Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội vừa có công văn gửi tới Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc cập nhật cơ sở dữ liệu, cập nhật ngăn chặn theo đề nghị của các ngân hàng và tổ chức tín dụng liên quan đến việc thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai.
Theo đó, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết, thời gian qua, Văn phòng Đăng ký đất đai trực thuộc Sở thường xuyên nhận được thông báo thế chấp, đề nghị cập nhật cơ sở dữ liệu đối với các trường hợp mà các ngân hàng và tổ chức tín dụng khi nhận thế chấp tài sản là nhà ở hình thành trong tương lai thuộc dự án phát triển nhà ở trên địa bàn Hà Nội.
Nội dung các ngân hàng và tổ chức tín dụng đề nghị ghi nhận việc thế chấp tài sản là nhà ở hình thành trong tương lai trên địa bàn thành phố của các ngân hàng. Đồng thời, đề nghị không tiếp nhận yêu cầu đăng ký thế chấp của các đơn vị, ngân hàng, tổ chức cá nhân khác hoặc không tiếp nhận hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đối với các căn hộ mà chưa có sự chấp thuận của phía ngân hàng.
Tuy nhiên, các đề nghị này lại không có hồ sơ nộp kèm theo. Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết, căn cứ các quy định hiện hành, để có căn cứ cập nhật cơ sở dữ liệu thì các ngân hàng và tổ chức tín dụng khi nhận thế chấp dự án nhà ở hình thành trong tương lai của các chủ đầu tư hoặc các tổ chức, cá nhân mua nhà phải nộp hồ sơ theo quy định (tại Thông tư 09/2016/TTLT-BTP-BTNMT của Bộ Tư Pháp – Bộ Tài nguyên và Môi trường và Nghị định số 102/2017/ND-CP của Chính phủ). Đối với hồ sơ đủ điều kiện, Văn phòng Đăng ký đất đai mới đăng ký thế chấp và cập nhật cơ sở dữ liệu theo quy định.
“Đối với các trường hợp các bên thực hiện giao dịch không nộp hồ sơ đăng ký thế chấp tại Văn phòng Đăng ký đất đai Hà Nội, Văn phòng không có cơ sở để cập nhật cơ sở dữ liệu. Vì vậy, nội dung thông báo thế chấp, yêu cầu ngăn chặn không cấp Giấy chứng nhận và thực hiện các giao dịch của ngân hàng là không thực hiện được” – công văn của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội nêu rõ.
Trên thực tế, nếu các giao dịch thế chấp ngân hàng mà cơ quan quản lý đất đai không có thông báo thế chấp và ngăn chặn không cấp Giấy chứng nhận thì dễ dẫn đến tình trạng nhà ở hình thành trong tương lai có thể bị thế chấp hai, ba lần tại các nơi khác nhau. Hoặc cũng có thể có trường hợp chủ đầu tư đã thế chấp dự án trong khi người mua căn hộ cũng đem thế chấp tài sản...
Đây là vấn đề nhiều ngân hàng lo ngại khi nhận thế chấp các dự án nhà ở hình thành trong tương lai.