Theo đánh giá của UBND tỉnh Lào Cai, trong năm 2023, giải ngân vốn đầu tư của tỉnh được đánh giá là điểm sáng của phát triển kinh tế - xã hội. Đến ngày 31/12/2023, tỷ lệ giải ngân của tỉnh đứng thứ 12/63 tỉnh, thành phố có tỷ lệ giải ngân cao trong cả nước. Năm 2024, tổng vốn đầu tư công của tỉnh đã giao là 5.972 tỷ đồng và để đảm bảo tỷ lệ giải ngân đến hết năm đạt trên 95% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao và 100% vốn ngân sách địa phương (ngân sách cấp tỉnh, cấp huyện), Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành và địa phương triển khai một số nhiệm vụ như sau:
Thực hiện phân bổ và giao chi tiết 100% kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2024 được Thủ tướng Chính phủ, HĐND và UBND tỉnh giao, bảo đảm tuân thủ nguyên tắc, thứ tự ưu tiên bố trí vốn theo quy định của Luật Đầu tư công, các quy định hiện hành.
Đề cao kỷ luật, kỷ cương hành chính, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, cản trở làm chậm tiến độ giao vốn, thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn; cá thể hóa trách nhiệm người đứng đầu trong trường hợp giải ngân chậm, gắn với đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Thực hiện đảm bảo công tác giải ngân nguồn vốn đầu tư công năm 2024, cụ thể: Đối với các dự án thu hồi ứng trước ngân sách tỉnh năm 2024, dự án quyết toán, yêu cầu các đơn vị, chủ đầu tư khẩn trương hoàn thành việc giải ngân ngay trong quý I/2024. Đối với dự án hoàn thành trong năm 2024, tập trung hoàn thành các hạng mục công trình, hoàn tất công tác nghiệm thu, thanh toán và giải ngân vốn cho các nhà thầu; khẩn trương lập báo cáo quyết toán dự án hoàn thành và đảm bảo hoàn thành giải ngân trong quý II/2024. Đối với dự án chuyển tiếp hoàn thành sau năm 2024, tăng cường đôn đốc các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công gắn với chất lượng công trình, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về nguyên- nhiên- vật liệu trong quá trình thi công, nghiệm thu khối lượng hoàn thành để đủ điều kiện thanh toán cho nhà thầu trong quý III/2024. Đối với dự án khởi công mới năm 2024, khẩn trương lập hồ sơ thiết kế và dự toán theo đúng quy định, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, phê duyệt và lựa chọn nhà thầu để sớm thi công dự án trong quý I/2024.
Ban hành kế hoạch và cam kết giải ngân chi tiết theo từng nguồn vốn của dự án và phân công lãnh đạo chịu trách nhiệm theo dõi tiến độ thực hiện cho từng dự án; đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công ngay từ những ngày đầu năm 2024, đặc biệt là các dự án trọng điểm, các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư, hằng tháng phối hợp với Sở Tài chính, Kho bạc Nhà nước tỉnh công bố công khai tại phiên họp thường kỳ UBND tỉnh và trên các phương tiện thông tin đại chúng về tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của tất cả các cơ quan, đơn vị, địa phương; đề xuất UBND tỉnh phê bình đích danh các sở, ban, ngành, địa phương giải ngân chậm; biểu dương các sở, ban, ngành, địa phương giải ngân tốt.
Tổng hợp đề xuất của các cơ quan, đơn vị, địa phương về việc điều chỉnh (tăng/giảm) kế hoạch đầu tư vốn năm 2024, trong đó báo cáo Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phương án sớm phân bổ nguồn vốn nước ngoài ODA (cấp phát) báo cáo UBND tỉnh trước ngày 31/3/2024.
Hoàn thiện việc giao kế hoạch giải ngân của tỉnh, chi tiết đến từng tháng, quý; hoàn thành việc báo cáo UBND tỉnh trong quý I/2024. Đồng thời thường xuyên theo dõi, báo cáo UBND tỉnh việc cam kết giải ngân của các đơn vị, chủ đầu tư theo tháng, quý; đôn đốc đơn vị, chủ đầu tư phấn đấu hoàn thành giải ngân ở mức cao nhất.
Giao Sở Tài chính, sau khi nhận được quyết định phân bổ chi tiết kế hoạch vốn của chủ đầu tư, thực hiện phân bổ theo quy định, khẩn trương thực hiện nhập dự toán trên hệ thống Tabmit; tăng cường đôn đốc, kiểm tra và hướng dẫn việc thực hiện quyết toán vốn dự án hoàn thành, đặc biệt là các nguồn vốn phân cấp cho huyện quản lý và các dự án tồn đọng, chậm phê duyệt quyết toán. Hướng dẫn các chủ đầu tư hoặc đề xuất UBND tỉnh theo thẩm quyền để giải quyết các vướng mắc phát sinh trong quá trình quyết toán dự án hoàn thành.
