Aa

Lãnh đạo Sở Xây dựng Bình Dương đang cố tình “làm luật”?

Thứ Ba, 15/12/2020 - 07:35

Hiếm có địa phương nào mà tình trạng vi phạm xây dựng ở các dự án lại diễn ra phổ biến và dai dẳng như ở Bình Dương. Điều này khiến dư luận đặt nghi vấn, phải chăng có sự “chống lưng” từ phía Sở Xây dựng tỉnh này?

Điển hình cho câu chuyện này có thể kể đến các dự án: Khu nhà ở Nam Tân Uyên do Công ty TNHH Công Nghiệp và Đô Thị Nam Tân Uyên làm chủ đầu tư; Khu nhà ở Tuấn Điền Phúc tại Khu phố 5, phường Vĩnh Tân, thị xã Tân Uyên, do Công ty TNHH MTV Tuấn Điền Phúc làm chủ đầu tư; Khu dân cư thương mại dịch vụ Đông Bình Dương do Công ty TNHH Phát triển Đô thị Đông Bình Dương làm chủ đầu tư…

Khu nhà ở Nam Tân Uyên được động thổ từ năm 2018 dù chưa có giấy phép xây dựng

Tại Khu nhà ở Nam Tân Uyên, cũng với hành vi xây dựng không phép, Thanh tra sở đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 121/QĐ-XPVPHC ngày 06/11/2019 với mức phạt tiền là 80.000.000 đồng. Ngày 17/6/2020, Sở Xây dựng kiểm tra, ghi nhận tại dự án có 01 căn nhà phát sinh so với Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 121/QĐ-XPVPHC của Thanh tra sở. Do đó, Đoàn kiểm tra chuyển hồ sơ sang Thanh tra sở tiếp tục xử lý theo quy định.

Khu nhà ở Nam Tân Uyên xây dựng không phép 

Dự án Khu nhà ở Tuấn Điền Phúc cũng đã 2 lần liên tiếp bị xử phạt với hành vi xây dựng không phép. Ngày 20/5/2020, Thanh tra Sở Xây dựng đã kiểm tra, lập biên bản vi phạm hành chính, đình chỉ việc thi công xây dựng vi phạm và đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 78/QĐ-XPVPHC. Ngày 06/8/2020, Thanh tra Sở Xây dựng đã tiếp tục kiểm tra và ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 123/QĐ-XPVPHC đối với Công ty TNHH MTV Tuấn Điền Phúc.

Dự án Khu nhà ở Tuấn Điền Phúc hoàn thiện loạt công trình hạ tầng bất chấp Quyết định xử phạt

Tại dự án Đông Bình Dương, Chánh Thanh tra Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương Lê Hữu Nhơn đã ra 2 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty Đông Bình Dương, vì hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng. Lần 1 vào ngày 13/01/2020 và lần 2 vào ngày 29/9/2020.

Theo quyết định xử phạt số 25/QĐ-XPVPHC, ngày 13/01/2020, đúng 2 tháng sau, Thanh tra Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương đã phải tổ chức cưỡng chế công trình. Tuy nhiên, phải hơn 8 tháng sau Chánh Thanh tra Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương Lê Hữu Nhơn mới ra quyết định xử phạt lần 2.

Đến nay đã quá 60 ngày kể từ khi ông Lê Hữu Nhơn ra quyết định xử phạt lần 2 (vào ngày 29/9/2020). Tuy nhiên, dự án vẫn không bị cưỡng chế. Thay vào đó, trả lời về việc xử lý sai phạm xây dựng không phép tại dự án Đông Bình Dương, Chánh Thanh tra Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương Lê Hữu Nhơn cho rằng, Sở đã có văn bản gửi Bộ Xây dựng để xin ý kiến về việc thi hành biện pháp cưỡng chế, đối với những sai phạm tại Dự án Khu dân cư Đông Bình Dương.

Nghị định 139/2017/NĐ-CP quy định quyền xử phạt hành chính và tổ chức cưỡng chế công trình không phép, cho địa phương. Tuy nhiên, sai phạm xây dựng vẫn cứ diễn ra tràn lan hết năm này sang năm khác mà không dự án nào bị cưỡng chế. Phải chăng Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương đang đi ngược Nghị định của Chính phủ ban hành, tự ý “làm luật” riêng, để kéo dài thêm thời gian và tìm cách hợp thức hóa sai phạm, thay vì cưỡng chế?

Chánh Thanh tra Lê Hữu Nhơn: “Mình đánh kẻ chạy đi chứ không đánh người chạy lại”?

Như Reatimes đã thông tin trong bài Chánh Thanh tra Lê Hữu Nhơn lần thứ 2 xử phạt Công ty Đông Bình Dương, Luật sư Trần Đức Phượng, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho rằng: “Về nguyên tắc khi hết hạn 60 ngày của lần xử phạt trước đó, thì chính quyền phải lập biên bản, ghi nhận việc đã cho thời hạn 60 ngày. Đến lần xử phạt thứ 2 thì không áp dụng cho thêm thời hạn 60 ngày nữa, mà phải thực hiện cưỡng chế phần xây dựng không có giấy phép”.

“Với trường hợp của Công ty Đông Bình Dương, tháng 1/2020, Chánh Thanh tra Sở Xây dựng đã ra quyết định xử phạt và cho doanh nghiệp thực hiện việc xin cấp giấy phép xây dựng. Nếu tại quyết định lần 1 có cho doanh nghiệp thời hạn 60 ngày, mà sau đó doanh nghiệp vẫn tiếp tục thi công, thì lần thứ 2 này chỉ áp dụng xử phạt và cưỡng chế chứ không cho thêm thời hạn", Luật sư Trần Đức Phượng nói.

Trước đó, một tờ báo thuộc Hội Nông dân Việt Nam, dẫn lời ông Lê Hữu Nhơn nói về việc xử phạt Công ty TNHH Phát triển Đô thị Đông Bình Dương rằng: “Mình đánh kẻ chạy đi chứ không đánh người chạy lại”. Nếu đây đúng là quan điểm của vị Chánh Thanh tra thì còn đâu tinh thần thượng tôn pháp luật? Phải chăng Nghị định 139/2017/NĐ-CP đã hết giá trị ở Bình Dương và thông điệp của vị Chánh Thanh tra là doanh nghiệp muốn làm ăn ở tỉnh này thì phải “chạy đi” “chạy lại” nếu không muốn bị “đánh”?


Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top