Hồi đánh Mỹ, ở làng tôi có một loài hoa dùng cho đám cưới, đám ma, đặt trên bàn hội nghị, trên bàn thờ, tặng thầy cô, tặng bạn bè… đều được. Và có một bài thơ bất kỳ đám cưới, hội nghị, truy điệu liệt sĩ, liên hoan văn nghệ… gì gì cũng đều được ngâm nga sang sảng hùng hồn…
Loài hoa đa dụng ấy, ngoài Bắc gọi là hoa dong riềng, dân làng tôi kêu là hoa khoai chuối. Hoa khoai chuối thường trổ vào mùa thu, nhưng vì hồi ấy củ khoai chuối là lương thực chính của quê tôi, phải trồng gối vụ để ăn quanh năm, nên quanh năm trong vườn của nhà nào cũng lập lòe hoa khoai chuối. Mỗi khi có việc hiếu hay việc hỷ cần có tí hoa hoét, chỉ cần chạy ra vườn một chặp là có bó hoa đỏ rực, đem cắm trong cái bình làm bằng ống pháo sáng tàu bay Mỹ, hoặc vỏ đạn pháo phòng không, thì tươi rói cả tuần…
Còn bài thơ ngâm đâu cũng được là bài thơ “Nhớ đồng chí Phùng”, ca ngợi bác Nguyễn Xuân Phùng, Phó Bí thư chi bộ, bị bom Mỹ giết hại trong một đêm tháng 5/1967, khi bác Phùng đang canh gác kho thóc của đội sản xuất. Bài thơ ấy của ông Nguyễn Tư Thoan, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình, trực tiếp làm tại làng tôi khoảng cuối năm 1968.
Lại nói hồi đánh Mỹ, ở Quảng Bình quê tôi có hai người nổi tiếng từ trẻ con đến người lớn đều biết tên. Đó là Trung tá Trần Sự, Tỉnh đội trưởng và ông Nguyễn Tư Thoan, Bí thư Tỉnh ủy. Hai ông là tác giả, là đạo diễn, là linh hồn của phong trào “Hai Giỏi” trên đất lửa Quảng Bình, nổi tiếng cả thế giới những năm 60 - 70 của thế kỷ trước.
Ông Trần Sự thì đến năm 1990, sau khi tái lập tỉnh Quảng Bình, làm Chủ tịch tỉnh. Tôi tháp tùng Đại tướng Nguyễn Quyết, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước vào công tác ở Đồng Hới, mới được gặp ông lần đầu tiên. 28 năm sau, tôi được gặp ông lần thứ hai và không ngờ đó cũng là lần cuối cùng vì mấy tháng sau ông qua đời, hưởng thọ 90 tuổi. Ấy là vào mùa hè năm 2018, nhân dịp kỷ niệm 30 năm thành lập Tổng Công ty Sông Gianh, Tổng Giám đốc Biền Văn Nga dẫn tôi đến nhà riêng của ông Trần Sự ở Đồng Hới để hỏi chuyện ông về chủ trương của lãnh đạo tỉnh hồi đó đối với Tổng Công ty Sông Gianh những ngày đầu khởi nghiệp.
Còn ông Nguyễn Tư Thoan, những năm bom đạn ác liệt nhất, ông đã về làng tôi 2 lần. Lần thứ nhất vào mùa hè năm 1966, ông về khá bí mật, chỉ sau này nghe ông kể trong bài thơ “Nhớ đồng chí Phùng” dân làng mới biết. Lần thứ hai vào cuối năm 1968, được xã bố trí nghỉ trong nhà ông Đội Trưởng đội sản xuất 4, nhà cạnh kho lương thực sơ tán của huyện nên có hệ thống hầm hào kiên cố. Đặc biệt, nhà ông Đội trưởng nằm sát bến đò, thuận tiện cho việc đi lại của ông Nguyễn Tư Thoan. Chả là hồi đó làng tôi chưa có đường ô tô, ông Bí thư tỉnh ủy đi xe con ra Ba Đồn thì xuống đò chèo tay gần trăm cây số ngược sông Gianh để lên “thăm ngọn cờ đầu Hợp tác xã Thiết Sơn” như câu thơ ông viết sau này...
Ngót nghét nửa thế kỷ đã trôi qua, trong ký ức của thằng cu lớp Ba là tôi ngày ấy, vẫn nhớ như in một ông cán bộ người dong dỏng cao, mặc bộ quần áo bà ba màu xanh sẫm, đi dép râu và thích nằm võng. Kể cả khi làm việc ông cũng ngồi trên võng, kê cuốn sổ lên đùi mà ghi chép…
Lần ấy, ông Nguyễn Tư Thoan về làng tôi chỉ ba hôm, cùng chú cần vụ ăn mỗi ngày ba bữa cơm do tổ phụ nữ của Mự Ngụ nấu nướng. Tôi nhớ cái hôm ông Bí thư Tỉnh ủy chuẩn bị xuống đò xuôi về Ba Đồn, chú cần vụ gặp Mự Ngụ để thanh toán phiếu gạo và tiền ăn, Mự Ngụ hớt hải chạy đi hỏi chú Cu Chiêm - cán bộ lương thực huyện - là mấy bữa ni cho bác Bí thư ăn “gạo bốn hai” hay “gạo ba sáu”? Tức là gạo bốn hào hai xu một cân hay ba hào sáu xu một cân…
Một thời gian sau chuyến công tác ấy của ông Nguyễn Tư Thoan, báo Quảng Bình đăng bài thơ “Nhớ đồng chí Phùng” của ông và trở thành bài thơ nằm lòng, bài thơ cửa miệng của già trẻ gái trai làng tôi. Lòng tự hào quê hương cùng niềm kính yêu đồng chí Bí thư tỉnh ủy đang dạt dào ngùn ngụt thì vào năm Giáp Dần sắp giải phóng miền Nam, bỗng đâu sét đánh ngang tai cái tin ông Nguyễn Tư Thoan trước đây từng đi lính cho Pháp nhưng không khai trong lý lịch, nay có người phát giác tố cáo, ông bị Trung ương kỷ luật, bị điều ra làm nhân viên “xắc bạc” ngoài Hà Nội.
