Aa

Lấp cống, mở đường: Giá đất tăng phi mã, nhiều chủ nhà thành “tỷ phú”

Thứ Bảy, 19/09/2020 - 06:30

Nhiều ngôi nhà sau khi ra mặt đường, giá trị đã tăng gấp 4 - 5, thậm chí 7 lần so với trước, khiến nhiều chủ nhà trở thành “tỷ phú”.

Trong 10 năm gần đây, Hà Nội đang đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng, giao thông, đường xá để tạo điều kiện cho người dân sinh sống và làm việc, tạo động lực phát triển kinh tế. Quá trình mở rộng đường phố giúp nhiều ngôi nhà bỗng dưng ra mặt đường, giá trị bất động sản nhờ thế cũng tăng chóng mặt.

Đổi đời nhờ các dự án mở đường

Cách đây gần 10 năm, đường Trung Phụng (quận Đống Đa, Hà Nội) vốn là một con mương chứa nước thải, bốc mùi hôi thối. Thời điểm đó, giá đất tại khu vực này chỉ dao động trong khoảng 40 - 50 triệu đồng/m2. Thậm chí, trong giai đoạn thị trường bất động sản đi xuống (2012 - 2013), giá đất tại khu vực này xuống dưới 50 triệu đồng/m2.

Thế nhưng, kể từ khi UBND Hà Nội quyết định lấp cống, mở đường. Giá trị nhà đất tại khu vực này tăng chóng mặt. Ngay từ giai đoạn bắt đầu thi công, giá đất đã tăng 6 lần, và đạt “đỉnh” ở ngưỡng 200 - 300 triệu đồng/m2, tùy thuộc vào vị trí và diện tích.

Đường Trung Phụng (đường đỏ) trước đây có tên là cống chẹm.

Hiện tại, giá đất tại tuyến đường này vẫn tiếp tục tăng cao. Cụ thể, một ngôi nhà có diện tích 30 m2, 5 tầng được rao bán với giá 10 tỷ đồng, khoảng 330 triệu đồng/m2.

Tương tự, một ngôi nhà khác giáp với đường Xã Đàn, có diện tích 42m2, được chủ nhà bán với mức 12 tỷ đồng, tương đương 285 triệu đồng/m2.

Với mức tăng hơn 6 lần, nhiều gia đình bỗng dưng đổi đời và trở thành tỷ phú. Đơn cử như bà Mỹ Hạnh, trước khi làm đường, ngôi nhà 35m2, 3 tầng của gia đình được định giá 1,6 tỷ đồng. Sau năm 2017, chính ngôi nhà này được định giá lên tới 8,5 tỷ đồng và tới năm 2020 là 9,7 tỷ đồng.

Bà Hạnh chia sẻ: “Trên thực tế, dự án lấp cống, làm đường Trung Phụng có từ trước năm 2010. Ngay từ khi có thông tin làm đường, đất tại đây đã rục rịch tăng giá, nhiều đội cò đã tới đây gom đất để chờ ngày dự án được thi công. Tuy nhiên, phải đến 7 - 8 năm sau, cống mới được lấp, giá đất thời điểm đó mới bắt đầu tăng mạnh”.

Đường Trung Phụng sau khi hoàn thiện.

Cũng có vận may đổi đời như bà Hạnh, ông Đỗ H., trú tại ngõ 234 Trường Chinh cho biết, năm 2016, dự án mở rộng đường Vành đai 2, đoạn từ Ngã Tư Sở tới chân cầu Vĩnh Tuy bắt đầu giai đoạn giải phóng mặt bằng. Thời điểm đó, giá đất dọc theo đường Trường Chinh được giới “cò” đất thu mua với giá từ 60 - 70 triệu đồng/m2.

Sang tới năm 2017, giá đất tại khu vực này tiếp tục vọt lên trên 100 triệu đồng/m2. Cho tới thời điểm hiện tại, khi đã gần hoàn thành đoạn đường này, giá đất mặt đường tại khu vực này đã tăng lên 200 - 300 triệu đồng/m2. Trong khi đó, giá đất trong ngõ cũng tăng lên ngưỡng 100 - 220 triệu đồng/m2.

“Cò đất” tích cực đi gom đất quanh dự án giao thông

Trước tốc độ tăng giá phi mã của các sản phẩm bất động sản xung quanh các tuyến đường mới mở, giới “cò đất” đã tích cực quá trình gom đất với số lượng lớn đề đón đầu dự án.

Ví dụ, sau tuyến đường Vành đai 2, các tuyến Vành đai 3 hoặc một số dự án cầu vượt sông Hồng, như cầu Trần Hưng Đạo, cầu Đuống 2, cầu Tứ Liên;... đang trở thành tâm điểm chú ý của giới "cò" đất.

“Cò đất” tích cực gom đất để đón đầu dự án.

Ông An Tiến Hưng, một nhân viên môi giới bất động sản tại Hà Nội tiết lộ, một số công ty bất động sản, hoặc một số “cò đất” tự do đang huy động nhân sự tới các tuyến đường kể trên thuyết phục chủ nhà bán nhà, bán đất với cam kết giá trị trường cộng thêm 10 - 20%, thậm chí có nơi cam kết trả thêm 30% phí chênh lệch.

“Chi phí cộng thêm này là giá trị vô hình trong tương lai. Tuy nhiên, tùy từng khu vực sẽ có mức chênh lệch khác nhau và có thể thay đổi từng ngày do biến động của thị trường. Tuy nhiên, phải có phí chênh lệch để có cớ thuyết phục chủ nhà đồng ý bán nhà, bán đất cho bên môi giới”, vị này nói.

Dù vậy, ông Hưng cho biết, dù đã trả cao hơn so với giá thị trường, song không phải chủ nhà nào cũng vui vẻ đồng ý sang nhượng. Bởi vì, nhiều chủ nhà chấp nhận chờ thêm vài năm để dự án làm đường hoàn thành, từ đó, giá đất có thể tăng gấp 2, gấp 3 lần, thay vì chỉ ăn 20 - 30% phí chênh lệch.

Tại các đoạn đường mới mở, giá đất tăng "phi mã" khiến nhiều gia đình đổi đời. Ảnh: Vũ Đức Anh

Ví dụ như, đường Vành đai 2, đoạn từ Ngã Tư Sở tới chân cầu Vĩnh Tuy mới chỉ hoàn thiện được khoảng 30% tổng khối lượng công trình.

Trong thời gian tới, khi đoạn đường này được hoàn thiện, chắc chắn giá đất sẽ tăng nhanh, có thể đắt ngang ngửa với các tuyến đường lớn của Hà Nội như Nguyễn Trãi, Cầu Giấy hay Xã Đàn, giá đất có thể tăng thêm 30 - 50% so với hiện nay.

“Như vậy, rõ ràng chủ nhà không vội gì mà bán ngay cho giới cò đất. Họ sẵn sàng chờ thêm vài năm nữa, giá đất tăng cao hơn, dễ sinh lời hơn rồi mới quyết định bán”, ông Hưng nói.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top