Aa

Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh trực tiếp đối thoại, gỡ khó cùng doanh nghiệp

Thứ Hai, 06/05/2024 - 15:08

Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh trực tiếp đối thoại, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp nhằm từng bước cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư phát triển doanh nghiệp.

510 doanh nghiệp thành lập mới trong quý I/2024

Năm 2024, tỉnh Quảng Ninh phấn đấu thành lập thêm được 2.000 doanh nghiệp mới, tiến tới toàn tỉnh đạt mốc 20.000 doanh nghiệp. Bám sát mục tiêu này, tỉnh đã và đang tập trung cải thiện môi trường kinh doanh, tăng cường xúc tiến, thu hút đầu tư phát triển doanh nghiệp. Đặc biệt, tăng cường công tác tuyên truyền, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn trong các lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp.

Trong quý I/2024, tỉnh đã tập trung tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc để ngành than, điện phát triển ổn định, bền vững, tăng cường các nguồn lực cho đầu tư phát triển hợp lý góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia theo quy hoạch. Đồng thời, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các ngành xi măng, ngành điện tử, dệt may, dầu ăn, bột mỳ... đẩy mạnh sản xuất, kết nối phát triển thị trường tiêu thụ, xuất khẩu hàng hóa.

Tỉnh cũng chỉ đạo khai thác tối đa dư địa tăng trưởng từ lĩnh vực xây dựng; thúc đẩy tiến độ triển khai các dự án đầu tư và khu vực dân doanh gắn với khuyến khích sử dụng nguyên vật liệu xây dựng được cung cấp trên địa bàn tỉnh.

Tỉnh Quảng Ninh đặc biệt đề cao quan điểm 5 "thật" (nghĩ thật, nói thật, làm thật, hiệu quả thật và người dân, doanh nghiệp được thụ hưởng thật) và 6 "dám" (dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo và dám đương đầu với khó khăn, thử thách, quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung).

Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh trực tiếp đối thoại, gỡ khó cùng doanh nghiệp- Ảnh 1.

Năm 2024, tỉnh Quảng Ninh phấn đấu thành lập thêm được 2.000 doanh nghiệp mới, tiến tới toàn tỉnh đạt mốc 20.000 doanh nghiệp. (Ảnh minh họa)

Tỉnh cũng đề cao trách nhiệm của thủ trưởng các sở, ngành, địa phương; đồng hành, hỗ trợ, tạo điều kiện, giải quyết nhanh chóng các thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp, các hộ kinh doanh, các hợp tác xã theo phương châm "làm đúng, làm nhanh, làm tốt", nhất là thủ tục về đất đai, đầu tư, xây dựng, quy hoạch, môi trường, giải phóng mặt bằng, vật liệu san lấp.

Theo đó, kết quả quý I/2024, toàn tỉnh có 510 doanh nghiệp (360 doanh nghiệp và 150 đơn vị phụ thuộc) đăng ký thành lập mới, đạt 18% so kế hoạch năm, tăng 8,1% về số doanh nghiệp so với cùng kỳ năm 2023. Số vốn đăng ký đạt 4.952 tỷ đồng, tăng 124,3% so với cùng kỳ năm 2023; số vốn đăng ký bình quân đạt 14,9 tỷ đồng/doanh nghiệp.

Từ đầu năm đến nay cũng có 277 doanh nghiệp đăng ký hoạt động trở lại, tăng 9,9% so với cùng kỳ năm 2023. Toàn tỉnh hiện có 16.981 doanh nghiệp và đơn vị phụ thuộc đăng ký kinh doanh, vốn đăng ký đạt 346.642 tỷ đồng (trong đó có 11.617 doanh nghiệp và chi nhánh đang hoạt động, có kê khai thuế, chiếm 68,4%).

Cũng trong quý I, toàn tỉnh đã thành lập mới 55 HTX, bằng 110% so với kế hoạch năm, chủ yếu ở lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản (chiếm 85,6%). Đến nay, toàn tỉnh có 590 HTX đang hoạt động có kê khai thuế.

Lãnh đạo tỉnh trực tiếp đối thoại cùng doanh nghiệp

Mới đây, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Ninh, Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh tổ chức chương trình "Café doanh nhân" với chủ đề đối thoại chính sách, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Trong đó, ông Vũ Văn Diện, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cùng lãnh đạo một số sở, ngành, địa phương đã trực tiếp đối thoại cùng 60 doanh nghiệp thuộc Hội Doanh nhân tỉnh Quảng Ninh.