Chả là hồi đó dân làng tôi phân biệt cán bộ bằng màu xắc cốt đeo lủng lẳng bên hông: Ông to mang xắc đỏ, ông nhỏ mang xắc đen, ông loèn quèn thì mang xắc bạc. Rồi cũng chẳng rõ cấp trên có công văn chỉ thị gì không, nhưng đồng chí Dượng Mẹt Lê cứ thì thào nhấm nháy là từ nay họp hành cấm có oang oác nhắc tên ông Nguyễn Tư Thoan. Nhà nào treo tranh ảnh họa báo có hình ông Thoan thì lo mà lột xuống. Rồi thì bài thơ “Nhớ đồng chí Phùng” cũng không được ngâm nữa. Riêng điều này thì hầu như cả làng không ai chịu, phần vì ngâm quen mồm quen miệng mất rồi, phần vì nếu họp hành, cưới hỏi, liên hoan… mà không ngâm bài thơ “Nhớ đồng chí Phùng” thì… buồn lắm? Hăng hái nhất vẫn là Mự Ngụ, hễ có dịp là thưa bà con sau đây tôi xin ngâm bài thơ “Nhớ đồng chí Phùng”. E hèm…
Nhớ hôm nào tôi về thăm Thạch Hóa
Thăm ngọn cờ đầu Hợp tác xã Thiết Sơn
Hợp tác xã đã bao lần bom Mỹ đánh
Mà gặp ai cũng tự hào phấn khởi hân hoan…
Cùng đồng chí bí thư ra đồng Trần Phú
Trên miệng hố bom lúa đứng thẳng hàng
Tôi hỏi lúa đội mô mà tốt rứa?
Dạ, lúa của đội Hồng Sơn anh ạ
Đội ni trước đây gian khổ lắm
Nửa ở trên bờ nửa ở dưới sông
Lương - Giáo hai chòm chưa hợp lại
Kẻ xuôi người ngược khá long đong
Rồi chi bộ cử đồng chí Phùng phụ trách
Đoàn kết Giáo - Lương gắn bó chân tình
Tất cả đều bám làng chiến đấu
Bám hố bom mà sản xuất thâm canh
Công sự hầm hào tay cày tay súng
Thủy lợi chăn nuôi dựng trại sửa nhà
Cùng Hợp tác thi đua giành “Hai Giỏi”
Như Quảng Bình anh dũng quê ta…
Đồng chí Dượng Mẹt Lê mặt đỏ rần rần như cua phơi nắng, chạy lên giật cái loa sắt tây trên tay Mự Ngụ, nói, tui đã nhắc mấy lần răng mự nỏ nghe? Mự Ngụ đáp, nghe chơ răng không nghe, dưng mà tui ngâm thơ làng mềnh thì có chi sai? Dượng Mẹt Lê nói mự không sai nhưng ông Nguyễn Tư Thoan sai phạm bị kỷ luật rồi. Mự Ngụ cười he he trêu tức, nói ông nớ sai ông nớ chịu chớ bài thơ ni sai chỗ mô dượng chỉ tui coi?
Đồng chí Dượng Mẹt Lê cứng họng, đành hậm hực bỏ đi. Tuy nhiên, đợt họp xét cuối năm đó, Dượng Mẹt Lê vẫn bảo lưu ý kiến trường hợp quần chúng Mự Ngụ cần phải tiếp tục thử thách, theo dõi…
* * *
Thấm thoắt đã ngót nửa thế kỷ, Mự Ngụ vẫn là quần chúng cảm tình. Tết vừa rồi về quê, tôi sang thăm Mự Ngụ, nói vui là nếu hồi đó Mự chịu nghe lời một chút, không khéo nay cũng đã thành bà này bà nọ... Mự nói, nghe chi thì nghe, chớ nghe lời bài xích hắt hủi bác Nguyễn Tư Thoan thì tau không chịu được. Thử hỏi, từ khi có nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đến nay, đã có ông quan đầu tỉnh mô về làng ta lấy một lần? Chưa nói là ăn cơm dân nấu, ngủ võng nhà dân như bác Nguyễn Tư Thoan?
Tôi công nhận điều đó thì mự đúng, nhưng mự cứ cứng đầu cứng cổ, suốt đời làm phó thường dân thì lời mự nói đúng ai nghe?
Mự Ngụ lại xì một tiếng rõ dài. Tưởng phấn đấu như răng, chơ tiền hậu bất nhất, luồn lách cơ hội, dậu đổ bìm leo, ngậm máu phun người… thì tau chịu!/.