Aa

Quảng Ninh tiếp tục dẫn đầu cả nước hai chỉ số SIPAS và PAR INDEX

Thứ Sáu, 19/04/2024 - 06:00

Năm 2023 là năm thứ 5 liên tiếp tỉnh Quảng Ninh dẫn đầu cả nước về chỉ số SIPAS. Tỉnh cũng có 6 lần đứng đầu bảng xếp hạng chỉ số PAR INDEX cả nước.

Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ vừa tổ chức công bố Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2023 (SIPAS) và Chỉ số cải cách hành chính năm 2023 (PAR INDEX) của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Việc triển khai đo lường sự hài lòng của người dân về phục vụ hành chính và cải cách hành chính được Bộ Nội vụ - Cơ quan Thường trực CCHC của Chính phủ triển khai hàng năm. Đối với chỉ số SIPAS, năm 2023, là năm thứ 2 triển khai đo lường sự hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước ở cả nội dung xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách công và cung ứng dịch vụ hành chính công.

9 nhóm chính sách công quan trọng, có ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân được lựa chọn để người dân đánh giá, bao gồm: Chính sách phát triển kinh tế; chính sách khám, chữa bệnh; chính sách giáo dục phổ thông; chính sách nước sinh hoạt; chính sách điện sinh hoạt; chính sách trật tự, an toàn xã hội; chính sách giao thông đường bộ; chính sách an sinh, xã hội và chính sách CCHC nhà nước.

Theo đánh giá của Cơ quan Thường trực, người dân hài lòng đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước nói chung trong cả nước năm 2023 ở mức 82,66%, tăng trên 2,60 điểm so với năm 2022. Mức độ hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước ở 63 tỉnh, thành phố nằm trong khoảng 75,03% - 90,61%.

Trong đó, tỉnh Quảng Ninh dẫn đầu chỉ số SIPAS, với kết quả đạt 90,61%; đứng thứ 2 tỉnh Thái Nguyên đạt 90,29%; thứ 3 tỉnh Hải Dương đạt 90,23%. Như vậy, Quảng Ninh 5 năm liên tục giữ vị trí dẫn đầu chỉ số SIPAS (2019 - 2023).

Quảng Ninh tiếp tục dẫn đầu cả nước hai chỉ số SIPAS và PAR INDEX- Ảnh 1.

Quảng Ninh 5 năm liên tục giữ vị trí dẫn đầu Chỉ số SIPAS (2019-2023)

Đối với chỉ số PAR INDEX, kết quả đạt được của các bộ, ngành và UBND các địa phương khá toàn diện trên các lĩnh vực. Đặc biệt, Chỉ số PAR INDEX năm 2023 của các tỉnh, thành phố đã trở lại quỹ đạo tăng trưởng tích cực, giá trị trung bình năm 2023 đạt 86,98%, cao hơn 2,19% so với năm 2022. Đây là năm thứ 5 liên tiếp có Chỉ số CCHC của các địa phương đạt giá trị trung bình trên 80%.

Tỉnh Quảng Ninh năm 2023 tiếp tục dẫn đầu bảng xếp hạng Chỉ số PAR INDEX, với kết quả đạt 92,18%; thứ 2 là Hải Phòng đạt 91,87%; thứ 3 là Hà Nội đạt 91,43%; Bắc Giang đạt 91,16%. Như vậy, từ năm 2012 đến nay, Quảng Ninh có 6 lần đứng đầu bảng xếp hạng Chỉ số PAR INDEX cả nước (2017 đến năm 2020 và 2022 - 2023).

Quảng Ninh tiếp tục dẫn đầu cả nước hai chỉ số SIPAS và PAR INDEX- Ảnh 2.

Quảng Ninh có 6 lần đứng đầu bảng xếp hạng Chỉ số PAR INDEX cả nước (2017 đến năm 2020 và 2022 - 2023)

Phát biểu tại hội nghị công bố của Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ, ông Cao Tường Huy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh nhấn mạnh, tỉnh Quảng Ninh xác định thể chế địa phương là động lực chính trị - tinh thần mang tính quyết định cho phát triển, quyết định sử dụng hiệu quả, tiết kiệm các nguồn lực, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, bảo đảm phát triển bền vững, nâng cao sức cạnh tranh địa phương.

Hành trình cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nâng cao năng lực cạnh tranh của Quảng Ninh đã trở thành thương hiệu của tỉnh về một "Điểm đến đầu tư an toàn, thuận lợi, minh bạch, hấp dẫn và thành công".

Quảng Ninh tiếp tục dẫn đầu cả nước hai chỉ số SIPAS và PAR INDEX- Ảnh 3.

Ông Cao Tường Huy - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh phát biểu tại hội nghị (Ảnh: CTV)

Với phương châm "Chỉ có điểm bắt đầu, không có điểm kết thúc, chỉ có nhìn về phía trước để tiến lên", Quảng Ninh hiểu rõ việc giành được vị thế, thứ hạng các chỉ số đã khó, giữ vững được vị thế, thứ hạng chỉ số càng khó khăn hơn.

Do vậy, trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục đổi mới sáng tạo, không ngừng nỗ lực, bền bỉ vươn tới bằng tầm nhìn văn hóa, lòng tin chiến lược, trách nhiệm công vụ, đạo đức liêm chính, động lực nội sinh để kiến tạo, nuôi dưỡng, nâng cao niềm tin xã hội; niềm tin của người dân, nhà đầu tư và doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, nâng cao năng lực phản ứng chính sách, kịp thời xử lý các vấn đề mới phát sinh thuộc thẩm quyền. Mở rộng sự kết nối, trao đổi thông tin, tăng cường tương tác thường xuyên giữa chính quyền các cấp với người dân và doanh nghiệp. Từ đó, tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, công khai, minh bạch, cạnh tranh công bằng.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top