Định kỳ hàng quý, trước ngày 10 tháng đầu tiên của quý tiếp theo, Sở Tài chính tổng hợp danh sách các chủ đầu tư có dự án chậm nộp báo cáo quyết toán, cấp thẩm quyền chậm thẩm tra, phê duyệt quyết toán báo cáo UBND tỉnh.
Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Kho bạc Nhà nước tỉnh tham mưu UBND tỉnh báo cáo Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Kho bạc Nhà nước về tình hình thực hiện và thanh toán vốn đầu tư công năm 2024 theo quy định.
Giao Sở Xây dựng, tăng cường công tác quản lý vật liệu xây dựng, đảm bảo hiệu lực, hiệu quả; chủ động kiểm tra chất lượng vật liệu xây dựng đưa vào sử dụng trong các công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh. Thường xuyên cập nhật điều chỉnh, công bố giá và chỉ số giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng theo tháng phù hợp với diễn biến giá thị trường. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan theo dõi sát tình hình, diễn biến thị trường vật liệu xây dựng, đặc biệt là các vật liệu chủ yếu như cát, đất đắp và đá, tránh tình trạng các chủ mỏ liên kết tự ý nâng giá vật liệu; kịp thời báo cáo, đề xuất cơ quan có thẩm quyền có chế tài xử lý nghiêm các trường hợp thao túng giá và các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc đảm bảo cung cầu, kiểm soát giá vật liệu xây dựng.
Các sở quản lý xây dựng chuyên ngành liên quan, thực hiện rút ngắn tối đa thời gian thẩm định các thủ tục về đầu tư, nhất là các dự án lớn, quan trọng của tỉnh, hướng dẫn thực hiện và tạo mọi điều kiện hỗ trợ thủ tục cho các đơn vị đảm bảo tiến độ triển khai dự án. Nghiên cứu các quy định pháp luật liên quan đến các thủ tục về xây dựng, đất đai, tài nguyên,... rà soát hoàn thiện khung pháp lý, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, tham mưu cấp thẩm quyền kịp thời loại bỏ, tháo gỡ các rào cản khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách liên quan lĩnh vực đầu tư xây dựng nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân, đảm bảo phát huy hiệu quả đầu tư các dự án.
Kho bạc Nhà nước tỉnh, thực hiện và chỉ đạo kho bạc nhà nước các huyện, thị xã, thành phố thanh toán vốn cho các dự án khi có đủ điều kiện giải ngân (khi nhận đủ hồ sơ theo quy định); phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư xử lý các vướng mắc phát sinh, rút ngắn thời gian kiểm soát chi. Tiếp tục đổi mới quy trình kiểm soát chi, rút ngắn thời gian thanh toán đúng thời hạn quy định; đẩy mạnh điện tử hóa hồ sơ, thủ tục của các đơn vị sử dụng ngân sách. Tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ đầu tư trong việc giải ngân thanh toán và hoàn ứng vốn đầu tư. Định kỳ lập báo cáo đánh giá tình hình tạm ứng và thu hồi tạm ứng vốn gửi Sở Tài chính, trong đó, phân loại cụ thể số dư tạm ứng quá hạn chưa được thu hồi đến thời điểm báo cáo, nêu rõ lý do, khó khăn, vướng mắc trong quá trình thu hồi số dư tạm ứng quá hạn (nếu có) và đề xuất biện pháp xử lý; trước ngày 5 hằng tháng (hoặc khi có chỉ đạo đột xuất của UBND tỉnh) gửi kết quả giải ngân kế hoạch vốn cho Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính để kịp thời tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh và các bộ, ngành Trung ương theo quy định.
UBND các huyện, thị xã, thành phố, có chỉ đạo cụ thể thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công cấp huyện để kiểm tra, đôn đốc, giám sát và kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các dự án. Đề nghị đồng chí bí thư huyện ủy, thị ủy, thành ủy quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tiến độ thực hiện và giải ngân vốn của các dự án trên địa bàn do địa phương quản lý và coi đây là nhiệm vụ trọng tâm trong năm. Trường hợp do nguyên nhân chủ quan không giải ngân hết kế hoạch vốn được giao, tỉnh sẽ không bố trí lại và các địa phương tự chịu trách nhiệm bố trí từ ngân sách cấp huyện để bù vào phần ngân sách tỉnh bị thu hồi.
Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố phải trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm về kết quả giải phóng mặt bằng trên địa bàn, gắn trách nhiệm, đánh giá mức độ hoàn thành công việc với tiến độ thực hiện giải ngân của dự án, nhất là ban quản lý dự án các huyện thị xã thành phố; luân chuyển, điều động, kỷ luật đối với cán bộ gây khó khăn, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm.
