chưa kịp phai màu

          Ngày sau lá đỏ đã nhàu thiên thu…

                              (Lá đỏ)

Nhà báo Nguyễn Tiến Thanh trong một chuyến đi.

Có một thời trước đây, làng báo nước Việt ta có rất nhiều tổng biên tập là nhà thơ. Bây giờ thì vắng hẳn, đâu đó còn một đôi người có phẩm chất thi sĩ là đang trụ lại trên cái ghế tổng biên tập nhọc nhằn. Mà Nguyễn Tiến Thanh, thi sỹ đến thế, lãng tử đến thế, thì càng vào loại hiếm hoi lắm. “Cơm áo không đùa với khách thơ”. Đây thì lại là chuyện “cơm áo” của một lúc hàng mấy chục, mấy trăm con người. Cái giống thi sỹ thì lơ mơ. Trụ lại được, phải là những kẻ biết phân thân. Nguyễn Tiến Thanh chính là một kẻ đặc biệt, đa nhân cách, đa phẩm chất, đa tài năng, đa tình (nhiều tình cảm với người, chứ không phải đa tình như hay nghĩ) mới trụ được… Tôi chắc nhiều người như tôi trong làng báo, quen biết, gặp gỡ, có dịp giao tiếp với Nguyễn Tiến Thanh, dù là trong vị trí một tổng biên tập, đứng đầu một cơ quan báo chí lớn, có rất đông bạn đọc, thì cũng đều thống nhất một nhận định: “Ông này là loại lãng tử”. Một lãng tử hiếm hoi, một lãng tử theo nghĩa rất đáng yêu và đáng mến…

Nhưng nhà thơ, thi sỹ rất mực lãng tử này lại là một nhà báo có uy tín trong nghề, là người xây dựng và đứng đầu chèo lái cơ quan báo chí qua nhiều năm với đủ thứ thách thức, vẫn vững vàng và phát triển. Tờ báo do Nguyễn Tiến Thanh đứng đầu có nhiều “cọ sát”, lại liên quan pháp luật, hay “đụng chạm” đến “mặt trái”, quân thì đông, đối tác thì nhiều, lại lắm dạng ấn phẩm, vậy mà rất ít thấy những phàn nàn, chê trách, cả từ phía các cơ quan chỉ đạo, quản lý, cho đến các đồng nghiệp và bạn đọc. Ở đây, rõ ràng lại là một Nguyễn Tiến Thanh khác. Không lãng tử mà rạch ròi, chi tiết, rất tỉnh táo mà vẫn không nhẹ tình đời, tình người với những ứng xử ánh lên sự tin cậy.

Ba cuốn sách mới xuất bản của Nguyễn Tiến Thanh. (Ảnh sưu tầm)

Tôi có một thời gian làm lãnh đạo tờ báo mà Nguyễn Tiến Thanh đã góp công lớn ban đầu xây dựng nên. Khi tôi về đấy thì anh đã chuyển đi, lại đang chuẩn bị cho một tờ báo mới. Trước đó, có đến nhờ Thanh giúp cho việc trình bày demo maquette một tờ báo đang dự định ra. Đang lúc hối hả làm số báo mới, thế mà Thanh chỉ nói qua một tiếng là quân cán răm rắp giúp tôi đâu vào đấy.

Khi tôi về đấy, thì nghe nhiều các phóng viên, biên tập viên và nhân viên kể về Thanh với những tình cảm yêu mến và tiếc nuối. Sau này, khi cùng làm lãnh đạo các cơ quan báo chí, trong hoạt động, cũng có việc này, việc kia phải trao đổi, “có lời” với Thanh. Tất cả những lần ấy đều nhẹ nhàng, ân cần, không bao giờ hỏi đến những điều kiện, hồi đáp. 

Cũng dịp này, Nguyễn Tiến Thanh còn cho ra luôn một cuốn sách tiểu luận mang tên Thời của tạp chí. Cuốn sách tiểu luận này như một công trình nghiên cứu, xinh xắn, gọn nhẹ, nhưng đấy là những cập nhật, nhận định, đánh giá, phân tích để lựa chọn xu hướng, từ yêu cầu bắt buộc phải chuyển đổi mô hình báo chí mà Thanh đang điều hành, để gặp xu hướng mới của thông tin truyền thông ngày nay, cũng là một lối thoát và cứu cánh trong cuộc chiến tìm và giành lấy bạn đọc cho mình trong làm báo ở kỷ nguyên thông tin số.

Cuốn sách này chắc chắn rất có ích cho các lãnh đạo và đồng nghiệp báo chí hiện nay. Hơn nữa, những người đang nghiên cứu, các sinh viên theo học nghề báo, nghề PR, cũng rất nên đọc, để mà bồi bổ nhân văn cho định hướng nghề nghiệp của mình.

Trong một hồi ức về bạn bè, Nguyễn Tiến Thanh viết: “Ở cái tuổi gần ngũ thập, chạm ngưỡng tri thiên mệnh và không còn vô minh, đôi lúc mình nhận thấy chính bản thân và một số bạn bè mới thực sự là vong thân, trôi nổi trong đời phàm tục, làm những điều mình bắt buộc phải làm chứ không phải điều mình thích”. Rồi Thanh lại viết: “Mình lại tự hỏi, hơn 20 năm trước bỏ trường đi làm báo (một nghề… giết văn), rồi bỏ bút đi làm quản lý, là đúng hay sai đây? Nhưng đúng hay sai thì cũng để làm gì?”.

Làm gì ư, thôi thì lại nhớ một ca từ của Trịnh Công Sơn, để gió cuốn đi. Thì hãy cứ sống trên đời, làm những việc mình thích và làm cả nhiều việc mình phải làm dù không thích, miễn sao vẫn cố giữ được mình, không tan đi nhiều cái chất sống của mình, như vậy là đã được làm việc và sống hạnh phúc rồi. Dù hạnh phúc rồi cũng đến cái lúc, lại để gió cuốn đi mà thôi…/.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top