Đoàn cơ quan Tái sinh đô thị Nhật Bản (UR) gồm có: Bà Tanaka Sawako, Giám đốc Bộ phận xúc tiến kinh doanh; bà Kimura Shin, Giám đốc về xúc tiến kinh doanh; ông Aoki Shinichi, Chuyên gia tư vấn.
Đón tiếp và làm việc với đoàn, về phía Hiệp hội Bất động sản Việt Nam có TS. Nguyễn Văn Khôi, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội; ông Đỗ Viết Chiến, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Phát triển Đô thị (Bộ Xây dựng); TS. Phan Hữu Thắng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam; bà Lê Nữ Thuỳ Dương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn KN Group và một số thành viên khác.
Chủ trì buổi làm việc, TS. Nguyễn Văn Khôi, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đã giới thiệu qua về các hoạt động, nhiệm vụ trọng tâm của Hiệp hội. Trong đó, việc đóng góp ý kiến cho dự thảo sửa đổi các luật liên quan đến thị trường bất động sản như Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở và việc tổ chức Lễ hội Bất động sản Quốc tế vào tháng 11/2022 là những hoạt động quan trọng, được Hiệp hội đang chú tâm thực hiện.
Phát biểu tại buổi làm việc, đại diện cơ quan Tái sinh đô thị Nhật Bản bày tỏ niềm vinh dự khi có cơ hội được đến thăm và làm việc với Hiệp hội Bất động sản Việt Nam.
Theo đại diện cơ quan Tái sinh đô thị Nhật Bản, UR là cơ quan đã có kinh nghiệm 65 năm trong việc tái sinh đô thị. Trong đó, có 4 nhiệm vụ chính được UR tập trung, gồm: Tái sinh đô thị; Cho thuê căn hộ, nhà ở; Khắc phục sau thảm hoạ như động đất, lũ lụt; Tham gia hoạt động xây dựng thành phố.
Đến thời điểm hiện tại, UR đã thực hiện 281 dự án đô thị mới, thực hiện cung cấp được 1,58 triệu căn nhà ở. Đối với hoạt động tái phát triển đô thị đã thực hiện được 253 dự án.
“Bên cạnh thực hiện các dự án trong nước, chúng tôi cũng muốn hỗ trợ các dự án ở nước ngoài với tư cách các nhà tư vấn, điều phối viên, hỗ trợ kỹ thuật. Vì vậy, chúng tôi rất mong nhận được sự hợp tác với các doanh nghiệp địa ốc tại Việt Nam, và từ đó trở thành cầu nối giữa các doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp Nhật Bản trong việc hợp tác phát triển đô thị”, đại diện cơ quan Tái sinh đô thị Nhật Bản cho biết.
Bàn về việc hỗ trợ hợp tác giữa Hiệp hội Bất động sản Việt Nam và cơ quan Tái sinh đô thị Nhật Bản, TS. Nguyễn Văn Khôi cho rằng, để việc hợp tác giữa 2 bên đi vào hiệu quả, nhanh chóng thì cần có kế hoạch và phương thức hợp tác rõ ràng.
Cụ thể, về phía UR, cần có một văn bản tổng hợp những nội dung quan tâm đến thị trường Việt Nam gồm: Những địa phương mong muốn thực hiện hợp tác, phân khúc cụ thể là gì, mong muốn hợp tác chủ yếu với cơ quan Nhà nước hay các doanh nghiệp tư nhân… Ngoài ra, đại diện UR cần ghi nhận rõ mong muốn của các doanh nghiệp Nhật Bản trong việc hợp tác tại các dự án đô thị Việt Nam.
Tiếp đó là phương thức tiến hành, phía UR cần làm rõ nguồn vốn mà cơ quan đang muốn đầu tư vào Việt Nam là nguồn vốn từ phía Chính phủ Nhật Bản hay nguồn vốn huy động của các doanh nghiệp. Phải hiểu rõ được nguồn vốn đầu tư, phía Hiệp hội Bất động sản Việt Nam mới có thể hỗ trợ tư vấn một cách chính xác nhất.
Trước những ý kiến của lãnh đạo Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, đại diện cơ quan Tái sinh đô thị Nhật Bản cho biết: “UR hiện đang quan tâm đến các dự án đô thị, nhà ở khu vực Hà Nội và TP.HCM. Đối với các doanh nghiệp Nhật Bản, UR sẽ tổng hợp ý kiến về nhu cầu đầu tư để gửi đến Hiệp hội trong thời gian sớm nhất. Rất mong các doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp Nhật Bản có thể kết nối, từ đó có những hoạt động hợp tác chuyên sâu. Đồng thời, chúng tôi cũng mong muốn phía Hiệp hội Bất động sản Việt Nam sẽ là cầu nối hỗ trợ giữa hai bên”./.