Aa

Lào Cai: 6 chủ đầu tư khoáng sản gây thất thoát gần 100 tỷ đồng ngân hàng

Thứ Sáu, 13/07/2018 - 02:06

Tại tỉnh Lào Cai, Thanh tra Chính phủ chỉ ra 6 chủ đầu tư quản lý nguồn thu tài chính từ hoạt động khoáng sản còn nhiều khuyết điểm, vi phạm, gây thất thoát ngân sách Nhà nước với số tiền hơn 95 tỷ đồng.

Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh vừa ký thông báo công khai Kết luận thanh tra việc chấp hành chính sách pháp luật trong công tác quản lý, khai thác, chế biến khoáng sản trên địa bàn tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2005 - 2015.

Trước đó, ngày 29/12/2017, Tổng Thanh tra Chính phủ đã ban hành Kết luận thanh tra số 3238/KL-TTCP về việc chấp hành chính sách, pháp luật trong công tác quản lý, khai thác, chế biến khoáng sản trên địa bàn tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2005 - 2015. Ngày 30/3/2018, Văn phòng Chính phủ có Văn bản số 126/TB-VPVP thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình về kết luận thanh tra. Thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đồng ý với các kiến nghị của TTCP. Bộ Công thương, Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường và UBND tỉnh Lào Cai khẩn trương thực hiện các nội dung kiến nghị của TTCP…

Kết luận thanh tra chỉ rõ công tác quản lý, khai thác, chế biến khoáng sản trên địa bàn tỉnh Lào Cai còn bộc lộ nhiều khuyết điểm, vi phạm. UBND tỉnh chưa ban hành kịp thời các văn bản quy định về phí bảo vệ môi trường và một số văn bản quy định về tính thuế tài nguyên chưa sát với giá khoáng sản thực tế của thị trường, dẫn đến có lợi cho doanh nghiệp và thất thu ngân sách Nhà nước.

6 chủ đầu tư vi phạm trong quá trình khai thác đầu tư dự án gây thất thoát gần 100 tỷ đồng ngân sách Nhà nước

6 chủ đầu tư vi phạm trong quá trình khai thác đầu tư dự án gây thất thoát gần 100 tỷ đồng ngân sách Nhà nước. Ảnh minh họa

Trách nhiệm thuộc Chủ tịch UBND tỉnh và Giám đốc Sở Tài chính, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh, giai đoạn 2008 - 2012. Cụ thể, 13 dự án khoáng sản được giới thiệu địa điểm với diện tích vượt so với quy hoạch là 196, 77ha vào đất rừng sản xuất, đất nông nghiệp và các loại đất khác; có 11 dự án khai thác khoáng sản nằm ngoài quy hoạch với diện tích hơn 65ha là chưa đúng với quy định của Luật Xây dựng năm 2003 và Nghị định của Chính phủ về quy hoạch xây dựng. Trách nhiệm thuộc về Giám đốc Sở Xây dựng và các phòng, ban chuyên môn thuộc Sở giai đoạn 2007 - 2015.

Chưa kể, công tác thẩm định còn nhiều khuyết điểm, như: việc đánh giá hiệu quả đầu tư, năng lực tài chính, kinh nghiệm của chủ đầu tư chưa chính xác dẫn đến nhiều dự án triển khai chậm tiến độ, một số dự án không hiệu quả… Trách nhiệm thuộc về Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, giai đoạn 2005 – 2015. Một số dự án khai thác khoáng sản được chủ đầu tư chuyển nhượng quyền khai thác khi chưa được các cơ quan có thẩm quyền cho phép và UBND tỉnh đã cho phép một số chủ đầu tư khai thác tận thu vượt thời hạn ba năm… là vi phạm quy định của Luật Khoáng sản. Trách nhiệm thuộc về chủ đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh Lào Cai, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, giai đoạn 2005 – 2015…

Ngoài ra, TTCP cho biết, qua thanh tra tại 6 chủ đầu tư, đã phát hiện việc quản lý nguồn thu tài chính từ hoạt động khoáng sản đang còn nhiều khuyết điểm, vi phạm, gây thất thoát ngân sách nhà nước với số tiền hơn 95 tỷ đồng. Công tác quản lý tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh còn nhiều hạn chế, khuyết điểm, vi phạm ở hầu hết các khâu từ quy hoạch khoáng sản, cung cấp thông tin về quy hoạch và giới thiệu địa điểm dự án, thẩm định dự án đầu tư và cấp giấy chứng nhận đầu tư, cấp giấy phép khai thác khoáng sản, thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất liên quan hoạt động khoáng sản và thực hiện nghĩa vụ tài chính như: tiền thuê đất, thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường; gây thất thu ngân sách nhà nước. Hiệu quả kinh tế cho Nhà nước từ hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh Lào Cai thời gian qua đạt thấp.

Từ kết luận nêu trên, TTCP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo giao Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai khẩn trương rà soát điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thời kỳ 2011 - 2020, đặc biệt là đối với loại đất hoạt động khoáng sản, tránh chồng lấn vào đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, bảo đảm diện tích quy hoạch sử dụng đất đã được Chính phủ phê duyệt.

Khảo sát đo đạc, xác định lại diện tích để phê duyệt điều chỉnh quy hoạch khoáng sản, có vị trí, ranh giới cụ thể; phê duyệt điều chỉnh lại quy hoạch vùng cấm hoạt động khoáng sản; phê duyệt điều chỉnh quy hoạch khoáng sản vật liệu thông thường. Về xử lý về tài chính, xem xét, thu hồi về ngân sách nhà nước, tổng số tiền sai phạm: gần 83 tỷ đồng (Công ty Apatit Việt Nam đã nộp hơn 12 tỷ đồng sai phạm về phí bảo vệ môi trường vào ngày 31/8/2017).

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top