Tại chương trình, ông Vũ Văn Diện, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh nhấn mạnh, thời gian qua, tỉnh đã có nhiều giải pháp thiết thực đồng hành, sát cánh, hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó có việc duy trì tổ chức thường xuyên chương trình "Café doanh nhân". Chương trình được tổ chức nhằm lắng nghe ý kiến đóng góp, đề xuất, vướng mắc của doanh nghiệp trong quá trình thực hiện các kế hoạch, nghị quyết, quyết định.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh trực tiếp đối thoại, gỡ khó cùng doanh nghiệp- Ảnh 2.

Ông Vũ Văn Diện, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh trực tiếp đối thoại cùng doanh nghiệp. (Ảnh: CTV)

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh cũng đề nghị các sở, ban, ngành lắng nghe, tiếp thu các ý kiến của doanh nghiệp. Qua đó, tập trung vào việc rà soát, báo cáo đề xuất phương án sửa đổi, bổ sung và bãi bỏ một số quy định, văn bản không còn phù hợp với thực tiễn thuộc thẩm quyền nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Ngược lại, ông Vũ Văn Diện mong muốn các doanh nghiệp sẽ tích cực tham gia vào việc xây dựng chính sách, kiến nghị những vướng mắc trong quá trình triển khai, cũng như đề xuất các sáng kiến.

Cũng tại chương trình, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh bày tỏ sự quan tâm liên quan đến 8 văn bản của tỉnh như: Nghị quyết số 16-NQ/TU ngày 09/5/2019 của Tỉnh ủy Quảng Ninh, Kế hoạch số 191/KH-UBND ngày 14/8/2019 của UBND tỉnh Quảng Ninh, Quyết định số 4088/2015/QĐ-UBND ngày 21/12/2015 của tỉnh Quảng Ninh…

Ông Phạm Văn Thể - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Quảng Ninh chia sẻ, Nghị quyết số 16-NQ/TU ngày 09/5/2019 của Tỉnh ủy Quảng Ninh về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý tài nguyên than, khoáng sản trên địa bàn tỉnh có ý nghĩa rất quan trọng.

Cụ thể, nghị quyết này tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức cho các cơ quan quản lý nhà nước, ngành than và các đơn vị hoạt động khoáng sản trong nhiệm vụ khai thác, vận chuyển, chế biến và kinh doanh khoáng sản, bảo vệ tài nguyên môi trường. Nghị quyết khi đưa vào cuộc sống đạt hiệu quả cao, đến nay, trên địa bàn tỉnh không còn các điểm phức tạp và khai thác than trái phép. Các doanh nghiệp, ngành than ổn định sản xuất phát triển.

Trước đó, Tỉnh ủy cũng đã kịp thời điều chỉnh nghị quyết cho phép các doanh nghiệp được mua trực tiếp các sản phẩm bã sàng và cho phép đơn vị sử dụng than được vận chuyển bằng đường bộ, đường thủy và cho phép các doanh nghiệp có bến bãi, bốc xếp hàng hóa được bốc xúc than, xít, bã sàng phục vụ cho sản xuất hàng cho các nhà máy.

Các doanh nghiệp có mặt tại chương trình cũng đề cập đến một số bất cập như việc vận chuyển than, xít, bã sàng trong giai đoạn này còn khó khăn do phải thực hiện thủ tục lập phương án vận tải, thỏa thuận với địa phương và phải được sự chấp thuận của địa phương mới được vận chuyển.

Thực tiễn khi triển khai Kế hoạch số 191/KH-UBND ngày 14/8/2019 của UBND tỉnh Quảng Ninh về việc tăng cường công tác quản lý hoạt động xe chở hàng quá tải, vi phạm kích thước thùng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, đã có thông tin phản ánh về tồn tại, hạn chế khi thực hiện kế hoạch này như: thời gian thực hiện thủ tục kéo dài khi tuyến vận chuyển đi qua nhiều địa phương, thủ tục hành chính phát sinh khi có sự thay đổi về số lượng phương tiện, thời gian vận chuyển…

Về vấn đề liên quan tới Kế hoạch số 191/KH-UBND, đại diện Sở Giao thông vận tải tỉnh Quảng Ninh cho biết, trên cơ sở ý kiến tham gia của các đơn vị trước đó, Sở đã tổng hợp báo cáo UBND tỉnh tại Văn bản số 1934/BC-SGTVT ngày 16/4/2024.

Trong đó, Sở này tham mưu, đề nghị UBND tỉnh xem xét bãi bỏ Kế hoạch số 191/KH-UBND và ban hành văn bản chỉ đạo mới thay thế cho kế hoạch trên, trong đó nội dung chính là: "Giao chủ đầu tư chủ trì lập phương án vận chuyển, gửi đến UBND cấp huyện nơi có mỏ vật liệu hoặc nơi công trình phải vận chuyển đổ thải để thực hiện chấp thuận phương án vận chuyển (thời gian thực hiện trong vòng 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị)"./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top