Chủ trì, phối hợp với các chủ đầu tư, đơn vị quản lý dự án tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư, có cam kết cụ thể về tiến độ hoàn thành công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng từng khu vực của dự án phù hợp và đồng bộ với tiến độ thi công; tăng cường quản lý hiệu lực, hiệu quả đất đai, nhất là nguồn gốc đất, quy hoạch sử dụng các loại đất… hạn chế tối đa việc điều chỉnh phương án đền bù, bảo đảm tiến độ thực hiện. Kịp thời báo cáo và đề xuất UBND tỉnh các khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền.
Chịu trách nhiệm và chủ động chỉ đạo xử lý quyết liệt, giải quyết dứt điểm những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai các dự án khai thác quỹ đất trên địa bàn; công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư để kịp thời triển khai tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, đảm bảo thu, nộp tiền sử dụng đất theo đúng tiến độ.
Các chủ đầu tư, đơn vị quản lý dự án, tập trung làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị thực hiện dự án. Chuẩn bị mọi điều kiện tốt nhất để hoàn thành thủ tục đầu tư; kiểm tra, rà soát từng dự án được bố trí kế hoạch vốn năm 2024; nâng cao tính sẵn sàng và tính khả thi, khả năng triển khai thực hiện dự án để có thể triển khai thực hiện ngay. Tích cực giải ngân vốn đầu tư công ngay từ những tháng đầu năm, không để chậm trễ, ảnh hưởng đến tỷ lệ giải ngân chung của tỉnh.
Phân công lãnh đạo đơn vị trực tiếp phụ trách từng dự án và cử công chức, viên chức theo dõi tiến độ thực hiện các dự án; tổ chức giao ban định kỳ với các đơn vị liên quan để kịp thời nắm tình hình thực tế. Tăng cường tần suất kiểm tra, giám sát hiện trường để phối hợp, làm việc với các địa phương, đơn vị thi công, đơn vị tư vấn, đơn vị liên quan cùng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là công tác giải phóng mặt bằng, vật liệu xây dựng.
Đẩy nhanh công tác lựa chọn nhà thầu theo đúng quy định pháp luật, sớm khởi công công trình. Thực hiện đấu thầu qua mạng theo quy định, bảo đảm công khai, minh bạch, lựa chọn nhà thầu có đủ năng lực kỹ thuật, tài chính, kinh nghiệm nhằm triển khai đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng để rút ngắn thời gian thực hiện công trình. Yêu cầu nhà thầu thi công ký cam kết về tiến độ thực hiện theo từng tháng, quý; có phương án đảm bảo nguồn nhân lực để tổ chức thi công trong các ngày lễ, tết, nhất là đối với các công trình trọng điểm, mang tính cấp bách đảm bảo tiến độ, chất lượng yêu cầu. Kiên quyết xử lý nghiêm các nhà thầu vi phạm tiến độ xây dựng, chất lượng công trình, chậm giao nộp thủ tục thanh toán khối lượng hoàn thành và vi phạm các điều khoản hợp đồng đã ký kết.
Tăng cường công tác nghiệm thu từng giai đoạn dự án để giải ngân vốn kịp thời khi có khối lượng hoàn thành. Đẩy nhanh công tác quyết toán công trình khi được nghiệm thu đưa vào sử dụng theo đúng thời gian quy định và có biện pháp xử lý nghiêm đối với các đơn vị không quyết toán, quyết toán chậm, gây ảnh hưởng đến công tác bố trí và thanh toán kế hoạch vốn.
Theo dõi chặt chẽ, thường xuyên cập nhật kế hoạch thực hiện - giải ngân của từng dự án/gói thầu theo kế hoạch đề ra, từ đó phân nhóm các dự án gặp vướng mắc về thủ tục đầu tư, xây dựng, đấu thầu, nhóm các dự án vướng mắc về thủ tục đất đai, giải phóng mặt bằng, nhóm các dự án gặp vướng mắc về kế hoạch vốn và thủ tục giải ngân để kịp thời giải quyết và tháo gỡ; báo cáo UBND tỉnh (qua Sở Kế hoạch và Đầu tư) để kịp thời giải quyết và tháo gỡ.
Giao Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính đề xuất hình thức khen thưởng, kỷ luật phù hợp đối với người đứng đầu cơ quan, địa phương, đơn vị trong việc thực hiện nhiệm vụ UBND tỉnh giao về giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2024.
Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đơn vị trực thuộc UBND tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố, các ban quản lý dự án, chủ đầu tư và đơn vị liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao tập trung chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn, tổ chức triển khai thực hiện; chịu trách nhiệm toàn diện trước UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh về kết quả giải ngân các nguồn vốn đầu tư của cơ quan, đơn vị, địa phương mình quản lý.